Về É Lâm

Thứ Hai, 09/03/2015, 11:00
Đi dọc nước mình, tôi thích tìm đến những vùng địa linh nhân kiệt, ngoài để tìm hiểu về phong thủy, còn muốn xem nơi ấy đất và người bây giờ ra sao. Mới đây tôi tìm về Bác Ái, một huyện anh hùng miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Ninh Thuận tận đầu nguồn sông Cái, trước kia gọi là É Lâm. Từ đỉnh đèo D’Ran ở Nam Tây Nguyên, tôi phóng xe máy về quê hương của người du kích tài ba Pinăng Tắc, con em của dân tộc Raglay một thời vang bóng.

Năm rồi đi dạo biển Ninh Chữ vào lúc hoàng hôn, anh Đinh Hy, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Ninh Thuận, nói với tôi rằng: Nếu đứng trên đèo D’Ran nhìn xuống biển vào lúc trời tối sẽ nhìn thấy gần hết Ninh Thuận. Tại đây nếu ai chú ý, sẽ phát hiện ra dải đất duyên hải này như một con rồng uốn lượn mà đầu rồng là vùng Tri Thủy, thân rồng là dòng sông Cái, đuôi rồng là Bác Ái được cao nguyên Lâm Viên che chở ở phía Tây.

Sau 2 ngày về nơi đầu rồng được anh Lê Thành Công, tộc trưởng họ Lê ở Tri Thủy, một họ tộc đã sống tại nơi đây 4 đời, được xếp vào dạng dòng họ có đẳng cấp, có người thân là Mẹ Việt Nam anh hùng trong hai thời kỳ kháng chiến. Trên chiếc xe máy cà tàng, hai anh em đi hết Tri Thủy rồi đến vịnh Vĩnh Hy, nơi đây còn gọi là vùng “Núi Bút-Sông Văn”. Hôm sau tôi phóng xe theo thân con rồng là dòng sông Cái và chuyến đi này tìm về vùng đuôi của nó nằm ở tận Bác Ái.

É Lâm ngày ấy

Theo tư liệu xưa, É Lâm là tên cũ của huyện Bác Ái. Vào năm 1922, É Lâm gồm có 2 tổng là É Lâm Thượng và É Lâm Hạ, trực thuộc quận An Phước, tỉnh Phan Rang. Sau này trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở phía Tây Ninh Thuận, trước sự hăng hái đồng lòng đuổi giặc của bà con dân tộc  KHo, Chu Ru và nhất là Raglay nên lãnh đạo Việt Minh thời đó đặt tên chiến khu là Bác Ái để kêu gọi bà con yêu thương nhau, đồng tâm hiệp lực chống kẻ thù chung.

Huyện lỵ Bác Ái rộng khoảng 1.030km2 với dân số gần 30 ngàn người, gồm có 9 xã bắt đầu từ chữ Phước như: Phước Đại, Phước Thắng… Đây là vùng sơn địa khô cằn, trập trùng núi non hiểm trở, gân guốc như đuôi con rồng. Lúc chúng tôi đến đang vào mùa khô, các suối nguồn gần như cạn kiệt, ở tận đáy sông có nơi đá cuội trơ mình dưới nắng.

Sông núi ở vùng Tri Thủy.

Ven đường những bụi xương rồng đứng im lìm khoác lên bộ cánh đầy gai góc chĩa lên trời nhọn hoắt. Xương rồng là loại cây bụi, chỉ thích nghi với vùng khô cằn nắng gió, nguồn dinh dưỡng chủ yếu là sương đêm. Tuy nhiên hoa xương rồng rất đẹp, đó là sự kết tinh của đất trời. Trên đời này cái gì thuộc về tạo hóa đều mỹ miều. Đối với phụ nữ, sắc đẹp “trời cho” bao giờ cũng hơn hẳn những người bước ra từ thẩm mỹ viện. Điều ấy đã thành quy luật tự nhiên, không chỉ riêng về sắc đẹp của con người.

