Nhạc sĩ Quốc Trung: "Âm nhạc Việt đang trở thành một ốc đảo"

Thứ Bảy, 27/10/2018, 16:09
Nhạc sĩ Quốc Trung là một trong những người tiên phong mang đến những giá trị mới mẻ cho âm nhạc Việt Nam. Anh cho rằng âm nhạc Việt đang biến mình thành ốc đảo và khán giả là người thiệt thòi khi không có nhiều cơ hội tiệm cận với đời sống nghệ thuật sáng tạo hơn.


- Chúc mừng anh với một dự án mới mang tên "Bình minh" kết hợp cùng ca sĩ Thanh Lam. Anh đã từng làm nhiều dự án cho Thanh Lam. Điều gì ở Lam khiến anh luôn tràn đầy cảm hứng như thế?

+ Tôi luôn tự biết tạo cảm hứng cho bản thân chứ không phải do người khác mang lại. Chính đòi hỏi sáng tạo luôn tạo cho tôi cảm hứng làm việc. Tôi không có nhu cầu chứng minh tôi là người giỏi hay nhà sản xuất nổi tiếng, bởi theo tiêu chí "hot" "hít" bây giờ, tôi không phải là người kiếm được nhiều tiền. "Bình minh" là cảm xúc đầy lạc quan, hứng khởi, tôi hy vọng mang đến cho khán giả sự tươi mới, hay ho của những người từng trải, đã đi qua nhiều cung bậc của cuộc sống.

- Anh là người chịu khó cập nhật các xu hướng âm nhạc quốc tế mới. Hẳn anh cũng mong ước về một show diễn chuẩn quốc tế tại Việt Nam?

+ Live show "Bình minh" sẽ vươn tới một show diễn chuẩn quốc tế. Nếu nói một show kết hợp công nghệ thì mọi người dễ hiểu lầm là có màn hình led hay những màn nhào lộn trên sân khấu. Thực ra trên sân khấu của chúng tôi không có gì ngoài âm nhạc và ánh sáng. Công nghệ ở đây được hiểu là chúng tôi dàn dựng rất chi tiết và kỹ lưỡng về âm thanh, ánh sáng. Mỗi ánh đèn bật lên đều có chủ đích, chính xác với từng nốt nhạc, tạo cảm xúc mạnh cho khán giả.

Tôi không có ý chê các dự án âm nhạc ở Việt Nam, vì nếu làm theo tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng sẽ rất tốn kém. Chúng tôi kỳ vọng và dành nhiều tâm huyết tập luyện với nhau trong 2 tháng. Phải có đủ thời gian để nhuần nhuyễn từng nốt nhạc.

Tôi hy vọng sẽ mang lại một cảm xúc trọn vẹn cho khán giả. Vấn đề quan trọng là sự quyết liệt của các nghệ sĩ cần hướng tới kết quả cao nhất. Tôi là người bay bổng, lãng mạn nhưng giấc mơ càng lớn bao nhiêu người ta càng cần tỉnh táo, thực tế bấy nhiêu mới thực hiện được.

- Đây là liveshow đầu tiên áp dụng chuẩn quốc tế, nhưng có một thực tế là những gì hay chưa chắc đã phù hơp với tai nghe của người Việt. Anh có lo sự tìm tòi mới mẻ đó lạc nhịp với khán giả trong nước?

+ Mỗi nền âm nhạc có đặc thù về văn hóa, tâm sinh lý con người khác nhau. Tuy nhiên, những chuẩn mực của các nền công nghiệp âm nhạc trên thế giới đều được đúc kết và thành công ở nhiều quốc gia, không chỉ ở Mỹ mà ở cả châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Tại sao chúng ta luôn nghĩ là nó không áp dụng được bởi vì người Việt không nghe. Người ta biện hộ cho sự lười sáng tạo trong sản xuất bằng cách nói nó không phù hợp. Rõ ràng, tất cả những nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đến Việt Nam đều được chào đón và mang lại cảm xúc cho khán giả, kể cả những khán giả trẻ hay lớn tuổi. Không có lý do gì khiến chúng ta nghĩ là người Việt không phù hợp.

Chúng ta thiếu sự chuẩn bị, thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự đầu tư để hướng tới việc đó. Tôi nghĩ khán giả sẵn sàng chờ đón những cái mới, chỉ có điều chúng ta có làm được đến nơi đến chốn không thôi. Cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là khán giả, họ ít khi được biết tới những sản phẩm âm nhạc được thực hiện một cách hoàn hảo và chuyên nghiệp.

Quốc trung luôn đồng hành cùng Thanh Lam trong các dự án âm nhạc.

- Đó cũng là lý do giá vé của live show "Bình minh" khá đại trà. Anh muốn tiếp cận nhiều khán giả?

+ Tôi và chị Thanh Lam có nhiều người bạn ủng hộ để làm nên một sản phẩm âm nhạc có chất lượng, chúng tôi không quá bị sức ép về việc thu tiền. Không phải không có áp lực tài chính nhưng chúng tôi chấp nhận thiệt hơn về tài chính để đổi lại lợi ích lâu dài. Nếu chúng tôi thành công lần này sẽ mở ra một chương mới không chỉ cho riêng Thanh Lam mà cho cả nghệ sĩ Việt Nam để họ nhìn vào đấy thay đổi cách thức làm việc, giúp khán giả tiếp cận gần hơn với những giá trị chuẩn mực của âm nhạc.

- Anh nói rằng, đời sống âm nhạc Việt Nam đang lạc hậu so với khu vực và thế giới, nhưng nhìn vào hiện trạng đời sống, các live show ở Việt Nam vẫn diễn ra liên tục đấy chứ?

Live show Binh Minh sẽ diễn ra vào ngày 1 và 2-12 tại Hà Nội.

