Nhạc sĩ Trí Minh:

Chúng ta chưa có một thị trường âm nhạc đúng nghĩa

Thứ Ba, 09/06/2015, 10:00
20 năm rong ruổi khắp thế giới, nhưng nhạc sĩ Trí Minh, người bền bỉ với âm nhạc thể nghiệm luôn nhìn thấy những điều đáng suy ngẫm về âm nhạc trên chính quê hương mình. Anh cho rằng, chúng ta đang phải "ăn" những món ăn âm nhạc rất tệ mà không hề biết, vì chúng ta luẩn quẩn trong cái ao làng của mình. 

Việt Nam đang là "vùng trũng" của âm nhạc châu Á

- Là người luôn trăn trở để giới thiệu những xu hướng âm nhạc mới nhất về Việt Nam, anh nhìn thấy nền âm nhạc Việt hiện nay có gì khởi sắc?

-Việt Nam là nước có sự giao thoa với thế giới khá nhanh, nhưng mặt bằng thị trường âm nhạc phát triển tại Việt Nam quá hẹp nên chúng tôi thấy có rất ít nhân tố mới. Cách đây 3,4 năm tôi có giới thiệu nghệ sĩ Lương Huệ Trinh tại Hà Nội Sound Stuff Festiaval, lúc ấy độ phổ biến của cô ấy chỉ vừa phải thôi, nhưng những năm gần đây cô ấy đã được nhiều nơi trên thế giới biết đến và được mời đi diễn nhiều.

Gần đây là Suboi, một người chơi rap trẻ cũng đã có nhiều lời mời biểu diễn chính thức tại Mỹ. Chúng ta cần phân biệt, được mời biểu diễn thực sự khác với biểu diễn trong các cuộc giao lưu. Nền âm nhạc một nước chỉ có thể được đánh giá qua những nhân tố đại diện độc lập đó.

Tại Việt Nam, chúng tôi cũng mới phát hiện ra một gương mặt âm nhạc thử nghiệm còn rất trẻ, cô bé Hồng Nhung 17 tuổi, vừa có một đĩa nhạc làm chung với một nghệ sĩ Pháp, được phát hành trên Bandcam. Đây là một điều chúng ta cần quan tâm, cần biết và cần vui mừng. Nhìn vào những nhân tố như Su Boi, như Hồng Nhung tôi mừng, vì tôi biết đó chính là nhân tố có thể hi vọng giúp thế giới biết đến một Việt Nam.

- Anh nhắc đến những cái tên không hề đại chúng như Soiboi và Hồng Nhung rồi bảo hãy hi vọng vào họ. Sao anh lại bỏ quên những cái tên diva như Thanh Lam, Hồng Nhung, Tùng Dương hay Hà Trần?

- Về Soiboi, tôi không đánh giá quá cao âm nhạc cô gái này đang theo đuổi, nhưng có một điều chắc chắn là Soiboi được mời đi biểu diễn theo đúng nghĩa thị trường chứ không phải kiểu giao lưu văn hóa. Tôi cho rằng đó là một thành công rất lớn.

- Anh cắt nghĩa khái niệm "thị trường âm nhạc" của mình thế nào?

- Thị trường âm nhạc đúng nghĩa, có loại ăn khách và loại không ăn khách, có phát triển đại chúng và thử nghiệm. Nhưng bây giờ tôi ra nước ngoài, họ hỏi rằng thị trường băng đĩa âm nhạc Việt Nam thế nào, tôi vẫn phải giới thiệu thị trường băng đĩa âm nhạc Việt Nam vẫn là những nhà sản xuất âm nhạc độc lập, có nghĩa là không hề liên kết với thị trường âm nhạc thế giới. Sản phẩm chúng ta phát hành ở Việt Nam không thể mua được ở trên thế giới. Trong khi đó, tôi cho rằng sản phẩm âm nhạc Việt Nam về mặt nào đó nó hơi tốt rồi, có thể tiếp cận được với ít nhất là thị trường châu Á, nhưng chúng ta vì lý gì không có một thị trường đúng nghĩa?

Trong khi nếu chúng ta hòa được với thị trường chung thì các sản phẩm của mình phát hành kết nối được với thế giới, khắp toàn cầu có thể mua được. Nhưng chúng ta chưa có sản phẩm nào như vậy, rất hiếm gương mặt nghệ sĩ nào được nghệ sĩ thế giới tự tìm đến, kết nối. Nên việc Hồng Nhung được một nghệ sĩ Pháp đồng thời là nhà phát hành ở Pháp tìm đến, mời làm chung một sản phẩm tôi thấy rất mừng. Mà đáng nói, nhạc cô ấy chỉ phát hành online thử nghiệm mà được bạn bè khắp năm châu biết đến. Họ nghe ầm ầm rồi, họ biết Hồng Nhung trước cả khi chúng tôi biết đến. Nên tôi mới nói, người Việt Nam đang "ăn" những món mà người ta "ăn chán" rồi, mình mới được dùng lại.

Tôi cũng muốn lưu ý, châu Á là vùng trũng của thị trường âm nhạc thế giới rồi, nhưng Việt Nam còn là vùng trũng của châu Á nữa. Cái nhạc thị trường châu Á đang nghe bây giờ là thứ châu Âu đã không còn nghe nữa.

Hồng Nhung - một kỳ vọng của nhạc sĩ Minh Trí.

Tôi được hỗ trợ nhiều từ các trung tâm văn hóa của Bỉ, của Pháp

- Anh bảo nhạc Việt cũng cập nhật hơn xưa rồi, vậy chúng ta thiếu điều gì?

