Địa chỉ biến hình

Thứ Năm, 22/10/2015, 14:00
Các nhà khoa học bao giờ cũng thích thay đổi và trái đất đang nóng dần. Hội thảo gần đây, một nhà khoa học đề xuất rằng nên kiến nghị để nhà nước sớm có quyết định đổi tên Thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương. Lý sự thì đủ đầy.

Đại thể thì không chỉ là địa danh lịch sử, Phủ Lạng Thương đã trở thành những giá trị, văn hóa đặc hữu, góp phần quan trọng vào việc khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, tạo lập những sức mạnh vật chất để xây dựng quê hương Bắc Giang.

Chỉ có 2 chữ biến thành 3 mà cũng không ít tranh cãi.

Một số ý kiến ủng hộ cho rằng: 

-  Rất vui khi nghe đổi tên Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương, đây là cơ hội để thế hệ trẻ trên tỉnh Bắc Giang nói riêng và thế hệ trẻ cả nước nói chung hiểu thêm về địa danh lịch sử gắn liền với sự trường tồn của đất nước, dân tộc Việt Nam...

- Biết rằng đổi tên một địa danh rất tốn kém về tài chính, bỡ ngỡ về các thủ tục hành chính có thể kéo theo nhiều phiền lụy tới đời sống nhân dân. Nhưng không vì vậy mà không làm được. Tôi nghĩ chúng ta cần tự hào về cái tên (Phủ Lạng Thương. Địa danh Phủ Lạng Thương hiện vẫn được tạc ghi trong hầu hết tài liệu văn tự quốc tế trong các lĩnh vực địa lý, địa chất, khảo cổ, dân tộc học, sử học, văn học, hành chính... do các học giả nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học Pháp dày công xây dựng)…

- "Phủ Lạng Thương ơi sao mà yêu đến thế, trên bến dưới thuyền xao xuyến bâng khuâng bao lữ khách du hành"! Tôi ủng hộ tuyệt đối việc đổi tên thành phố Bắc Giang thành thành phố Phủ Lạng Thương.

Minh họa của Tả Từ.

Phe phản đối cũng rôm rả:

- Đổi thế thì hộ khẩu, chứng minh nhân dân sắp tới đổi hết à. Nhà tôi mới đổi tên tổ dân phố mà làm lại hộ khẩu mướt mồ hôi rồi.

- ... Phủ Lạng Thương thì phải có Tổng đốc, Tuần phủ, Án sát... mới phù hợp?!

- Nếu như đổi tên để phù hợp với văn hoá thì sẽ có gần hết các thành phố cần đổi lại tên. Không chỉ về giấy tờ tuỳ thân của người dân mà tất cả những thứ có liên quan ở các nơi khác cũng phải đổi: Công văn, biển chỉ dẫn, sách vở, bản đồ,...

- … Đơn giản, mỗi doanh nghiệp sẽ phải mất khoảng 20 triệu để làm các thủ tục của doanh nghiệp, đấy là chưa kể đến bao nhiêu cơ quan khác…

Một số nhà hoạch định bất đắc dĩ cho rằng sẽ có sự lan tỏa theo, sôi động ra trò. Này nhé:

Cao Bằng thì đổi thành Quảng Nguyên; Lào Cai, Lai Châu thì đổi thành Hưng Hóa; Hòa Bình thì đổi thành tỉnh Mường, Chợ Bờ; Phúc Yên đổi thành tỉnh Phù Lỗ; Quảng Ninh đổi theo mấy lựa chọn Lộ Đông Hải, Lộ Hải Đông, Trấn An Bang, Quảng Yên; Hải Dương thành Hải Đông, Đông Đạo; Nam Định thành Trấn Sơn Nam Hạ; Thanh Hóa đổi thành Ái Châu, Thiên Xương; Nghệ An thành Hoan Châu. Riêng Hà Nội có rất nhiều lựa chọn để đổi ngót chục cái tên như Long Đỗ, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành…

Trong việc phát triển kinh tế thì địa chỉ ổn định là tối quan trọng. Việc xây dựng hình ảnh, nhận diện thương hiệu của ngành nghề, đơn vị không thể đứng vững trên nền tảng địa danh biến hình như kỳ nhông. Như vậy, vừa tốn tiền xây dựng hình ảnh mới vừa phải bù đắp thiệt hại do hệ thống địa chỉ bị đứt gãy. Hy vọng các nhà khoa học hãy chăm chỉ cải tiến chứ đừng cải thoái.

Còn bạn. Bạn có tính được thiệt hại cá nhân nếu bạn đổi lại tên tuổi địa chỉ không. Cứ thế nhân lên 90 triệu xem con số có ấn tượng mức nào.

Lê Tâm
.
.
.