Giác hút của “quái vật” cho vay nặng lãi

Bài cuối: Cần bịt kín những kẽ hở luật pháp

Thứ Năm, 04/12/2014, 09:30
Nếu không phải là người “có máu mặt hoặc được các băng nhóm giang hồ bảo kê thì không thể hành nghề cho vay nặng lãi. Vì với mức lãi suất “cắt cổ”, chuyện con nợ bị kiệt quệ, mất khả năng trả nợ rất dễ xảy ra. Khi đó, chỉ có bạo lực mới làm con nợ sợ hãi mà tìm cách trả nợ vay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng các vụ án “bắt giữ người trái pháp luật”, “cố ý gây thương tích”, “cưỡng đoạt tài sản”… Trong khi đó, việc phát hiện và xử lý đối tượng cho vay nặng lãi theo quy định của pháp luật hiện nay còn khá nhiều bất cập.

Trùm cho vay nặng lãi Yến “sư tử” (tức Nguyễn Thị Kim Yến, 45 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân) có khuôn mặt khá dữ dằn. Đã vậy, bên cạnh Yến còn có hai “đệ tử ruột” là Trần Đại Dương (29 tuổi; ngụ xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh) và Nguyễn Văn Lâm (33 tuổi, quê quán Giồng Trôm, Bến Tre, 1 tiền án về tội giết người) sẵn sàng ra tay tàn bạo với con nợ nên Yến trở nên khét tiếng một vùng. Vì vậy ai dám cả gan quỵt nợ Yến là bị “bầm dập” ngay. Vốn là chỗ quen biết với Yến nên chị H. và chị C. giới thiệu cho anh S. vay nợ (trả góp mỗi ngày) của Yến với số tiền 20 triệu đồng, lãi suất 25%/tháng. Mới trả góp được 4 ngày thì anh S. bỏ trốn. Yến cho đàn em đi tìm nhưng không gặp. Tiếc của, Yến quay sang buộc chị H. và chị C. phải trả nợ thay cho anh S. nhưng 2 người này không đồng ý. Yến dọa sẽ cho đàn em giết chết nên hai người này sợ quá bỏ trốn khỏi địa phương.

Một thời gian sau, chị H. đang chạy xe gắn máy hiệu Nouvo BKS 68T3-3132 lưu thông trên đường Liên khu 5-6, phường Bình Hưng Hòa B (Bình Tân) thì bị Yến phát hiện. Thị cùng Dương và Lâm rượt theo ép xe chị H. ngã xuống đường. Cả ba nhào đến đánh chị H. một trận thừa sống thiếu chết rồi đưa về quán cà phê gần đó tiếp tục đánh đập nhằm buộc chị H. viết giấy nhận nợ. Chị H. phản ứng thì bị chúng dùng ly đánh tét da đầu. Do không thể chịu đựng được chị H. đành ghi giấy mượn nợ Yến 15 triệu đồng. Có giấy nợ trong tay, Yến chỉ đạo đàn em mang chiếc xe Nouvo về nhà mình và yêu cầu chị H. trong vòng 1 tuần lễ phải mang 15 triệu đồng đến chuộc xe. Hết hạn nhưng không thấy chị H. đến, Yến đã điện thoại đe dọa nếu chị H. không chuộc xe thì chúng sẽ giết cả người thân của chị H. Quá sợ hãi, chị H. làm đơn tố cáo và sau đó Yến cùng đồng bọn sa lưới.

Trùm cho vay Yến “sư tử” cùng 2 đàn em bị bắt giữ.

Băng nhóm của Nguyễn Văn Ngôn (tức Tí “điên”) cùng 8 đồng bọn hoạt động tội phạm ở khu vực bến xe Miền Đông và đã gây ra hàng chục vụ vi phạm pháp luật lớn, nhỏ. Ngoài các vụ cưỡng đoạt, đâm thuê chém mướn, băng giang hồ này còn cho vay với lãi suất cắt cổ là 30%, ai không có khả năng trả thì liền bị chúng đánh đập, siết tài sản. Chúng cho ông Đ. (chủ xe Hồng Đầu - Đà Nẵng) vay 90 triệu đồng mỗi ngày lãi 900 ngàn đồng. Do không có tiền trả lãi, ông Đ. bị chúng đánh hội đồng. Tý “điên” cho chị Thủy chủ quán ốc vay tiền nhưng chị Thủy không có khả năng chi trả chúng đã lấy luôn quán ốc của chị Thủy. Anh C. nhân viên của Công ty An Bình vay Tí “điên” 60 triệu đồng với lãi suất 300 ngàn/ngày  nhưng không có tiền trả nên bị chúng dọa đánh và lấy luôn quán ăn của anh ông C. để trừ nợ…

