Kiran Bedi – Người đàn bà thép của cảnh sát Ấn Độ

Thứ Ba, 12/09/2017, 16:10
Kiran Bedi là nữ Cảnh sát trưởng đầu tiên của Ấn Ðộ, có tên trong danh sách top 10 người phụ nữ hiện đại ảnh hưởng nhất nước. Ngoài là một nữ cảnh sát nổi tiếng, bà là nhà hoạt động xã hội, cựu vận động viên quần vợt và chính trị gia, Phó Thống đốc bang Puducherry và trở thành người phụ nữ đầu tiên làm cố vấn cảnh sát dân sự tại Liên Hiệp Quốc.


Trong một xã hội trọng nam khinh nữ như Ấn Độ, để đạt đến sự thành công như, Kiran Bedi quả thật là điều phi thường. Đó là nhờ sự giáo dục tuyệt vời của bố mẹ và sự phấn đấu không ngừng nghỉ của bà.

Nền tảng giáo dục gia đình

Khoảng thập niên 50-60 thế kỷ trước, người Ấn không muốn sinh con gái. Họ chỉ muốn có con trai để có thể phụ giúp kinh doanh và thừa kế sản nghiệp của gia đình. Còn các cô con gái chỉ để trang điểm cho đẹp mà đi lấy chồng.

Kiran Bedi sinh ngày 9-6-1949 tại Amritsar, trong một gia đình kinh doanh khá giả và có tới 4 chị em gái. Bố mẹ của Bedi là những người hiểu biết sâu sắc. Hai người bất chấp cả ông nội khi quyết định cho cả 4 con gái ăn học thành tài, đến mức không còn được hưởng thừa kế. Bốn chị em đã được học tập tại một ngôi trường tốt nhất ở trung tâm thành phố. 

Bố bà Kiran Bedi đã nói rằng: "Bố sẽ cho 4 con đi khắp bốn phương trời". Và điều đó đã xảy ra - Bedi là người duy nhất ở lại Ấn Độ. Một người hiện sống ở Anh, người khác ở Mỹ và người còn lại sống ở Canada. Vậy là 4 chị em Bedi ở bốn phương trời khác nhau.

Bà Bedi ý thức được rằng những điều song thân dành cho mình là không có ở những gia đình khác. Vì tất cả các bạn học tốt nhất của bà được ăn diện đẹp để lấy chồng với nhiều của hồi môn. Còn Bedi thì mang một chiếc vợt tennis, đi học và tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa.

Học giỏi, thể thao giỏi

Kiran Bedi tốt nghiệp năm 1968, với bằng Cử nhân tiếng Anh tại Trường Nữ sinh Cao đẳng Amritsar. Năm 1970, bà lấy bằng Thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Panjab, Chandigarh. Sau đó, bà tham gia giảng dạy tại Trường cao đẳng Khalsa dành riêng cho nữ sinh ở Amritsar.

Sau này, khi công tác trong lực lượng Cảnh sát Ấn Độ, bà Bedi đã tranh thủ học và lấy bằng Cử nhân Luật tại Đại học Delhi năm 1988, và bằng Tiến sĩ Khoa học xã hội tại Đại học Delhi năm 1993.

Ngoài học giỏi, Bedi còn có năng khiếu về thể thao, đã trở thành nhà vô địch quần vợt trẻ quốc gia vào năm 1966. Từ năm 1965 đến 1978, bà đã giành nhiều danh hiệu tại các giải vô địch cấp quốc gia và tiểu bang.

Song đó, bà còn có đam mê phục vụ cộng đồng. Chính vì thế Bedi đã theo đuổi sự nghiệp cảnh sát, bất chấp tiếng cười chê của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ, đó là: “Phụ nữ mà đua đòi làm cảnh sát!”.

Sự nghiệp cảnh sát

Gia nhập lực lượng Cảnh sát ngày 16-7-1972, Bedi là người phụ nữ Ấn Độ đầu tiên tham gia lực lượng thực thi pháp luật. Bà bắt đầu nghề cảnh sát với tư cách là một phụ tá Cảnh sát tại khu vực Chanakyapuri của Delhi. Bà công tác tại Delhi, Goa, Chandigarh và Mizoram.

Năm 1979, Bedi được tặng Huân chương Cảnh sát do chính Tổng thống trao. Bà đã chuyển đến công tác tại Tây Delhi - nơi bà đã có công lớn giúp giảm tỷ lệ tội phạm trong nữ giới.

Sau đó, bà tham gia lực lượng Cảnh sát giao thông. Bà giám sát giao thông cho Thế vận hội châu Á năm 1982 tại Delhi và cuộc họp các lãnh đạo của Khối Thịnh Vượng chung vào năm 1983 ở Goa.

Năm 1986, bà được nhận nhiệm vụ Chỉ huy Cảnh sát quận Naviyoti, phía bắc thủ đô New Delhi - nơi đầy rẫy tội phạm, nhất là tội phạm buôn lậu ma tuý. Bà trở thành Giám đốc Cơ quan Phòng chống ma tuý Ấn Độ.