Điểm đầu tiên chúng tôi đến là đèo Gia Túc, di tích bẫy đá của anh hùng Pinăng Tắc thời chống Mỹ, thuộc địa phận xã Phước Bình. Để đến được khu di tích quốc gia này, chúng tôi phải vượt qua quãng đường dài nhiều đèo dốc.

Trước mặt chúng tôi là khu bẫy đá được ghi hàng chữ bằng sơn trắng: “Tại khu vực này, dân và quân du kích xã Phước Bình do Pinăng Tắc, Anh hùng LLVT chỉ huy đã tiêu diệt 100 tên địch ngày 10 tháng 8 năm 1961. Địa điểm này được nhà nước công nhận là di tích lịch sử kháng chiến”.

Đối diện với khu này là thượng nguồn sông Cái, một không gian quang đãng với dòng nước lững lờ trôi cộng thêm gió chiều thổi lồng lộng làm phất phơ cây lá. Chúng tôi dừng xe, trèo lên bờ đá thắp bó nhang tưởng niệm những vong hồn người đã khuất.

Ở miền Nam xứ mình, bất cứ chiến địa xưa nào cũng là nơi cả hai cùng chết, rồi chính phủ cả hai bên đều công nhận Tổ quốc ghi công, mà đất nước mình cũng chỉ có một Tổ quốc con Rồng cháu Tiên sinh ra một bọc trứng 100 người con…

Chiều ở khu di tích thật buồn, mặc dù hương khói của chúng tôi vừa đốt tỏa lên vẫn không sưởi ấm được lòng người. Xung quanh di tích không có người ở, chỉ có cỏ dại và cây rừng phủ lên, lấn vào bãi chiến. Trước mặt bảng ghi sơn trắng viết trên đá, có 3 cành cây khô nằm chèn lên, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai vào viếng. Chúng tôi lạy tạ xong ra ngồi trên con đường nhựa mơ hồ nghe tiếng hò reo, tiếng đá rơi, máu chảy 54 năm về trước.

Lúc chúng tôi ngồi nhớ về quá khứ, tình cờ gặp một người đàn ông tên là Bảy Sanh trên 60 tuổi đi ngang qua. Ông Bảy đi thăm vườn chuối về thấy người lạ ngồi bó gối giữa đường nên đến làm quen, được ông cho biết:

Anh hùng Lực lượng vũ trang Pinăng Tắc (1902-1978) là con em đồng bào Raglay, từ tuổi thơ đến lúc lớn lên đã nhiều lần chứng kiến đá núi sạt lở tại chân đèo Gia Túc. Sau này tham gia du kích, dựa vào địa thế hiểm trở một bên là vực sâu, một bên là núi cao nằm trên triền đèo, ông đã chỉ đạo cho quân du kích làm 17 chiếc bẫy đá liên hoàn trên đoạn đường dài hơn 500 mét. Phía dưới đoạn đường ông cho cắm chông, mang cung tên tẩm độc.

Anh hùng Pinăng Tắc.

Vào 10 giờ sáng ngày 10 tháng 8 năm 1961, ông Pinăng Tắc đã chỉ huy đoàn quân du kích phục trên đường hiểm yếu, chờ quân địch đến điểm phục kích, ông cho chặt dây thả đá núi lăn xuống cộng với cung tên tẩm thuốc đã tiêu diệt cả trăm quân địch.

Trước khi đến đây, tôi đã đọc khá nhiều bài viết về chiến tranh du kích bằng bẫy đá từ anh hùng Pinăng Tắc và ông KKíu dân tộc KHo ở đèo BLao (Nam Tây Nguyên). Riêng bẫy đá ở đèo Gia Túc có nhiều người viết khá hấp dẫn về chiến công dùng sức người chiến thắng quân thù, nhưng đến khi kết thúc không thấy nhắc đến bây giờ ra sao!

