Không có gì mà ầm ĩ cả

Thành tích và tôn vinh

Thứ Tư, 08/07/2020, 21:44
Mùa khoe bằng khen của các con năm nay muộn hơn cả tháng trời. Cũng chỉ vì dịch COVID-19 phá đám mà lễ bế giảng phải lùi mãi.

Đây rồi các con lặc lè quà thưởng xúng xính bằng khen về nhà. Đêm đến, Facebook rực ngàn ánh sao tỏa ra từ giấy khen trên tài khoản của phụ huynh. Các mẹ cũng cố giấu vẻ mặt vênh cằm so với trục trái đất.

Đừng lo các con không có giấy khen tủi thân. Ai cũng có phần. Có lớp kết thúc năm lớp 1 già nửa là giấy khen thành tích "Hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện". Non nửa còn lại là thành tích "hoàn thành tốt các nội dung học tập và rèn luyện". 

Ai cũng hiểu ngay diện "hoàn thành tốt" này tương đương với các cháu học dưới trung bình. Thế hệ phụ huynh hay ông bà các cháu thì có được danh hiệu học sinh xuất sắc hoặc giấy khen là chuyện cả làng cả xã hoan hỷ. Vì diện này đếm đầu ngón tay.

Gần đây trào lưu giáo dục Âu- Mỹ với kỷ luật không nước mắt cũng tạo ảnh hưởng tích cực tới phong cách giáo dục ông đồ đề cao cây roi kỷ luật. Giáo dục Tây lấy khen ngợi làm chủ đạo. Khẳng định nụ cười đúng hay cây roi đúng không phải dễ.

Việc lạm phát giấy khen dần thành nếp cũng dễ làm các học sinh quen với sự tâng bốc. Điều này ít nhiều tạo cho các con ảo giác, xa dần tới sự trung thực. Người lớn còn thích tâng bốc nữa là trẻ con.

Có bà hiệu trưởng còn "diện nhờ" bằng khen để chụp ảnh. Người dẫn chương trình còn trân trọng xướng tên bà lên nhận giấy khen cho oai. Được tâng bốc quen rồi đến khi không có ai tâng bốc lại khó ở.

Minh họa Lê Tâm.

Lại nhớ một cuộc thi văn nghệ thể thao cấp "ao làng". Ban tổ chức họp rồi định danh cho giải thưởng. Ngoài nhất nhì ba khuyến khích ra thì có ý kiến nên tạo  ra các giải đại trà cho các đội hạng bét với các danh hiệu như vận động viên triển vọng, giọng ca tương lai, đội có tinh thần đồng đội cao… 

Những danh hiệu ảo này vuốt ve những đội bị loại từ "vòng gửi xe" trở thành những đội có thành tích cũng mỹ miều. Cứ thế bằng khen không còn chỗ treo. Cơ quan phải xếp lên nóc tủ rồi cho vào kho. Thỉnh thoảng có việc dọn kho lại đem ra phơi nắng cho đỡ bị mốc.

Nhưng một thành viên trong ban tổ chức kiên quyết phản đối. Ông cho rằng nếu danh hiệu chia đều thì không còn là cuộc thi nữa. Giải là phải có thắng có thua. Cuộc thi "ao làng" vẫn đủ giá trị đáng trân trọng không kém gì "Olympic" quốc tế khi có huy chương vàng, bạc, đồng và những đội phải về trắng tay. Ban tổ chức đã nhất trí với thành viên này. Đó là thắng lợi đầu tiên của giải.

Một bằng hữu có cô con gái du học luôn xuất sắc trong 3 năm trung học phổ thông tại Đức. Cháu tốt nghiệp thủ khoa và thi đỗ trường đại học danh tiếng top đầu quốc gia này. Sau buổi tổng kết của nhà trường, cô thủ khoa đi vào căng tin. 

Toàn bộ học sinh đủ mọi quốc tịch trong căng tin đứng xếp hàng hai bên vỗ tay hô vang tên cô. Sau đó là những lời chúc mừng. Cách tôn vinh này không hề có tấm giấy khen nào mà đem lại sự xúc động không hề nhỏ tới một cô gái Việt Nam.

Một vài bạn đồng môn người Đức và Trung Quốc đã "đặt gạch" muốn xin lại các cuốn vở ghi chép trong 3 năm của cô để học tập. Đấy là sự ngợi khen tôn vinh thật tự nhiên, không một tờ giấy khen chữ ký đóng dấu và những thủ tục nghiêm trang trên sân khấu có thể sánh bằng.

Lê Tâm
.
.
.