Cảnh báo tình trạng thuê côn đồ gây án

Thuê côn đồ gây án: Chơi dao sắc có ngày đứt tay

Thứ Sáu, 31/07/2015, 08:16
Việc ngăn chặn và đấu tranh với tình trạng côn đồ gây án hiện nay chỉ do lực lượng Công an xử lý. Ngoài sự vào cuộc của cơ quan Công an, còn cần sự quyết liệt của chính quyền địa phương và các đoàn thể. Các mâu thuẫn trong gia đình và xã hội, cần được ngăn chặn ngay từ đầu…


Lý giải nguyên nhân tình trạng sử dụng côn đồ xảy ra trên địa bàn cả nước trong thời gian qua, Đại tá, Tiến sỹ Đỗ Cảnh Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: Nền kinh tế thị trường luôn có sự cạnh tranh khốc liệt… Sự cạnh tranh sẽ là cần thiết và lành mạnh trên cơ sở tất cả phải tôn trọng và chấp hành luật pháp. Tuy nhiên, có không ít người lấy lợi nhuận là tối thượng, bất chấp pháp luật và đạo lý, vì vậy thường gây ra những mâu thuẫn, căng thẳng, xung đột, tranh chấp. Để giải quyết những mâu thuẫn và tranh chấp, nhiều người đã sử dụng những cách thức trái pháp luật.

Trước những sức ép, căng thẳng trong cuộc sống hiện nay cũng xuất hiện nhiều dạng mâu thuẫn, tranh chấp như trong chuyện tình cảm (nhất là ghen tuông, ngoại tình), mâu thuẫn, tranh chấp trong kinh doanh hay các tranh chấp về tài sản (nhà cửa, đất đai, thừa kế, nợ nần…) nhiều người đã không sử dụng công cụ pháp lý để giải quyết mà thuê côn đồ để đòi nợ thuê, gây ra nhiều phức tạp về an ninh, trật tự xã hội.

Trong các vụ thuê côn đồ giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp này, kỷ cương, pháp luật bị coi thường; các đối tượng thường phạm nhiều tội như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, công nhiên chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, chống người thi hành công vụ, giết người… Thực tế các vụ việc xảy ra cho thấy, các đối tượng thuê côn đồ hầu hết thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc bất chấp pháp luật, chỉ quan tâm đến việc đạt được mục đích.

Bên cạnh đó có một thực tế là hiệu lực giải quyết các tranh chấp dân sự hiện nay còn thấp nên không ít người thiếu tin tưởng vào các cơ quan có thẩm quyền, trong khi đó có nhiều trường hợp với sự đe dọa, áp lực của côn đồ, nạn nhân đã phải thực hiện những yêu cầu của chúng, từ đó tạo ra sự lan truyền tâm lý về hiệu quả của việc sử dụng côn đồ trong việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.

Nếu như trước đây, việc thuê và sử dụng côn đồ thường xuất phát từ việc vay nợ theo kiểu tín dụng đen, đối tượng chủ yếu là những kẻ có tiền án, tiền sự… Trong các vụ việc này, thay vì việc phải nhờ đến các cơ quan pháp luật, nhiều đối tượng đã “tự giải quyết” theo kiểu xã hội đen, gây ra những vụ trọng án đau lòng. Hiện nay, đối tượng thuê côn đồ gây án có cả những người thân trong cùng một gia đình; những người có trình độ hiểu biết, thậm chí có vị thế trong xã hội.

Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ nhóm côn đồ được thuê đòi nợ. 

Vụ trọng án xảy ra tại Vĩnh Phúc là một ví dụ. Với vị trí là một cán bộ xã, không thể cho rằng Dương Thị Lan thiếu hiểu biết về pháp luật. Hay vụ nguyên Phó ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy giết người xảy ra vào tháng 8/2014. Trong vụ án này có 4 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội giết người, gồm: Lê Trung Kiên (44 tuổi, nguyên Phó ban Tổ chức Quận ủy Cầu Giấy), Nguyễn Kim Bình (44 tuổi, ngụ quận Cầu Giấy), Hoàng Anh Tuấn (trú ở huyện Sóc Sơn) và Lê Hồng Thuận (trú ở quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Riêng bị cáo Nguyễn Quốc Văn (52 tuổi, quận Cầu Giấy) bị đưa ra xét xử về tội không tố giác tội phạm. Vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Kiên đang giữ một chức vụ nhất định trong Quận ủy Cầu Giấy.

