Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Bài 1: Chiêu lừa cũ, nạn nhân mới

Thứ Hai, 22/06/2020, 09:29
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân.



Xuất hiện các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như tài chính, ngân hàng, bất động sản, dự án đầu tư, môi giới việc làm, đưa người đi lao động, học tập tại nước ngoài, kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử..., đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đã trở thành một vấn đề gây nhức nhối dư luận, bởi nạn nhân của nó không chỉ là một, mà là hàng trăm, hàng nghìn nạn nhân với số tiền bị chiếm đoạt lớn. Các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng nên việc bắt giữ được các đối tượng cũng không hề đơn giản.

Hai đối tượng Nguyễn Thị Chanh Em và Domoraud Chales- Romain sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Làm thế nào để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm lừa đảo qua không gian mạng này? Đã đến lúc, tất cả người dân đều phải tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này…

Mặc dù những chiêu lừa đảo giả danh Công an, Viện kiểm sát hù doạ các nạn nhân về việc họ vi phạm pháp luật, phải gửi tiền vào tài khoản của bọn chúng để kiểm tra, hay chiêu trò giả danh trai đẹp người nước ngoài giả yêu rồi gửi quà đã được cảnh báo nhiều năm nay, trên hàng nghìn bài báo nhưng số người mắc bẫy của bọn chúng không hề giảm. Tất nhiên, vẫn là thủ đoạn cũ nhưng ở mỗi vụ, các đối tượng lại có cách ứng biến riêng, rất tinh vi, khiến các “con mồi” dù có người cảnh giác nhưng vẫn bị dính bẫy.

Nạn nhân bật khóc khi bị  uy hiếp suốt 2 giờ

Đó là bà Bùi Thị L, trú tại đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 9, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Vào ngày 14-6 vừa qua, bà L bị một người tự xưng là “cán bộ Bộ Công an”, gọi điện cho bà, nói bà vi phạm pháp luật, cụ thể là buôn ma tuý.

Suốt 2 tiếng đồng hồ, qua điện thoại, vị “cán bộ Công an” này uy hiếp, doạ nạt bà L, yêu cầu bà chuyển toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm là 500 triệu đồng vào tài khoản của bên Công an mang tên Phạm Thuỳ Ly mở tại Ngân hàng Quân đội ở Hà Nội. Đến 16h cùng ngày, nếu bà L không gửi tiền sẽ có lực lượng đến bắt ngay.

Vị “cán bộ Công an” yêu cầu bà L phải duy trì liên tục điện thoại với họ để họ kiểm soát và không được báo cho Công an sở tại vì đây là “chuyên án” của Bộ đang điều tra bí mật, cũng không được báo cho ngân hàng vì ngân hàng là người thông đồng… Điều đó khiến bà L càng thêm bối rối và lo sợ.

14h cùng ngày, bà L đến Phòng giao dịch Phan Chu Trinh thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  (Agribank) tỉnh Lâm Đồng để làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm 500 triệu đồng, đồng thời làm thủ tục chuyển số tiền này vào tài khoản Phạm Thuỳ Ly theo yêu cầu của “cán bộ Bộ Công an”.

Thấy thái độ của khách hàng bất thường, bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc phòng giao dịch ra hỏi thăm nhưng bà L không dám nói gì vì sợ bị “cán bộ Bộ Công an” phát hiện. Bà Thanh đã nhắn tin cho giao dịch viên tìm hiểu nhu cầu của bà L để tránh chuyển tiền cho bọn lừa đảo.

Sau một hồi giao dịch viên khéo léo dò hỏi, bà L đã bật khóc, kể lại sự tình. Đã quá biết thủ đoạn này của tội phạm nên lãnh đạo phòng giao dịch đã động viên bà L bình tĩnh, cam kết cùng xử lý vụ việc, đồng thời trình báo Công an phường 9 đến xác minh vụ việc.

Đến lúc này, bà L mới biết mình đang rơi vào bẫy của bọn lừa đảo và suýt chút nữa, số tiền bà dành dụm cả đời đã rơi vào tay bọn chúng. Bà như trút được gánh nặng ngàn cân đè sụp tinh thần bà từ sáng đến giờ và chỉ biết cảm ơn các cán bộ Ngân hàng đã cảnh giác và tận tâm với khách hàng.

Bà Bùi Thị L là một nạn nhân may mắn, đã được các cán bộ ngân hàng cảnh giác “cứu nguy” trong giờ phút chót nên không bị các đối tượng chiếm đoạt tài sản. Nhưng đã có hàng trăm nạn nhân khác không có điều kiện may mắn được như nạn nhân L. Họ đã bị mất hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỷ cho các nhóm tội phạm lừa đảo kiểu này. Bởi hầu hết các nạn nhân bị rơi vào bẫy lừa đều là những người đã có tuổi, tâm lý không vững nhưng lại có khối tài sản tiết kiệm khá lớn…

Thậm chí, có nạn nhân cũng đã cảnh giác, nhưng kịch bản lừa của các nhóm đối tượng này khá chặt chẽ và linh hoạt, chúng diễn có lớp lang, “tấn công” liên tục khiến tâm lý của nạn nhân bị rối loạn, từ đó dẫn đến hoảng sợ, tin và làm theo chỉ dẫn của bọn chúng.