Ông Cha Ma Lé Liệu, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bác Ái là đồng đội của cụ Pinăng Tắc hiện còn sống cho biết: UBND tỉnh Ninh Thuận đã thuê các đơn vị thiết kế, lập dự án đầu tư 17 tỷ đồng để phục dựng mô hình bẫy đá cùng các hạng mục như: bãi đỗ xe, đường đi đến di tích nhằm phục vụ thăm quan, tìm hiểu lịch sử.

Nhưng khi chúng tôi trèo lên bờ đá, ngoài tấm bia viết sơn trắng sơ sài không có sự kiện gì khác, chỉ có cây rừng và cỏ dại phủ lên hoang vắng đến mức chạnh lòng. Bộ Văn hóa đã công nhận di tích quốc gia từ năm 2002 đến nay đã 13 năm nhưng kế hoạch trùng tu 17 tỉ vẫn còn là thì tương lai, không biết đến tận bao giờ!

Hiền sĩ thời nay

Theo từ điển tiếng Việt: “Hiền sĩ là người học hành tài giỏi, có lòng nhân đức, mang kiến thức ra giúp người, giúp đời không yêu cầu phải trả ơn hay đặt điều kiện trái với đạo lý”. Trong thời buổi gió qua miền tối sáng thổi rông rốc vào tận ngõ ngách, việc tìm ra được người HIỀN hiện nay không phải như ra ngõ gặp anh hùng trong thời kháng chiến.

Lần này về É Lâm xưa, tôi tìm đến nhà bà Mấu Thị Bích Phanh, người Raglay ở thị trấn Phước Đại. Lúc 10 giờ 30 phút sáng, trên đường đi, tôi ghé vào một ngôi trường cấp I, nơi có rất nhiều phụ huynh đứng ngồi đón con cách thị trấn 10 cây số để hỏi nhà bác sĩ Bích Phanh, được 4 trong 5 người lên tiếng giúp đỡ.

Họ nói với nhau: “Bà này được lắm à nha! Sau khi về hưu bả đi chăn, cắt cỏ cho bò, hái rau cho heo… Là bác sĩ, bà thường giúp đỡ người nghèo, ai không có tiền cũng được khám bệnh cho thuốc, ai có tiền thì trả, ai không có bà ấy cho luôn, coi như đó là việc làm từ thiện… Bà này giỏi lắm đó! Biết sử dụng vi tính, lướt web như gió.

Có người kể bà cùng với các nhà ngôn ngữ học sáng tạo ra chữ viết Raglay, bà ấy không chỉ là cộng tác viên cho Đài PT-TH Ninh Thuận, mà còn viết tin, bài và đọc trên sóng  VTV5 bằng tiến Raglay nữa, tui thấy hoài… Bà này là cán bộ lãnh đạo làm đến chức phó chủ tịch huyện nhưng bà ấy sống đơn giản và nghèo như tụi này….”.

Chỉ đứng 30 phút đã nghe các vị phụ huynh “buôn dưa lê” với nhau sôi nổi. Có người còn tình nguyện dẫn tôi đến nhà bà vì cùng trên đường về Phước Đại.

Khi chúng tôi đến, bà Bích Phanh đi vắng, được con gái cho biết bà đi hái rau cho heo sắp về. Trước mặt chúng tôi là một ngôi nhà cấp 4 nhỏ nhắn nằm lọt thỏm trong vườn mít và me, bên trái là chòm hoa giấy màu tím phủ lên mái nhà và la đà dưới đất.

Trong nghề đi lang thang viết lách nhì nhằng, tôi thường tìm đến các vị lãnh đạo địa phương về hưu để uống trà, nghe những mẩu chuyện về cuộc đời oanh liệt của họ. Tôi chưa thấy ai có nhà cửa, cuộc sống giản dị và cách nói chuyện về đất và người bằng phong thái đầy nhân văn như bà.

