Một gia đình có ba người đều mắc bệnh nan y

Thứ Hai, 19/10/2015, 10:00
Không biết chữ, không nơi nương tựa, đang mang trong mình nhiều bệnh tật, thế nhưng người đàn bà ấy lại còn cả gánh nặng trên vai khi phải nuôi người chị gái nhỡ nhàng đơn thân và cậu con trai đều mắc trọng bệnh. Đó là cảnh đời bất hạnh của chị Nguyễn Thị Đông (51 tuổi) trú tại thôn Quýt I, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Nửa đời phiêu dạt

Chúng tôi gặp chị Đông vào một ngày trời nắng gắt, trong hơi thở dốc dồn dập trông chừng mệt nhọc lúc vừa đi làm đồng về. Bước vào căn nhà trống đến cái bàn, cái ghế tiếp khách cũng không, cả căn nhà chỉ có cái tủ nhỏ và chiếc giường cũ nát là thứ đáng giá nhất. Chị Đông chạy vội sang nhà hàng xóm mượn hai chiếc ghế nhỏ, vừa mời khách nét mặt vừa thẹn: "Mời các chú ngồi tạm vậy, hai mẹ con và chị gái tôi vẫn sống như vậy qua ngày nên..." - giọng nói chị chợt tắt hẳn trên khóe môi chưa trọn hết lời nhưng tôi hiểu được nỗi lòng người đàn bà này.

Nhiều năm qua, cả 3 người nhà chị Nguyễn Thị Đông đều mắc trọng bệnh.

Mới ngoài 50 tuổi nhưng trên khuôn mặt khắc khổ khiến cho chị Đông nom già hơn tuổi rất nhiều. Sinh ra giữa vùng quê chiêm trũng nghèo xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, cô gái Nguyễn Thị Đông lớn lên hồn nhiên như cây lúa, cây khoai bên bờ ruộng. Và cũng bao nhiêu năm nay, người đàn bà này vừa cắn răng đeo trên mình hàng loạt cục thịt, khối u vừa một tay cáng đáng gia đình, lo toan cho người chị gái nhỡ nhàng quá tuổi không chồng và cậu con trai mắc chứng bệnh thiếu xương mác cổ chân.

Trở lại quá khứ, cuộc đời chị Đông là một chuỗi những bất hạnh. Lên ba tuổi thì mẹ mất, một mình cha "gà trống nuôi con" không nuôi xuể hai cô con gái đang tuổi ăn tuổi lớn nên khi 8 tuổi, cô bé Đông đã phải xa cha xa chị gái đi làm giúp việc cho gia đình người lạ nơi đất khách quê người. Chị Đông thuộc diện kém nhan sắc, người gầy bé còm nhom, lại mắc chứng gù lưng bẩm sinh, nhà nghèo nên mãi đến năm 38 tuổi mới đi xin, đi kiếm được cậu con trai duy nhất Nguyễn Văn Mạnh (sinh năm 2002). Nói đến cuộc đời mình, chị Đông chỉ cười buồn: "Đúng là cái "số" của tôi đã khổ sở rồi nên không chạy đâu cho thoát".
Mặc dù mang trong mình nhiều loại bệnh, nhưng chị Nguyễn Thị Đông vẫn cáng đáng việc đồng áng chăm sóc cho gia đình.

Khi thấy chúng tôi ái ngại về những cục thịt, khối u lạ lần lượt xuất hiện trên khắp cơ thể mình, chị Đông kể, ban đầu nó chỉ là cái bọc con con bằng đầu đũa, nhưng càng về sau càng sưng to, cục thịt to nhất nằm trên mắt trái lấp gần hết cả mặt nhưng may mắn vào cuối năm 2014, chị Đông được anh em hàng xóm và bà con lối xóm thương cảm cho vay mượn tất tả lên tận bệnh viện trên Hà Nội phẫu thuật; sau thời gian chữa trị cục u đã giảm đi nhưng đã mãi mãi cướp đi ánh sáng trên mắt trái của chị. Bây giờ thì khắp cơ thể chị Đông đang xuất hiện những u nhỏ ngày đêm đau nhức, khổ sở vô cùng. Ngày mới phát hiện ra mình bị bệnh lạ, chị Đông sợ hãi lắm nhưng giấu chị gái và con, tự động viên bản thân. Mọi người khuyên chị đi khám nhưng chị Đông sợ tốn kém và sợ... chết nên nhất định không đi. Chị nói: "Bây giờ tôi mà vào bệnh viện thì kiểu gì cũng "khám ra" vài ba bệnh, mà những bệnh này chắc tốn kém nhiều tiền lắm. Mười nghìn đồng trong túi có lúc còn không có, thì lấy đâu ra tiền để chữa bệnh". Lúc nào cũng đinh ninh như thế nên hơn mấy chục năm nay người phụ nữ này đã chấp nhận sống chung với những khối u, cục thịt, không kêu than nửa lời. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay chị Đông đang cùng lúc mắc nhiều chứng bệnh nan y như: đau xương khớp mạn tính, rối loạn tiền đình, thoái hóa cột sống, bệnh nội tiết...

Mà có khi chị cũng không còn thời gian để ý đến bệnh của mình vì phải gồng lên làm lụng nuôi chị gái và cậu con trai bệnh tật. Cả nhà chỉ có 2 sào ruộng khoán, một mình chị Đông phải nai lưng ra làm. Có những ngày thời tiết nắng nóng như thiêu như đốt chị vẫn phải chống gậy đi ra đồng làm. Ngày gặt lúa, nhà người khác có vợ có chồng, làm chỉ vài ngày là xong, nhà chị chỉ có một mình chị Đông bệnh tật vừa gặt vừa thở không ra hơi, lay lắt cả tuần mới xong. Nhiều hôm chị đi làm còn bị bà con "đuổi về nhà không cho làm "vì mọi người lo chị chết ngất giữa đồng.