Kiran Bedi nhậm chức Cảnh sát trưởng ngày 18-5-2009. Đây thật sự là một cơ hội cũng như thử thách lớn trong sự nghiệp cảnh sát của Kiran Bedi. Từ đây, bà nổi tiếng với tư cách là Tổng thanh tra các trại giam kiêm Giám đốc Trại giam Tihar với sức chứa 15.000 tù nhân, với đủ loại tội phạm trong xã hội.

Xóa mù chữ cho chị em phụ nữ

Từ khi nhậm chức Cảnh sát trưởng, Kiran Bedi đã khởi xướng một phong trào cơ sở giúp đỡ những phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Bà quyết định đầu tư thời gian cũng như kinh nghiệm để giúp chị em tự tin hơn trong cuộc sống và tìm cách ngăn chặn mọi bất công đối với phụ nữ trong xã hội.

Trong lịch sử lâu đời, phụ nữ Ấn Độ trở thành những công dân hạng hai. Họ không có bất cứ một quyền lợi gì trong xã hội cũng như trong chính gia đình của mình. Họ cũng không có quyền để bảo vệ chính bản thân. Những trẻ em gái không được đến trường, vì thế nạn mù chữ vẫn tràn ngập trong xã hội.

Việc đầu tiên Cảnh sát trưởng Kiran Bedi bắt tay vào làm là xóa nạn mù chữ cho chị em phụ nữ. Vì theo bà, nếu biết chữ phụ nữ sẽ biết được họ muốn gì và cần phải làm gì. Họ đọc được, nói ra được những nhu cầu cũng như ý nguyện của mình.

Trong gia đình cũng vậy, những người phụ nữ không có quyền yêu và được yêu. Họ phải làm việc như một cỗ máy, kể cả nhu cầu tình dục, họ chỉ biết phục vụ. Họ không có quyền quyết định số phận của mình, và việc lấy chồng họ cũng không có quyền lựa chọn. Kiran Bedi yêu cầu đưa tất cả những gì có trong cuộc sống vào chương trình học của phụ nữ.

Bà đã cho thành lập nhiều trường học chung cho cả nam và nữ. Những công việc tưởng như đơn giản nhưng đã phần nào giúp cho những phụ nữ hay trẻ em gái không còn cảm thấy mặc cảm với thân phận của mình. Nam giới và trẻ em trai cũng không còn thái độ khinh miệt phụ nữ.

Những thành công bước đầu của Cảnh sát trưởng Bedi đã khiến lãnh đạo thành phố cũng như người dân yên tâm và tin tưởng. "Một xã hội công bằng, bình đẳng mới có thể đổi mới và văn minh. Muốn phát triển được xã hội, chính bản thân mỗi chúng ta phải hoàn thiện và làm chủ được mình" - bà Bedi nói.

Thiền và dạy học trong nhà tù

Kiran Bedi đã thu hút sự chú ý của thế giới trong cương vị một giám đốc trại tù lớn nhất châu Á, Trại giam Tihar ở New Delhi, nơi bà biến nhà tù thành trường học và câu lạc bộ thiền.

Bà Bedi biến nhà tù thành trường học thông qua việc giáo dục. Sách thì được các trường quyên góp, dụng cụ học tập được quyên góp. Tất cả mọi thứ đều được quyên góp, bởi vì không có kinh phí dành cho việc giáo dục ở trại giam. Đây được xem là một trong những phong trào tình nguyện lớn nhất và tốt đẹp nhất hơn bất kỳ nhà tù nào khác trên thế giới.

Tất cả phạm nhân đều phải tham gia chương trình giáo dục tại nơi giam giữ, nơi mà họ nghĩ rằng họ đã không còn gì ở sau song sắt và không còn hy vọng gì trên đời này.

Ngoài dạy học cho tù nhân, bà Bedi còn khởi xướng một chương trình tập thiền định với hơn 10.000 tù nhân tham gia.  Giờ đây, nhà tù không còn là nơi giam giữ phạm nhân nữa, mà giống như một câu lạc bộ thiền.  Đọc giả muốn biết thêm về điều này, hãy xem phim "Doing Time, Doing Vipassana" và đọc trên trang KiranBedi.com. 

Tại sao Cảnh sát trưởng Kiran Bedi mang thiền định vào nhà tù ở Ấn Độ? Nhà tù không chỉ là nơi giam hãm thân xác, nó còn là nơi cải tạo tinh thần. Và tội lỗi là kết quả của một tâm hồn lệch lạc. Chính sự méo mó của tâm hồn cần được dạy cách kiểm soát, không phải bằng việc thuyết giáo, hay kể chuyện, cũng không phải đọc, mà là khai thông tư tưởng.

Cảnh sát trưởng Kiran Bedi, người đàn bà thép của Cảnh sát Ấn Độ đã viết nên những khoảng khắc lịch sử trong hành trình phục vụ cộng đồng của bà, những điều chắc chắc làm lay động hàng triệu con tim.

Hoa Nam (Theo The Times of India)
.
.
.