Bác sĩ Bích Phanh sinh năm 1948 trong một gia đình Raglay nghèo. Năm 13 tuổi, bà được gửi ra Bắc để học văn hóa rồi tốt nghiệp Đại học Y ở Thái Nguyên, chuyên khoa sốt rét năm 1976. Năm 1977, bà về lại quê hương làm việc ở Phòng Y tế Ninh Sơn rồi làm Phó Chủ tịch lần lượt ở hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái cho đến ngày nghỉ hưu năm 2004. Đối với một phụ nữ miền núi được học hành như thế đã khó, nhưng phụ nữ dân tộc lại càng khó hơn vì rào cản ngôn ngữ và hội nhập cộng đồng.

Bà Bích Phanh hiện nay.

Tôi ái mộ bà, bởi lẽ trong thời gian 2 tiếng đồng hồ trao đổi với nhau, bà nói chuyện tình cảm sắc sảo với âm sắc Bác Ái của người con Raglay không bị pha tạp, mặc dù ra Bắc 17 năm từ thuở còn thơ ấu. Ở Việt Nam mình, những ai xuất thân từ một gia tộc có bề dày văn hóa, âm sắc không bao giờ mất đi, rất hiếm thấy con cháu họ phát âm bằng chất giọng “xăng pha nhớt”.

Bà kể cho tôi nghe quãng đời mình một cách nhẹ nhàng đầy trách nhiệm. Dường như người trí thức Raglay này được Yàng sinh ra để phục vụ cho đời. Hiếm thấy bà kể chuyện quan trường, chỉ nghe những câu chuyện mang hơi thở từ đời sống vật chất đến tinh thần của người dân ở vùng sâu vùng xa với cuộc sống muôn màu.

Một trong những thành công lớn nhất của bà là lăn lộn với bà con Raglay, Chu Ru… xóa đi nạn sốt rét hoành hành từ bao đời nay giữa chốn đại ngàn, rồi vận động các chị em vào trạm xá sinh đẻ để bảo vệ sức khỏe cả mẹ lẫn con. Không những thế, bà còn đứng ra bảo vệ đề tài về xây dựng chữ viết và hình thành từ mới Raglay khi vốn từ của buôn làng càng ngày bị mai một. Bà xót xa khi nghe một câu nói 10 từ Raglay bị pha trộn 2 từ phổ thông, bà mở lớp dạy thổ ngữ…

Vì vậy, trong cuộc hội thảo khoa học quốc tế về “Vấn đề đô thị hóa và sự hình thành tộc người Đông Nam Á” tại TP Hồ Chí Minh năm 2005 do Trường Đại học KOBE của Nhật Bản và Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Tôn-gôn-đa, giáo sư ngôn ngữ học người Nhật Bản đã mệnh danh bà là “nhà ngôn ngữ học bẩm sinh”.

Chưa hết, bà còn hệ thống lại sử thi dân tộc Raglay để con cháu biết được. Việc làm của bà như một nhà văn hóa thực thụ, mặc dù lúc thiếu thời bà được đào tạo để trở thành một bác sĩ y khoa. Không chỉ giỏi về công việc xã hội, bà còn là người vợ, người mẹ đảm đang. Chồng bà là một kỹ sư nông nghiệp và con trai bà là Mấu Thanh Phương, người có hai bằng đại học chính quy hiện đang là lãnh đạo của huyện Bác Ái. Chuyện về người trí thức này có thể viết thành sách.

Trên chiếc xe Cub 81 đi ngoài đường và bộ quần áo dân dã cộng với cách nói chuyện bình dân, khó có ai biết bà là một trí thức đa tài. Khi được hỏi, là một cán bộ có chức quyền về hưu sao cuộc sống có vẻ khác người? Bà trả lời vui vẻ: “Về hưu trở thành dân rồi, bà con làm gì thì mình làm đó, vì mình sống với bà con chứ sống với ai. Quan nhất thời, dân vạn đại mà!”.

