Những chuyên án đi cùng năm tháng

Bài 3: Triệt phá băng cướp khét tiếng ở ngã ba 'tử thần'

Thứ Ba, 04/08/2015, 11:47
24 năm đã trôi qua, chuyên án triệt phá nhóm cướp khét tiếng do Đỗ Cao Thắng cầm đầu vẫn lưu giữ trong trí nhớ của nhiều đồng chí Công an tỉnh Lạng Sơn. Bọn chúng gây ra hàng chục vụ cướp tài sản, sát hại một đồng chí Công an và nhiều người dân vô tội.


Theo tài liệu của Công an tỉnh Lạng Sơn, trong khoảng thời gian hai năm 1991 và 1992, riêng ở địa bàn giáp ranh ba tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ cướp dùng vũ khí chặn đường xe khách “xin” tiền, tài sản. Trong đó, có ngã ba Đình Lập hay còn gọi là ngã ba “tử thần”, thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn - nơi có thể sang Tiên Yên, Quảng Ninh hay về Lục Ngạn, Bắc Giang hoặc lên cửa khẩu Bắc Chắc, sang Trung Quốc.

Tại ngã ba này, rất nhiều xe khách qua lại và xe nào đi qua đây đều bị bọn cướp chặn đường, cướp tiền, tài sản. Một trong những băng cướp liều mạng và tàn bạo nhất bị tiêu diệt ngày đó là băng cướp do Đỗ Cao Thắng (50 tuổi), ở Tiên Yên, Quảng Ninh cầm đầu. Hắn đã nhiều lần bị bắt về các tội trộm cắp, cố ý gây thương tích nhưng đều trốn trại và ngày càng nguy hiểm hơn, nhất là khi có súng bên người, sẵn sàng bắn chết bất kỳ ai mà hắn cảm thấy có “nguy hiểm”.

Sinh ra trong một gia đình có giáo dục vậy mà chưa học hết lớp 6, Thắng đã bỏ học, giao du với đám thanh niên hư hỏng trong vùng. Thắng trở thành tiêu điểm trong các cuộc ẩu đả, cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản. Ngày 13/12/1986, sau khi uống rượu trở về, Thắng cùng tên Sái Việt Chinh nhìn thấy anh Âu Xuân Tuyên, bộ đội đang đi bộ ngược chiều, liền rút lê AK, dọa đâm để xin chiếc mũ vải mềm anh Tuyên đang đội. Khi anh Tuyên đưa cho chúng chiếc mũ, hai tên lại bắt anh này cởi thêm chiếc áo mút đang mặc. Anh Tuyên còn đang ngần ngừ thì bị tên Chinh nhảy vào đấm đá, khiến anh này sợ hãi, bỏ chạy về đơn vị ở gần đó. Ngay sau đó, lực lượng Công an, Quân đội vây bắt, nổ súng mới khiến hai tên côn đồ buông vũ khí sau khi đã đâm hai chiến sỹ bị thương.

Băng cướp của Thắng tụ tập được nhiều tên cướp có bề dày án tích như Tô Văn Phương, Sái Văn Lợi, Tô Văn Thành, Nguyễn Văn Thường, đều là những kẻ có “máu mặt” ở Đình Lập. Để có đủ vũ khí sử dụng, tháng 7/1991, Thắng dẫn đàn em đột nhập vào kho vũ khí của Huyện đội Đình Lập, trộm 4 khẩu AK và mấy quả lựu đạn.

Tên cướp Đỗ Cao Thắng .

Ngày 27/7/1991, Thắng rủ Phương xách AK ra xã Hữu Sản, Sơn Động, Hà Bắc để chặn xe khách cướp. Khi thấy xe khách của anh Nông Quang Trung đi qua, Thắng xông ra giữa đường chặn xe để Phương lên xe, cướp tiền của khách. Hai tên vòng về khe Dăm, Đình Lập, Lạng Sơn, chặn xe máy của anh Quỳnh để cướp nhưng không được nên đã xả súng bắn nát chiếc xe và bắn bị thương anh Quỳnh. Liên tiếp những ngày sau đó, Thắng dẫn đàn em sang Bình Liệu, Quảng Ninh gây ra nhiều vụ cướp ôtô, tài sản trong đó có 2 vụ chặn cướp đúng vào xe của Công an huyện Đình Lập. Cả hai lần này, Thắng đều chỉ đạo đàn em bắn trả, làm một số đồng chí Công an bị thương, xe hư hỏng nặng còn bọn chúng chạy thoát vào rừng.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngày 19/9/1991, đồng chí Đỗ Hùng, khi đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Nội vụ đã chủ trì cuộc họp giữa Công an 3 tỉnh Lạng Sơn, Hà Bắc và Quảng Ninh. Tại cuộc họp, Ban chuyên án được thành lập nhằm triệt phá băng cướp hung hãn này. Sau đó, Công an tỉnh Lạng Sơn triển khai các phương án, phối hợp chặt chẽ với Công an Hà Bắc, Quảng Ninh áp dụng các biện pháp ngăn chặn hoạt động của băng cướp, tìm cách phân hóa các đối tượng. Sau hai tháng thực hiện, lực lượng Công an đã bắt giữ được 4 tên trong nhóm, vận động được 2 tên trong đó có tên Phương ra đầu thú cùng tiền, tài sản và súng cướp được.