+ Chúng ta không thiếu, thậm chí có rất nhiều show diễn. Nếu so với thị trường âm nhạc ở châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản thì chúng ta không ít hơn họ về số lượng. Nhưng chất lượng của họ cao hơn, họ có sự chuẩn bị đầu tư kỹ lưỡng. Còn ở ta, mọi thứ đều rất khó khăn nên không thể trách khán giả được. Chất lượng như vậy thì sự trân quý và nhu cầu tưởng thức của khán giả sẽ không có nhiều. Họ có thể gặp ca sĩ, nghệ sĩ hàng ngày trên ti vi, các phòng trà ca nhạc, quán bar.

Nó bị suồng sã quá nên khi các live show tổ chức, khán giả sẽ thờ ơ. Còn ở các nước, mỗi show diễn đều mang lại dấu ấn, cảm xúc rất mạnh cho khán giả nên họ bán vé rất dễ dàng, thậm chí khán giả chờ hàng năm để mua. Ở ta, các chương trình đều có kiểu ca sĩ mỗi người chạy lên hát một vài bài, không để lại dấu ấn đủ để người ta phải chờ đợi, phải mua vé. Để thay đổi điều đó không thể ngày một ngày hai. Chúng tôi muốn thay đổi, trước tiên với ê kíp của mình, làm ra những sản phẩm nghệ thuật cao hơn.

- Vậy theo anh, chúng ta cần có những cú hích như thế nào?

+ Thực ra để thay đổi đòi hỏi rất nhiều thứ, kỹ năng, trình độ của nhà tổ chức. Họ phải có định hướng phát triển lâu dài. Tất nhiên làm show mà cứ lỗ thì không ai làm cả nhưng cứ chạy theo những thứ làng nhàng như vậy, đến một lúc nào đó, khi chúng ta mở cửa, nhiều nền văn hóa, âm nhạc khác ùa vào, chúng ta không thể cạnh tranh được với họ.

Thậm chí, chúng ta lạc hậu và có khoảng cách rất lớn với họ. Tôi nhìn thấy không có bất cứ dự án hay nghệ sĩ nào của Việt Nam có thể bước ra bình đẳng với các nghệ sĩ thế giới. Đấy là một thiệt thòi, chúng ta đang trở thành một ốc đảo.

Ở các nước, live show tổ chức thường xuyên nhưng nó không trở thành những thứ mua vui, suồng sã như ở ta. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất trong đời sống văn hóa là phải tạo nên một nhu cầu thiết thực thưởng thức nghệ thuật và muốn như vậy, các giá trị của nghệ thuật phải long lanh chứ không thể trở thành một thứ ồn ào, mua vui, hời hợt được. Như thế nhu cầu thưởng thức của khán giả mới tăng lên và chúng ta mới có cơ hôi xây dựng một đời sống, một nền công nghiệp văn hóa sáng tạo.

- Anh vẫn đi con đường tiên phong đó trong nhiều năm ở Việt Nam và người tiên phong thì luôn đơn độc. Anh đối diện với điều đó như thế nào?

+ Mỗi người có một lựa chọn sống và làm việc, mình không thể nói lựa chọn của mình là cao sang hay lựa chọn của người khác là thấp hèn. Những người làm kinh doanh văn hóa họ luôn có mục đích phải có lãi. Còn tôi, tôi luôn có khát vọng đổi mới, mong muốn sáng tạo, muốn mang những giá trị văn minh ở bên ngoài đưa về Việt Nam. Phần lớn đó là sự lựa chọn cá nhân và như thế tôi thấy đời sống nghệ thuật của mình có giá trị và có nhiều niềm vui hơn.

- Thanh Lam hiện tại rất bình yên với hạnh phúc của mình, còn anh, cuộc sống của anh bây giờ thế nào?

+ Đến thời điểm này tôi không còn nhiều áp lực phải làm việc để kiếm tiền mà cần nhiều niềm vui hơn, làm việc phải mang lại niềm vui, chia sẻ với cộng đồng, với bạn bè, tạo cho mình một đời sống thanh thản và nhân văn hơn. Tôi lấy tên dự án này là "Bình Minh" cũng là tên một bài hát tôi vừa sáng tác. Tôi muốn lấy hình tượng người dân chài đi biển, khi họ trở về là lúc bình mình, dù đêm trước có là bão tố. Một bài hát nhẹ nhàng khép lại chương trình và gửi gắm thông điệp về sự trở về, mong muốn quay trở về của những người dân chài, dù họ đi đâu xa chăng nữa thì vẫn có một tình yêu chờ đón, đó là ngọn hải đăng dẫn đường cho họ quay trở về.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

"Bình minh" chính là bức chân dung Thanh Lam bằng âm nhạc ở thời điểm này: Một người nghệ sĩ chín đủ và đầy đặn nhất về cảm xúc, tầm vóc sáng tạo cũng như bản lĩnh nghệ thuật; Đây cũng là một dấu mốc mới của Lam, sự bắt đầu khác của một phong cách âm nhạc ở độ chín, trọn vẹn và thong thả hoàn hảo.

Suốt 25 năm qua, những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của Thanh Lam phần lớn gắn với Quốc Trung. Những "Mây Trắng Bay Về", "Cho em một ngày", "Em và Tôi", " Bài hát ru cho anh"… - cho tới thời điểm này vẫn được ghi nhận thuộc những album và live show đẹp đẽ nhất của nhạc Việt. Sự trở lại của Quốc Trung và Thanh Lam trong live show xuyên Việt "Bình Minh" cũng hứa hẹn mang đến những cảm xúc mới mẻ, thú vị. Live show sẽ diễn ra hai đêm 1 và 2 tháng 12  ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, sau đó sẽ đi diễn ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.