Đến khi tiền trong tài khoản hay sổ tiết kiệm đã rút hết ra chuyển cho bọn chúng, họ mới bàng hoàng tỉnh ngộ thì đã quá muộn. Trò lừa này đã chiếm đoạt được rất nhiều tiền của các nạn nhân, bởi khi chúng tác động tâm lý, điều tra thấy nạn nhân nào nhiều tiền mới tiếp diễn trò lừa, nếu thấy không có tiền thì chấm dứt vở diễn, coi như mất… cuộc điện thoại.

Ông H, quê ở Hải Phòng, vốn là cán bộ nghỉ hưu, hiểu biết. Vì vậy, khi nhận được điện thoại của một phụ nữ báo có bưu kiện gửi cho ông, ông nhất định không nhận vì không có thông tin về người gửi. Lập tức, “nhân viên bưu điện” đề nghị ông gặp một cán bộ Công an TP Hồ Chí Minh, thông báo ông H liên quan đến đường dây rửa tiền 5 tỷ đồng do Công an TP Hồ Chí Minh thụ lý. Sau khi kiểm tra thông tin cá nhân, vị này yêu cầu ông H vào TP Hồ Chí Minh giải quyết.

Đến bước này, ông H vẫn tỉnh táo, nói không liên quan, đề nghị chỉ làm việc với Công an TP Hải Phòng. Tuy nhiên, rất “linh hoạt”, kịch bản của các đối tượng đã chuyển hướng cho ông H gặp Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng, người này xác nhận vụ án đang điều tra, đã bắt giữ 26 người và ông H là người thứ 27 liên quan.

Nếu ông H không muốn bị phong toả tài khoản thì phải chuyển toàn bộ tài sản vào tài khoản của người tên Nguyễn Văn Ba, Chánh Thanh tra Công an TP Hải Phòng... Khoảng 3 tiếng liên tục tấn công tâm lý ông H qua điện thoại như vậy, các đối tượng đã đánh gục mọi sự cảnh giác của nạn nhân và ông H đã mang 6 quyển sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút hết hơn 1 tỷ đồng về chuyển vào tài khoản mang tên Nguyễn Văn Ba…

Sự thật các cuộc tình xuyên biên giới

Cũng phải khẳng định rằng, trò diễn này xưa lắm, bắt đầu nổ ra từ cách đây hơn 5 năm. Tuy nhiên, rải rác từ đó cho đến nay, tháng nào, chúng tôi cũng nhận được thông tin về vụ việc liên quan đến trò lừa đảo này do Công an nhiều tỉnh thụ lý.

Ngay giữa tháng 3 năm 2020 vừa qua, Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự đã bắt giữ được cặp tình nhân là Nguyễn Thị Chanh Em, SN 1979, HKTT tại ấp 8, Vị Trung, Vị Thuỷ, Hậu Giang và Domoraud Chales - Romain, SN 1986, quốc tịch Ghi-nê, cùng đồng bọn “đạo diễn” vở kịch “người lính Mỹ ở vùng Vịnh” muốn làm quen và kết hôn với các cô gái Việt Nam. Khi mối tình ảo trở nên nồng thắm, người lính Mỹ ấy đã gửi về cho cô người yêu ở Việt Nam một món quà giá trị để thể hiện độ chân tình.

Ngay hôm sau, sẽ có nhân viên hải quan người Việt Nam (do Chanh Em thủ vai) gọi điện yêu cầu bị hại đóng tiền phí vận chuyển nhận hàng. Khi con mồi mắc câu gửi tiền, Chanh Em lại tiếp tục giăng lưới, nói rằng trong bưu phẩm bị máy soi hải quan phát hiện có một lượng tiền lớn, vì vậy, để được nhận gói bưu phẩm này, nạn nhân sẽ phải trả một khoản phí lớn để chống rửa tiền. Nếu nạn nhân mắc mưu tiếp, chúng lại nghĩ ra trò moi tiền tiếp theo cho đến khi nạn nhân không thể còn tiền nộp nữa thì chúng cắt liên lạc…

Qua đấu tranh khai thác, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh xác định, nhóm đối tượng này đã thu thập được thông tin của 56 phụ nữ ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc để lập kịch bản lừa đảo. Chúng sử dụng 4 tài khoản để nhận tiền chiếm đoạt được. Chỉ trong một thời gian ngắn, 4 tài khoản này đã nhận được 2,2 tỷ đồng của rất nhiều nạn nhân, người ít là 12 triệu đồng, người nhiều hàng trăm triệu đồng…

Trò diễn làm quen xuyên biên giới rồi gửi quà, lừa tiền của phụ nữ diễn ra khá phổ biến. Trước đây, các đối tượng nghiên cứu nhằm vào các phụ nữ thành đạt, đơn thân để lừa đảo. Giờ các “con mồi” chúng nhằm vào rất đa dạng, từ cô công nhân may với đồng lương còi cọc thì bị chúng lừa một hai chục triệu đến các quý bà ở cái tuổi gần 70 như bà S.H (SN 1950), ở Hà Nội bị lừa 1,7 tỷ đồng, bà SL (SN 1950), ở Nghệ An bị lừa đến 2,2 tỷ đồng.

Tất cả đều xuất phát từ trò làm quen trên mạng của những người đàn ông nước ngoài, sau đó là viễn tưởng về cuộc sống hôn nhân hay vì “thùng hàng có triệu đô” gửi về từ người đàn ông nước ngoài làm quen trên mạng ấy…

Nhật Quang- Minh Hiền
.
.
.