Biến tướng “tín dụng đen” và những biện pháp đấu tranh mới

Bài cuối: Chung tay đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”

Thứ Bảy, 17/10/2020, 07:40
Mặc dù các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” là loại tội phạm nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là Cục Cảnh sát hình sự, Công an các địa phương, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan như sự phát triển của công nghệ, cộng với nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân cao... đã dẫn tới loại tội phạm này ngày càng diễn biến phức tạp, hoạt động lén lút với nhiều chiêu bài tinh vi, xảo quyệt.



Để đẩy lùi tội phạm “tín dụng đen” nói chung, tội phạm tín dụng đen trên mạng nói riêng, đòi hỏi sự chung tay của các cấp, ngành, các địa phương, nhất là sự đồng hành của người dân trong việc mạnh dạn tố giác tội phạm.

Chế tài xử lý còn nhiều vướng mắc

Vấn nạn "tín dụng đen" trong xã hội không phải là mới xuất hiện, thực tế nó đã tồn tại và biến tướng trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, những vụ việc được phanh phui, bắt giữ chủ yếu đều do các con nợ quá đông, hầu hết trong số đó đã mất khả năng thanh toán, phải kêu cứu đến các cơ quan chức năng...

Nhận định về loại tội phạm này, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết: Hoạt động “tín dụng đen” thường có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với tội phạm có tổ chức, các băng nhóm tội phạm thành lập các cơ sở, “chân rết” hoạt động trên địa bàn rộng khắp; trước đây tập trung nhiều tại các tỉnh, thành phố lớn, địa bàn có nhiều khu công nghiệp, thì nay đã len lỏi đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, ven biển miền Trung.

Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng “tín dụng đen”, đòi nợ thuê hiện nay tương đối tinh vi, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, để xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen bằng biện pháp pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc xuất phát từ những bất cập, vướng mắc của các văn bản pháp luật liên quan về dân sự, hành chính, hình sự. Trong đó, liên quan trực tiếp là quy định của Điều 201 Bộ luật hình sự còn nhiều khó khăn, vướng mắc khiến công tác xử lý tội phạm này chưa đạt hiệu quả cao.

Cán bộ Công an tháo các quảng cáo, tờ rơi liên quan đến “tín dụng đen”.

Cụ thể, tội danh quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự là tội ít nghiêm trọng, hình phạt nhẹ không đảm bảo tính răn đe, Cơ quan điều tra khó áp dụng biện pháp tạm giam đối tượng. Vì vậy, rất khó khăn cho quá trình đấu tranh, khai thác mở rộng vụ án, chứng minh hành vi phạm tội của các đối tượng có liên quan.

Và hiện nay do chưa có quy định xử phạt hành chính thay thế các quy định đang bất cập của Nghị định 167 đối với các trường hợp cho vay lãi nặng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; tài sản làm tin chỉ là giấy tờ tùy thân nên không được coi là tài sản thế chấp, mặt khác lại là giấy tờ cần sử dụng cho các công việc hàng ngày của người dân.

Thế nên, dù có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, cấp ủy chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng liên quan, có sự đồng tình, ủng hộ của người dân tuy nhiên hoạt động “tín dụng đen” vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp với điều kiện hoạt động mới.

Để ngăn chặn tình trạng “tín dụng đen”, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, “tín dụng đen” là loại tội phạm luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là cảnh sát hình sự, công an các địa phương. Trong thời gian tới, các cơ quan Công an sẽ đấu tranh mạnh, đặc biệt lực lượng Cảnh sát hình sự và Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Hiệu quả từ các giải pháp đồng bộ

Theo dự báo của cơ quan chức năng, thời gian tới, tình hình “tín dụng đen” xuất hiện nhiều biến tướng phức tạp, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” hoạt động kín đáo và tinh vi hơn nhằm trốn tránh sự xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Đồng thời. tận dụng triệt để các “lỗ hổng” pháp lý hiện nay để hoạt động, nhất là các hoạt động vay trực tuyến, vay ngang hàng, sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, mạng internet để phục vụ cho hoạt động cho vay lãi nặng và đòi nợ. Nhiều công ty hoạt động cho vay, kinh doanh tài chính do các đối tượng người nước ngoài, nhất là đối tượng người  nước ngoài đứng đằng sau sẽ gây ra những vấn đề phức tạp về ANTT liên quan đến thị trường tài chính nói chung và tình hình “tín dụng đen” nói riêng.

Các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng tiếp tục len lỏi, tiếp cận mời chào đến những người đi vay có trình độ hiểu biết pháp luật thấp, những người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn nơi mà công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả để dụ dỗ cho vay nhằm trục lợi.

Để giải quyết tình hình trên, góp ý vào quá trình sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Công an chủ trì, nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy lùi “ tín dụng đen”, trước tiên cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” đạt hiệu quả, giải quyết triệt để vấn nạn “tín dụng đen”.

Trong đó, Bộ Công an đã trình, báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng tăng nặng hình phạt, đưa tình tiết phạm tội có tổ chức, phạm tội với nhiều người làm tình tiết định khung để có chế tài đủ sức răn đe cũng như để có căn cứ áp dụng biện pháp tạm giam nhằm mở rộng điều tra các vụ án phức tạp, có nhiều đối tượng, nhiều bị hại, cần nhiều thời gian để điều tra.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất Chính phủ sớm có văn bản thay thế Nghị định 104/2003/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo hướng: Nếu cấm kinh doanh thì cần phải luật hóa trong quy định của Luật Đầu tư về các ngành nghề cấm kinh doanh đầu tư. Nếu cho phép kinh doanh thì phải quy định theo hướng siết chặt các điều kiện kinh doanh, tăng mức hình phạt vi phạm, bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xử phạt cho lực lượng CAND.

Ngày 17-6-2020, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Đầu tư sửa đổi đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Việc Luật Đầu tư sửa đổi cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ góp phần hạn chế những vụ việc do hoạt động đòi nợ thuê gây ra trong thời gian tới.

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen”, nhất là tội phạm “tín dụng đen” trên mạng trong thời gian tới, bên cạnh sự rốt ráo, quyết liệt, tăng cường thanh kiểm tra các tổ chức cho vay tín dụng của ngành chức năng là lực lượng Công an các địa phương, cần sự quyết liệt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các Bộ, ngành và sự tích cực, tham gia của người dân trong việc phát hiện, tố giác tội phạm.

Theo thống kê của VKSND tối cao: Từ 1/6/2019 – 31/5/2020, Cơ quan chức năng đã khởi tố mới về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự 283 vụ án/545 bị can. Trong tổng số 396 vụ/794 bị can đã khởi tố về tội danh trên (cũ và mới), đã truy tố 307 vụ/649 bị can (tăng 231 vụ).

Theo thống kê của TAND tối cao: Từ 1/5/2019 đến 30/4/2020, TAND các cấp đã thụ lý 357 vụ/ 781 bị cáo phạm tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo thủ tục sơ thẩm (tăng 313 vụ/683 bị cáo so với cùng kỳ năm trước), đã giải quyết 272 vụ/558 bị cáo (đạt tỷ lệ 76,2% về số vụ/71,4% về số bị cáo).

Trong số 240 vụ/471 bị cáo được đưa ra xét xử, TAND các cấp đã tuyên phạt tù từ 03 năm trở xuống với 269 bị cáo (59 bị cáo hưởng án treo), phạt tiền 104 bị cáo, áp dụng các hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ với 98 bị cáo... (Nguồn Bộ Công an).

Anh Hiếu-Minh Hiền
.
.
.