Khi chia tay bà, lúc ấy đã là 12 giờ trưa. Bà nắm tay tôi nói thực lòng: “Chú ở lại ăn cơm với chị, sáng nay hái rau cho heo chưa kịp đi chợ. Chị vào nấu cơm, còn chú đi hái rau, rau đây này (bà chỉ tay) rồi hai chị em mình ăn cơm với nước mắm và rau xào mỡ nhé!”. Hiền sĩ là như thế.

Bữa tiệc giữa rừng chuối

Ông Bảy Sanh, người giới thiệu về bẫy đá của anh hùng Pinăng Tắc, dân ở xã Phước Bình, là người tôi rất trân trọng. Ông chỉ có bằng tú tài II chế độ cũ nhưng kiến thức như một quyển từ điển sống về văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa Raglay. Ông Bảy dân gốc ở Ninh Sơn nhưng sống ở Phước Bình trên 20 năm làm nghề trồng chuối.

Ông nói với tôi: “Mỗi gia tộc đều có một tài sản vô hình và hữu hình để lại. Có những gia tộc không có tài sản nào cả, đó là nỗi buồn. Suy rộng ra một dân tộc không có tài sản nào lại càng buồn hơn.

Người Việt mình xuất thân từ nền văn minh lúa nước nên tầm nhìn thường quanh quẩn lũy tre làng, các tiên đế của mình trước khi lên làm vua đều xuất thân từ áo vải thường gọi là cuộc khởi nghĩa nông dân, khi lên ngôi trị vì với tầm nhìn hẹp, nên thường san bằng di sản trước của ông cha để lại để xây dựng cái mới nhằm tô vẽ cho triều đại mình đang trị vì, rồi theo lối mòn các vị hậu nhiệm cũng đều như vậy.

Vì thế một đất nước 4000 năm lịch sử tài sản hữu hình của cha ông để lại không ngang tầm với bề dày của dân tộc. Ở các vùng miền là tài sản vật thể và phi vật thể, nơi nào để lại nhiều là nơi đó có đời sống tinh thần rất cao. Đối với đồng bào dân tộc Tây Nguyên trước đây do du canh du cư nên không để lại văn hóa vật thể nhiều như người Chăm. Tuy nhiên họ đã đóng góp vào kho tàng văn hóa dân gian không ít”.

Đêm ấy tôi xin ngủ lại Phước Bình, được ông dẫn đến nhà ông Năm Như, cả hai ông đều có kiến thức về văn hóa dân gian của đồng bào Raglay. Biết tôi sẽ đến nên ông Năm mua một bình rượu cần nhỏ, người Raglay không gọi là rượu cần mà gọi là Tà Pai cộng với thịt heo đen (heo dân tộc) nướng, chấm muối xả ớt. Có thể nói đêm ấy tôi được thưởng thức một đại tiệc dù chỉ có 4 người thêm Pinăng Pộp.

Bảy Sanh là người mở đầu văn hóa rừng, ông giải thích: Đối với bà con Raglay tuy sống giữa rừng núi bạt ngàn nhưng đều có ý thức để giữ gìn, canh tác. Mặc dù không hề có một văn tự quy định nhưng khi thành lập một paley (làng), người Raglay lấy 3 ngọn núi phân công cho 3 dòng họ phụ trách: Họ Mấu (Chamaliaq), dòng họ Bo Bo (Catơr) và Cau (Pinăng). Mỗi dòng họ thực hiện việc cúng lễ rừng núi hàng năm.

Việc cúng núi diễn ra bắt đầu vào tháng Sấm La, tức là lúc phát dọn chuẩn bị gieo trồng vụ mới hay còn gọi là mùa rìu mùa rựa. Trong dòng họ đóng góp lễ vật như: cau trầu, gà, rượu cần để cúng núi của mình. Cứ 3 năm lại cúng một lần và chu kỳ 7 năm cúng lớn nhất. Lễ vật trong các kỳ cúng lớn này là heo, bò. Sau khi cúng núi xong họ tiếp tục cúng đất. Lễ vật cúng núi như thế nào thì cúng đất đai như vậy.