- Đó là cái cá tính liên quan đến thị trường phát triển ở mặt bằng lớn. Bạn hình dung một mặt bằng lớn thế này sẽ nhiều lớp phát triển mạnh ngang nhau. Ví dụ, gọi là lớp phổ thông,  kiểu như Đàm Vĩnh Hưng chẳng hạn, mặt bằng bẹt này có cơ hội kiếm rất nhiều tiền. Có một lớp lên nữa kiểu Nguyễn Đình Thanh Tâm hay Nguyễn Trần Trung Quân, lớp tiệm cận đến cái mới, trên nấc trên nữa có những đại diện như Thanh Lam, Tùng Dương, những người dám làm và muốn làm cái họ thích, không quan tâm nhiều đến công chúng. Nhưng ngay cái lớp trên cùng đó cũng phải cần tới hàng trăm, hàng triệu người mới hy vọng bật ra được khoảng 4-5 người có bản sắc. Còn chúng ta, trên cái lớp đó chỉ có tầm vài người thì hi vọng gì?

Ở Việt Nam các nghệ sĩ Independent (độc lập) đều phải tự thân vận động, nên kể cả các nhà sản xuất Việt Nam cũng thế, cũng là Inde thôi. Vậy cái chúng ta thiếu là gì, là sách lược, là chiến lược đầu tư bài bản từ cơ quan quản lý. Tôi nói thật, hàng năm tôi được hỗ trợ rất nhiều từ các trung tâm văn hóa, hàng năm được Nhà nước Pháp, Đức, Bỉ trả tiền cho đi rất nhiều nơi để xem các chương trình mới để cập nhật xu hướng mới, nhưng tôi không được đồng nào của Nhà nước mình cả.

- Anh hy vọng gì về con đường thể nghiệm của mình? Anh có nghĩ mình sẽ tìm thấy một con đường thoát ra khỏi sự đáng thương này không?

- Hàng năm tôi đều làm một sản phẩm âm nhạc theo dạng chất lượng cao để có thể giới thiệu với bạn bè thế giới. Cho tới thời điểm này tôi đã đi diễn rất nhiều nơi, thực sự là không còn chỗ nào tôi chưa diễn. Nhưng cũng nói thật, chẳng hạn chuyến đi diễn ở Mỹ một tháng vừa rồi mình cũng chỉ đọ được với mấy ông Pakistan, Marroc thôi. Tại vì ban tổ chức họ thấy thương thương ba cái ông cũng giỏi giỏi ở ba nước ấy rồi mời vào một nhóm. Chúng tôi cũng diễn ở những nơi thực sự danh giá ở Mỹ, mà tôi nghĩ Việt Nam có lẽ chỉ có mình tôi được diễn ở đó, ví dụ như Kennedy Center là trung tâm ở thủ đô Hoa Kỳ, ở New York là Asia Society. Tôi rất tự hào nhưng tự hào theo dạng mình được "thương thương" thôi.

Tại sao tôi nói thế, vì nó khác ở điểm thế này, ví dụ tôi là một người nghệ sỹ tôi sẽ được một nhà sản xuất trên thế giới liên hệ trực tiếp mời tôi làm tác phẩm và họ sẽ mua tác phẩm này. Nhưng tôi đi diễn 20 năm, đến năm nay mới được một nhà văn hóa tại Đức là House of the Cultures of the World đặt hàng một tác phẩm sẽ sản xuất vào tháng 1/2016. Lúc đó mới biết sản phẩm của mình đáp ứng được thế nào nhu cầu của thị trường thực sự, nếu tốt và được đón nhận thì may ra mới bắt đầu thoát ra khỏi sự "thương thương". Mà sản phẩm được đón nhận chỉ khi nó vừa mang tính quốc tế, lại phải ra được đúng cái bản sắc Việt Nam riêng biệt. Kiểu Gangnam Style

- Vậy anh có thể phác thảo qua về bức tranh nhạc điện tử Việt Nam, mảng mà anh tâm huyết, theo đuổi nhiều năm?

  - Âm nhạc điện tử là âm nhạc của đời sống, nó có đời sống riêng, bao gồm những thể loại âm nhạc khởi nghiệm điện tử như chị Kim Ngọc đã làm, trải dài đến những phần phát triển như  tôi hay Hồng Nhung, cho đến phần của Quốc Trung và the remix tức là nhạc của giới trẻ bây giờ. Nhưng toàn bộ những mảng đó nó phải có một sự gắn kết liền mạch chứ không phải mạnh ai nấy chạy tán loạn, thiếu một môi trường phát triển đồng nhất. Và đáng tiếc ở Việt Nam chưa có sự đồng nhất ấy.

Chưa có thì gắn kết nó lại, nhiều người bảo thế. Nhưng điều đó là khiên cưỡng. Nên chỉ đến khi những mảng rời rạc đó kết nối tự nhiên được với nhau thì mới có thể thành.  Tôi bắt đầu nhìn thấy niềm tin ở một số bạn trẻ. Chẳng hạn, tôi thấy trong các sàn nhảy, ngoài việc chơi nhạc thị trường cho đám đông nhảy nhót, thì giờ cuối những DJ họ lại chơi những thể loại âm thanh mà họ thấy thích, thấy hay. Cái đó là họ chơi cho chính mình, dần dần say mê đó sẽ kéo được những người khác và rồi lan tỏa.

- Cảm ơn những chia sẻ của nhạc sĩ Trí Minh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.