Với sự hiểu biết như vậy, lẽ ra khi Nguyễn Quốc Văn nhờ, Lê Trung Kiên (bạn của bà Phan Thị Hồng Minh, 44 tuổi, vợ của Nguyễn Quốc Văn, là Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch quận Cầu Giấy) phải biết khuyên giải. Đằng này, Kiên lại đưa Nguyễn Kim Bình đến gặp và nhận lời giúp bà Minh.

Ngày 23/7/2014, Bình cùng Kiên và Trần Văn Thọ đến nhà ông Kiều Hồng Thành (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Hằng Anh) để nói chuyện, Kiên ngồi ngoài chờ. Tuy nhiên do ông Thành có những lời nói khó nghe nên Bình và Thọ ra về. Sau đó, Kiên gọi điện cho Bình để bàn việc cho đàn em đánh dằn mặt ông Thành. Bình đã nhờ Hoàng Anh Tuấn (bạn tù với Bình) và Lê Hồng Thuận đánh dằn mặt ông Thành với giá 30 triệu đồng… Chẳng ngờ, các đối tượng ra tay quá mạnh khiến nạn nhân Thành tử vong.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Mai Thế Oanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Thủ đoạn của nhóm đối tượng côn đồ thường là tạo dựng các vụ va chạm giao thông như vụ án xảy tại quận Cầu Giấy; đối với vụ em dâu thuê côn đồ giết anh chồng ở Bắc Giang, các đối tượng dàn dựng màn thuê xe ôtô để điều động nạn nhân đến các khu vực vắng người qua lại, dễ bề thực hiện hành vi phạm tội. Đối tượng được thuê đều là những kẻ có nhiều tiền án, tiền sự… sống bầy đàn. Vì đồng tiền, các đối tượng sẵn sàng thực hiện hành vi phạm tội.

Cũng theo Thượng tá Oanh thì điều tra, bóc gỡ các băng nhóm tội phạm côn đồ này rất khó khăn. Sau khi gây án, các đối tượng đều bỏ trốn khỏi địa phương. Trong khi đó, đối tượng chủ mưu thì tìm cách che giấu hành vi phạm tội.

Để hạn chế các vụ việc trên, Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: Tình trạng thuê côn đồ gây án hiện nay có xu hướng gia tăng, ngoài việc hành xử thiếu tỉnh táo của những người trong cuộc, một phần khác do chưa có biện pháp mạnh để răn đe, phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Hiện nay, các vụ án nếu ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị khởi tố về hành vi giết người. Trường hợp khác, quy định để xử lý các tội danh liên quan đến các vụ án này trong Bộ luật Hình sự vẫn thiên về tính định lượng…

Trong khi đó, việc ngăn chặn và đấu tranh với tình trạng côn đồ gây án hiện nay chỉ do lực lượng Công an xử lý. Ngoài sự vào cuộc của cơ quan Công an, còn cần sự quyết liệt của chính quyền địa phương và các đoàn thể. Các mâu thuẫn trong gia đình và xã hội, cần được ngăn chặn ngay từ đầu…

Phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để mọi người hiểu rõ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Trong đó, phải nhận thức rõ việc thuê côn đồ giải quyết mâu thuẫn không chỉ không giải quyết được mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý nghiêm khắc, khi đó sẽ rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”; phải nhận lấy những bi kịch nặng nề hơn.

Mọi người cần nâng cao cảnh giác, phát hiện, tố giác những biểu hiện thuê côn đồ giải quyết mâu thuẫn giúp cho các cơ quan chức năng ngăn chặn, giải quyết kịp thời, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường năng lực và hiệu quả đấu tranh xử lý đối với các đối tượng trong các vụ thuê côn đồ giải quyết mâu thuẫn; bên cạnh đó cần nâng cao hiệu quả việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ngay từ cơ sở và nâng cao hiệu lực của các văn bản pháp luật, các phán quyết của các cơ quan chức năng trong giải quyết tranh chấp dân sự, tạo sự tin tưởng của người dân.

Xuân Mai
.
.
.