Trong 3 năm trở lại đây, cơ quan Công an các cấp còn bắt giữ hàng chục trùm cho vay nặng lãi. Tuy nhiên một điểm đáng lưu ý là các đối tượng này chỉ bị bắt giữ do thực hiện các hành vi phạm tội khác như “bắt giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản”, “cố ý gây tương tích” chứ rất hiếm khi bị bắt về hành vi “cho vay nặng lãi”.

Theo luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Dương Luật - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân chính là quy định mức lãi suất cho vay để có thể xử lý hình sự là quá cao. Cụ thể, theo Điều 163, Bộ luật Hình sự là mức lãi suất phải cao hơn gấp 10 lần lãi suất cơ bản của ngân hàng. Trong khi đó, theo quy định tại Bộ luật Dân sự và Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 thì mức lãi suất tối đa cho vay hợp pháp là 13,5%/năm. Như vậy mức lãi suất cho vay phải lớn hơn 135%/năm (hơn 11%/tháng) thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cho vay với mức lãi suất từ 11% trở xuống là… an toàn!

Đặc biệt, cũng theo luật sư Công, Điều 163 còn quy định rõ, hành vi cho vay nặng lãi phải mang tính chất chuyên bóc lột mới cấu thành tội phạm. Tính chất chuyên bóc lột được hiểu là người phạm tội lợi dụng việc cho vay, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn cấp bách của người đi vay để cho vay với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính mà thực chất là bóc lột người đi vay. Tính chất chuyên bóc lột của hành vi cho vay nặng lãi thể hiện ở chỗ: người phạm tội thực hiện hành vi cho vay nặng lãi nhiều lần, hành vi mang tính chuyên nghiệp, người phạm tội lấy việc cho vay nặng lãi làm một nghề kiếm sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

Về phía cơ quan Công an, một điều tra viên của Đội 8, PC45, Công an TP Hồ Chí Minh cho rằng, cái khó nhất của người điều tra các vụ án “cho vay nặng lãi” là chứng minh mức lãi suất của người cho vay. Bởi lẽ, người chuyên sống bằng hành vi cho vay nặng lãi rất ranh ma trong việc che giấu hành vi của mình. Mà cách đơn giản nhất là khi tiến hành giao dịch cho vay nặng lãi, chủ nợ thường tính luôn tiền lãi và trừ vào nợ gốc của người đi vay. Ngoài ra còn có các trường hợp trong giấy vay nợ không thể hiện lãi vay nhưng thực tế có thu lãi cao nhưng giữa hai bên cũng không có chứng từ giao nhận tiền lãi. Hay vay mượn nợ nhưng thể hiện qua hợp đồng mua bán nhà thì kẻ cho vay đã gộp cả vốn lẫn lãi vào thành nợ gốc nên khó có thể buộc tội được họ.

Cách đây hơn 15 năm, UBND TP Hồ Chí Minh đã thí điểm mô hình Quỹ tín dụng nhân dân vừa góp phần xóa đói giảm nghèo vừa hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Mô hình này hoạt động khá hiệu quả nên sau đó đã được nhân rộng khắp nơi trong cả nước. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, từ 9 Quỹ tín dụng ban đầu đến nay đã phát triển được hơn 20 Quỹ tín dụng nhân dân. Từ thực tế ghi nhận cho thấy ở những nơi nào có Quỹ tín dụng nhân dân thì ở đó giảm hẳn tình trạng cho vay nặng lãi. Tuy nhiên với số lượng Quỹ tín dụng nhân dân hiện nay cũng chỉ hoạt động trên địa bàn khoảng 100 phường - xã - thị trấn. Trong khi toàn TP Hồ Chí Minh có đến hơn 2.500 phường, xã, thị trấn thì rõ ràng việc hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi cũng chỉ ở mức độ khiêm tốn.
Mã Hải - A.Huy
.
.
.