Về các tháng trong năm, bà con ở đây không dựa vào ngày tháng người Kinh mà dựa vào thời tiết của rừng. Khi cây rừng ra hoa, đó là lúc người Raglay nhận biết được một năm mới đã bắt đầu.

Từ những công việc lao động sản xuất theo chu kỳ giữa rừng núi người Raglay dựa theo đó để đặt tên tháng trong một năm: Tháng Một: là tháng Hoa cây; tháng Hai: Sấm la; tháng Ba: Đốt rẫy; tháng Tư: Trỉa lúa; tháng Năm: Lúa con trai; tháng Sáu: Lúa con gái; tháng Bảy: Trổ bông; tháng Tám: Ăn cơm mới; tháng Chín: Suốt rẫy; tháng Mười: Thu hoạch; tháng Mười Một: Nắng hanh; tháng Mười Hai: Lãng quên (hội hè).

Vào tháng Lãng quên, bà con Raglay mới tổ chức uống rượu Tà Pai (rượu cần). Anh Pinăng Pộp, 56 tuổi, người bạn hàng xóm của Bảy Sanh đến phút cuối mới tham gia: “Mẹ tôi nói rượu Tà Pai của dòng họ Pinăng có mùi thơm lạ, men này được lấy từ nhiều loại rễ cây rừng trộn với ớt hiểm (ớt chỉ thiên...), củ riềng, rễ cây pateh, rễ cây dong, rễ cây rawe… Khi có được men rồi, mẹ tôi ủ với bắp, mì… Phải bịt kín ché rượu, không để nó thoát hơi. Sau một tuần là men dậy, lúc đó không được di chuyển ché rượu.

Có một điều mà các bà, các chị người Raglay đều phải nhớ là trong quá trình lên men, tuyệt đối không được gõ bất kỳ thứ gì gây ra tiếng động, gia đình không được cãi nhau, không được để lòng mình có những tức giận và phải tắm rửa sạch sẽ. Nếu ai đó vi phạm điều cấm kị này Tà Pai sẽ không thơm”.

Sau này, tôi mang hết sự kiện làm rượu Tà Pai với những điều cấm kỵ đặt hết lên bàn Hiền sĩ Bích Phanh đề nghị bà giải thích. Bà Bích Phanh cười nói: Tổ tiên người Raglay quan niệm Tà Pai là rượu đại đồng, đó là rượu lễ, rượu hội, rượu tình là chất kết nối, làm cho mọi người gần gũi với nhau hơn nên phải nâng niu bắt đầu từ giai đoạn ủ lên men. Người xưa không phải là không có lý.

Quan niệm này còn thể hiện sự đoàn kết để chống chọi với thiên nhiên thú dữ cũng để bà con tự răn mình. Bởi khi con người ta sạch sẽ, tâm hồn khoáng đạt, cao thượng, vị tha thì lòng người mới tốt. Men rượu ủ trong bối cảnh như thế thì ché rượu Tà Pai mới thơm ngon đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen của nó!

* * *

Ngày rời Phước Bình, chúng tôi ngồi trên dốc đá nhìn cảnh núi rừng hùng vĩ như đuôi con rồng với tấm thân là dòng sông Cái uốn lượn đổ về biển cả như lời anh Đinh Hy nói.

Điều tôi lo âu từ đêm uống rượu Tà Pai, ông Pinăng Pộp nói trong cơn ngà ngà say: “Bây giờ nhiều bà mẹ không nhớ cách làm men ủ rượu Tà Pai nữa đâu, lớp trẻ chỉ cần ra quán mua 7 ngàn một bịch rượu gần cả lít. Nghe nói men này của Trung Quốc, người bán chỉ cần một bình nhựa rồi đổ nước vào, bỏ thêm ba viên men to bằng đầu ngón tay út giá 15 ngàn lắc lắc, 3 phút đầu sôi ùng ục, 10 phút sau nước trong veo thơm như rượu thật, uống đã lắm nhưng không biết chừng nào chết ông ơi!”.

Ký sự: Trần Đại
.
.
.