Thừa Thiên-Huế:

Không để dịch vụ cầm đồ “tiếp tay” tội phạm

Thứ Hai, 10/11/2014, 08:46
Dịch vụ kinh doanh cầm đồ kể từ khi được pháp luật cho phép hoạt động đã góp phần giải quyết nhu cầu liên quan đến kinh tế, tài chính của nhiều người. Tuy nhiên, thời gian qua, loại hình dịch vụ này đã có nhiều sai phạm, vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật và tiếp tay cho hoạt động của tội phạm...

Từ thực tiễn điều tra các vụ án về nhóm tội danh liên quan đến tài sản cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các loại tội phạm này là do sau khi thực hiện hành vi phạm tội, để nhanh chóng, thuận lợi tẩu tán, tiêu thụ tài sản trộm cắp, chiếm đoạt mà có, các đối tượng thường tìm đến các tiệm cầm đồ. Trung tá Hồ Văn Hoài, cán bộ CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Huế cho biết: “Thông thường sau khi gây án, cách nhanh nhất để tiêu thụ tài sản là đem đến tiệm cầm đồ. Tại đây, các đối tượng cầm hoặc bán giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thật của tài sản. Sau đó bằng thủ đoạn đưa tài sản đến cất giữ tại một nơi khác, sơn sửa lại hoặc đánh tráo linh kiện chủ tiệm cầm đồ sẽ dễ dàng tiêu thụ, kiếm lời”.

Công an TP Huế kiểm tra tại một cơ sở cầm đồ trên địa bàn.

Điển hình như vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra vào ngày 20/7/2014, đối tượng Hồ Tất Tân (26 tuổi), trú tại 336/6 Hoàng Diệu, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị lợi dụng quen biết đã mượn xe máy Sirius BKS 92B1- 018.16 của người quen rồi đem cầm cố tại tiệm cầm đồ Tiến Dũng ở 153 Phan Bội Châu, TP Huế. Mặc dù xe không chính chủ, không có giấy tờ, nhưng cơ sở cầm đồ này vẫn cố tình vi phạm. Sau khi khám phá vụ án, cơ quan Công an đã xử lý nghiêm cơ sở cầm đồ Tiến Dũng.

Thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn TP Huế xảy ra 21 vụ án mà đối tượng đã có hành vi mang tài sản có được sau khi gây án đến tiêu thụ tại các tiệm cầm đồ.  Trước thực trạng trên, Công an TP Huế đã liên tục tổ chức các đợt kiểm tra đột xuất, đồng thời sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Qua công tác kiểm tra và điều tra, xử lý các vụ án, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 32 cơ sở kinh doanh cầm đồ có các hành vi vi phạm…

Đặc biệt, đã ra quyết định khởi tố 4 đối tượng về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp mới có thể chấn chỉnh, đưa dịch vụ kinh doanh cầm đồ vào hoạt động có nề nếp, đảm bảo thực hiện tốt các quy định của pháp luật, không để loại hình dịch vụ này trở thành trợ thủ đắc lực, tiếp tay cho tội phạm hoạt động

Hà Tâm
.
.
.