Săn chuột "quý tộc" giữa đại ngàn

Thứ Năm, 06/02/2020, 11:16
Một trong những kẻ "đánh cắp" sâm Ngọc Linh là chuột rừng mà người dân Xê Đăng quen gọi là chuột "quý tộc"...


Sâm Ngọc Linh được biết đến chính thức ở Việt Nam vào năm 1973. Trong gần 50 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay. Bởi giá trị cao nên sâm Ngọc Linh luôn thường trực mối lo bị xâm hại. Một trong những kẻ "đánh cắp" sâm là chuột rừng mà người dân quen gọi là chuột "quý tộc"...

Chuột khoái khẩu sâm quý

Đồng bào Xê Đăng sống dưới dãy núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum từ lâu đã xem sâm Ngọc Linh là báu vật của đại ngàn nhờ công dụng thần kì của loại sâm này đối với sức khỏe. 

Đến năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chính thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh tại tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Kể từ đó, sâm Ngọc Linh được chính danh trở thành thương hiệu quốc gia và được nhiều người trong và ngoài nước biết đến.

Để bảo tồn và nhân rộng nguồn gen quý hiếm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bắt tay cùng người dân trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên của dãy núi Ngọc Linh. Tháng 9-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm vùng trồng sâm Ngọc Linh có diện tích gần 500 ha tại 2 xã Măng Ri và Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông. 

Tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh: Sâm Ngọc Linh là Quốc bảo của Việt Nam và đi liền với đó là quốc kế, dân sinh trong giải quyết đời sống; nâng cao mức sống, giá trị chữa bệnh, thu ngân sách, giải quyết việc làm tại địa phương.

Đồng bào Xê Đăng tuần tra, đặt bẫy chuột trong vườn sâm.

Quý giá là thế nên người dân nơi đây luôn thường trực nỗi lo sâm quý bị đánh cắp. Việc ngăn chặn con người có phần dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều so với việc phải đối mặt với "tên trộm" nhỏ nhưng hết sức tinh ranh - "chuột quý tộc". Theo đồng bào Xê Đăng nơi đây, sở dĩ có tên gọi mỹ miều như vậy vì giống sâm quý này có tiền chưa chắc mua được, người có sâm tiếc chưa dám ăn nhưng loài chuột lại ngày đêm rình rập để ăn sâm.

Anh A Chung (SN 1980, làng Đak Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết, chuột ăn sâm có 3 loại. Loại nhỏ nhất bằng ngón tay cái có mũi nhọn, chuyên đào sâu xuống đất để ăn mầm sâm; loại chuột xám và chuột lông đỏ to hơn thì chuyên ăn hạt sâm. Do chuyên “ăn trộm” sâm nên chuột ở đây có lông óng mượt, tinh ranh, nhanh nhẹn hơn nhiều so với đồng loại ở nơi khác.

Cũng theo anh Chung, tất cả sâm Ngọc Linh đều được trồng trong rừng sâu và canh gác nghiêm ngặt. Để chống kẻ gian xâm nhập, các chủ vườn đã giăng vô vàn bẫy chông, thép gai... bảo vệ. Tuy nhiên, để bắt được loại chuột "quý tộc" cần có những phương pháp riêng cùng kinh nghiệm, tài năng của các thợ săn cự phách.

Bẫy chuột cả trên cây, dưới đất.

Dẫn đầu nhóm săn chuột qua những con đường mòn chênh vênh đá núi để vào vườn sâm, anh A Chung kể, năm 2014, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum thuê người dân trong xã chăm sóc, bảo vệ sâm trong vùng trồng của công ty. Ngoài trả lương, công ty còn cấp mỗi người 100 gốc sâm để trồng, phát triển kinh tế gia đình. Số sâm này được bà con trồng chung trong một góc rừng bí mật và cắt cử người trông coi cẩn thận.

Khoảng tháng 9 hằng năm, khi đã hấp thu đầy đủ dưỡng khí của đất trời, sâm Ngọc Linh bắt đầu trổ bông, sau đó kết hạt. Đây cũng là thời điểm chuột kéo về ăn sâm, phá hoại mạnh nhất. A Chung ước tính, với giá thị trường khoảng 250 nghìn đồng/hạt sâm như hiện nay thì chuột chỉ ăn hạt trên một cây sâm là đã mất vài triệu đồng. Do đó, người dân phải bố trí người túc trực 24/24h, ngăn không cho chuột tới ăn sâm.

Cùng đi với đoàn chúng tôi còn có anh A Non (SN 1996, làng Đak Dơn, xã Măng Ri) là một thợ săn chuột cự phách. A Non cho biết thêm, trước đây, khi thấy những cây sâm bỗng dưng héo úa và chết, những cây ra hạt đã đỏ mọng bỗng trơ trụi sau 1 đêm mà không biết lý do nên dân làng rất hoang mang. Qua theo dõi, người dân phát hiện thủ phạm chính là chuột rừng nên tìm cách đặt bẫy, săn chuột.

Một chú chuột "quý tộc" bị sập bẫy.

Người dân cẩn thận tìm hiểu đặc tính từng loại chuột, tìm đường chuột đi để chọn vị trí đặt bẫy, đánh bắt thích hợp. Chuột ăn sâm thường kiếm ăn từ sẩm tối đến khoảng 22h nên việc đặt bẫy, thăm bẫy đòi hỏi thợ săn phải có nhiều kinh nghiệm, khéo léo. 

Các loại bẫy thường dùng để bẫy chuột như bