Sinh con một bề là gái được thưởng:

Tiền không phải vấn đề đầu tiên

Thứ Tư, 07/10/2015, 15:00
Bây giờ là mùa thu, mát trời nên bàn chuyện sinh đẻ có vẻ hợp, chính vì thế câu chuyện sinh con một bề là gái sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đang làm cho dư luận sốt sình sịch trong những ngày gần đây. Xem ra cứ cái gì khó không kiểm soát, không nghĩ được ra cách làm thì hoặc là cấm hoặc là dùng tiền.
Lạ thật, một đất nước thiếu tiền thiếu vốn, thiếu nguồn lực để phát triển mà cứ hở ra là tiền. Chuyện tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) còn đang gào nguy cơ vỡ quỹ, rồi bàn sôi lên là tăng tuổi nghỉ hưu, tăng mức đóng bảo hiểm… Tưởng thế nào té ra là không thu được tiền bảo hiểm vì quá nhiều cơ quan doanh nghiệp chầy bửa, khai man, trốn tránh, không nghĩ được cách để thu lại xoay qua hiến kế nháo nhào. Hay nhỉ, nó không chịu nộp, nó ăn quỵt chạy làng thì thôi à? Luật pháp ở đâu vậy? Đó chưa nói đến biết bao nhiêu những câu chuyện lằng nhằng khác nữa…

Xem ra câu chuyện tiền có vẻ mọi việc đều dễ làm lại ngon ăn, vì thế mà chuyện để cân bằng giới tính cũng lăn vào bằng giải pháp "hớt ngọn" là thưởng tiền cho người sinh con một bề là gái. Chao ôi, chuyện con người và cái văn hóa trọng nam khinh nữ đã ăn sâu truyền kiếp vào hệ tư tưởng rồi thì mang tiền đến cho lại dễ thế sao?

Không hiếm những bà mẹ chồng chống nạnh chửi con dâu cái tội vô phúc không biết đẻ, bố chồng phán xanh rờn: "Con này ngu không đẻ được con trai thì lấy đứa khác cho nó đẻ". Lúc ấy tiền có giải quyết được không đây? Mà nếu những người quyết tâm sinh con trai có thể họ nhận tiền xong một thời gian họ lại đẻ tiếp thì phải làm thế nào, đòi lại tiền chắc? Khách quan mà nói các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã nhận thức được vấn đề giới tính ở nước ta hiện nay và nguy cơ tiềm ẩn dân số già của quốc gia là rất thực.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta vẫn chênh lệch ở mức 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2050. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 112,3 nam/100 nữ. Tuy nhiên đa số người có nhu cầu lựa chọn giới tính lại tập trung ở khu vực các thành phố và một số tỉnh đồng bằng Sông Hồng,và đặc biệt lại là những thành phần có trình độ cao và thu nhập khá giả.

Muốn cân bằng tỷ lệ giới tính, cần tăng cường tuyên truyền và thực hiện nghiêm pháp luật về bình đẳng giới (ảnh chỉ có tính chất minh họa).

Có vẻ khó tin, nhưng phụ nữ mới là những người có nhu cầu lựa chọn giới tính nhiều hơn đàn ông, thế mới vui chứ. Tỷ số lựa chọn giới tính ở các vùng như: Tây Nguyên; Tây Bắc và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ lại khá ổn định. Phân tích như thế để thấy, việc hỗ trợ tiền cho lựa chọn giới tính và vấn đề bình đẳng giới phải có sự tính toán cân nhắc nếu không thì chúng ta lại đi hỗ trợ cho khu vực có thu nhập cao và cuộc sống khá giả, trong khi đó những vùng dân cư nghèo lại không được hưởng gì.

Nói "nhanh cho nó vuông" rằng, con người mới là quan trọng. Khi người ta đã quyết chọn con người thì tiền vào càng nhiều càng quý, nhưng chọn vẫn cứ chọn và đẻ vẫn cứ đẻ. Còn nữa, số tiền thưởng đẻ hai con gái này sẽ là bao nhiêu: một triệu hay mười triệu hay hơn thế nữa? Nếu chỉ là thưởng cho vui thì đừng mơ ngày người ta chấp nhận bỏ con để ăn tiền. Và như thế cái túi ngân sách to cỡ nào để đủ chi đây? Trong khi đó, có biết bao nhiêu bệnh nhân phải nằm chung giường, bao nhiêu hộ nghèo cần được hỗ trợ, bao nhiêu người ngày ngày leo dây qua sông, những người già yếu cô đơn cần được giúp đỡ…

Quan trọng hơn cả là ngân sách nhà nước đang khó khăn, không thể dùng tiền để thực hiện những chính sách mà chưa chắc nó đã mang lại hiệu quả trong thực tiễn. Có ý kiến cho rằng phương án hỗ trợ còn tạo điều kiện cho những người sinh toàn con gái khi về già phải sống cô đơn không người chăm sóc. Nghe ra có vẻ nhân văn nhưng thật đau lòng, nói như thế thì hóa ra con gái là những người không có lòng hiếu thảo là vô trách nhiệm với cha mẹ hay sao? Như thế vô tình lại khoét sâu thêm sự mất cân bằng về bình đẳng giới chứ không phải chuyện chơi.

Theo GS-TS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em thì "Thay bằng việc hỗ trợ cho người đẻ toàn con gái, nhà nước cần tập trung phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế, khi đó bình đẳng giới sẽ được thực hiện, lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm hoặc không còn, đồng thời siết chặt hoạt động siêu âm giới tính thai nhi". Chuyện dùng tiền để thưởng và hy vọng sẽ cân bằng giới tính xem ra chỉ là biện pháp "hớt ngọn" ngon ăn trước mắt chứ không thể là phương án căn cơ khả dĩ.

Chúng ta đã có Luật Bình đẳng giới, vậy thì hãy cứ theo luật mà làm. Hãy dành sự quan tâm và ưu tiên nhiều hơn cho các em gái, tỷ dụ như: Ưu tiên cộng điểm vào đại học, vào các trường dạy nghề, vào việc bố trí công việc làm, thu nhập, tạo điều kiện tốt cho các em có cơ hội được học hành được cống hiến và thăng tiến, bình đẳng trong vị thế xã hội. Hãy dành nhiều hơn nữa những gì tốt đẹp cho phụ nữ để những người sinh toàn con gái có thể vui và tự hào khi mình sinh con một bề là gái.

Tăng cường tuyên truyền và thực hiện nghiêm pháp luật về bình đẳng giới. Nâng cao nhận thức và thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ trong mỗi con người và nhất là trong mỗi gia đình, không chỉ đàn ông mà ngay cả những người phụ nữ cũng phải nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới. Tất nhiên điều này không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian và những cách thức, giải pháp khác nhau, kể cả vấn đề quan tâm chăm sóc những người già.

Đinh Nam Nghị
.
.
.