Điên cuồng vì hai đệ tử thân tín ra đầu thú, Thắng cùng đàn em tiếp tục gây ra nhiều vụ cướp khác, đồng thời ra lệnh hễ thấy ai chống cự là bắn chết không tha. Điển hình như chiều 10/12/1991, Thắng, Hải chặn xe khách để cướp tài sản nhưng bị lực lượng Công an Đình Lập tấn công. 

Thấy tên đồng bọn bị tiêu diệt, Thắng xả súng bắn tử vong một đồng chí Công an cùng với lái xe khách. Kinh hoàng nhất là vụ trả thù dã man do tên Thắng gây ra tối 13/1/1992. Thắng dẫn theo một toán cướp đến xã Bắc Lãng, Đình Lập, chặn xe khách để cướp. Thấy tài xế không chịu dừng xe theo lệnh của hắn, Thắng rút súng bắn thẳng vào xe làm hai người thiệt mạng, 5 hành khách bị thương. Tuy nhiên khi nhóm cướp nhảy lên xe định lấy tài sản thì bị lực lượng Công an truy đuổi, phải chạy tháo thân. 

Ngay tối hôm đó, cho rằng ông Đàm Văn Ký, Trưởng thôn Nà Nát, Bắc Lãng báo tin cho cơ quan Công an kế hoạch chặn cướp của mình, Thắng xách súng tới nhà ông Ký, bắt cả nhà ra sân, xếp thành hàng dọc. Trong khi hắn lên đạn, cả nhà ông Ký quỳ sụp xuống lạy hắn như tế sao xin được tha tội nhưng kẻ máu lạnh vẫn không lay động. Hắn lạnh lùng giương súng bắn hai loạt đạn AK vào người ông Ký rồi mới đồng ý cho cả nhà đưa xác nạn nhân vào nhà làm tang lễ. Điều đáng nói, mỗi khi gây án, trong khi những tên đồng bọn đều bịt mặt  riêng Thắng để mặt trần và khi bắn ai, hắn gí sát mặt mình vào như muốn khắc sâu trong tâm khảm nỗi sợ hãi của bị hại là khuôn mặt tên cướp.

Trước tình hình trên, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn xác định cần phải tập trung các lực lượng tích cực tổ chức truy bắt tên Thắng, đồng thời làm tốt công tác dân vận, động viên quần chúng giúp đỡ các lực lượng phát hiện, thông báo kịp thời mọi di biến động của hắn. 

Đồng chí Nông Văn Định, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, khi đó là Trưởng phòng Cảnh sát hình sự nhớ lại: Đến ngày 14/3/1992, qua trinh sát, biết tên Thắng đang lẩn trốn trên một chòi canh nương, tổ công tác nhanh chóng triển khai lực lượng bao vây. Cuộc đấu trí căng thẳng diễn ra nhiều tiếng đồng hồ, lực lượng Công an với phương châm dùng lý lẽ để thuyết phục tên cướp đầu hàng, tuy nhiên Thắng đáp trả bằng những loạt đạn để tìm cách thoát thân. 

Biết không thể thu phục được tên cướp mất hết tính người, tổ công tác quyết định khép chặt vòng vây và nổ súng tiêu diệt. Sau khi băng cướp do tên Thắng cầm đầu bị triệt phá, người dân không còn lo sợ khi đi qua địa bàn giáp ranh giữa ba tỉnh nữa và biệt danh về ngã ba “tử thần” dần trở thành dĩ vãng.

Minh Hiền
.
.
.