Chị Nguyễn Thị Đông đang chuẩn bị bữa cơm đạm bạc cho gia đình.

Khi nói về cậu con trai Nguyễn Văn Mạnh - học sinh lớp 8A2 Trường Trung học cơ sở Tuy Lai đang nằm đau đớn trên giường do vừa phải trải qua đợt phẫu thuật mà nước mắt người mẹ lã chã không ngừng rơi. Chị Đông chia sẻ, từ khi mới lọt lòng mẹ, Mạnh đã mắc chứng bệnh thiếu xương mác cổ chân nên việc di chuyển vận động từ sinh hoạt đến đi học rất khó khăn vất vả, thường xuyên ngã nhào, gãy chân thường xuyên, thậm chí thường xuyên phải nhờ các bạn cùng làng cõng đến trường. Cách đây hơn một tháng, chị Đông chạy vạy vay mượn khắp nơi đưa Mạnh đi phẫu thuật ở Bệnh viện Đa khoa Hà Đông - Hà Nội với chi phí hơn 50 triệu đồng. Với chi phí như vậy, chị Đông hoàn toàn không có khả năng trả nợ. Ánh mắt rạng ngời vui tươi, Mạnh khoe với chúng tôi trong suốt 7 năm học vừa qua Mạnh luôn là học sinh khá giỏi. Ước mơ lớn nhất của Mạnh là chịu khó học tập thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa khỏi bệnh cho mẹ và bác gái.

Mặc dù đang mắc bệnh thiếu xương mác cổ chân nhưng cháu Nguyễn Văn Mạnh luôn chăm chỉ học hành và ước mơ trở thành bác sĩ.
Cô giáo Hoàng Thị Gấm - giáo viên chủ nhiệm lớp 8A2 Trường Trung học cơ sở Tuy Lai chia sẻ: "Trường hợp em Nguyễn Văn Mạnh gặp rất nhiều khó khăn, bản thân em đang mắc căn bệnh thiếu xương mác cổ chân, trong khi mẹ và bác gái đều mắc bệnh nan y nhưng suốt những năm học vừa qua em Mạnh luôn là học sinh khá giỏi nhận được nhiều giấy khen được thầy cô và bạn bè yêu quý. Em Mạnh là tấm gương nghị lực vượt khó vươn lên học tập tốt đáng để bạn bè học tập noi theo".

Gia cảnh khó khăn

Nói rồi người phụ nữ khốn khổ mỉm cười nhắc về người chị gái nhỡ nhàng không chồng đang mắc nhiều bệnh tật của mình là Nguyễn Thị Đương (65 tuổi). Tuổi cao không tránh khỏi bệnh tật nhưng chị Đương vẫn cố giấu để em gái đỡ phiền lòng. Nhìn em gái ngoài 50 tuổi và đứa cháu hằng ngày đau đớn vật vã vì những khối u, cục thịt quái ác, chị Đương xót xa lắm.

Gia đình chị Đông thuộc diện hộ nghèo của xã, cả 3 người nương tựa vào nhau dựa vào sự trợ cấp hằng tháng 480.000đ và chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng khoán. Mỗi năm 2 sào ruộng cho thu hoạch khoảng 4 tạ thóc, 3 tạ đem bán, còn một tạ để lại ăn. Bữa cơm chỉ có bát canh rau tập tàng nấu với mắm. Hôm nào thực đơn cải thiện nhất thì có thêm 10 nghìn đồng tiền thức ăn mặn, "gọi là có cái để gắp".

Suốt 7 năm học vừa qua Mạnh luôn đạt học sinh khá giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến.

Bà Phùng Thị Nhe (75 tuổi) - hàng xóm với nhà chị Đông không giấu nổi sự xót xa: "Hoàn cảnh nhà cô Đông tội nghiệp lắm, khổ nhất là khi cả 3 người cùng phát bệnh, những lúc ấy 3 người chỉ biết cắn răng chịu đựng tự động viên nhau sống cho qua ngày. Có khi trưa nửa ngày rồi mà gia đình cô Đông chỉ có một lon gạo nấu cháo với rau dại ăn cầm hơi. Khổ thân, cũng là một phận người".

Trao đổi với chúng tôi về gia cảnh nhà chị Nguyễn Thị Đông, ông Phùng Văn Vận - Trưởng thôn Quýt I cho hay: "Gia đình nhà cô Đông đặc biệt khó khăn éo le trong thôn Quýt I. Nhà có 3 người thì cả 3 người đều mắc bệnh nan y. Cháu Mạnh vừa đi phẫu thuật chân do mắc bệnh thiếu xương mác cổ chân về nhưng cũng không có điều kiện tẩm bổ nên cháu Mạnh ốm yếu còm nhom có nguy cơ phải bỏ dở học giữa chừng. Hàng xóm chúng tôi thường xuyên thấy cảnh 3 người trong gia đình họ đi khắp làng vay mượn từng kg gạo về nấu nướng mà không khỏi xót thương chạnh lòng. Qua đây cũng đề nghị các nhà hảo tâm lưu ý quan tâm gia đình cô Đông để gia đình cô bớt phần bĩ cực".

Trần Toản
.
.
.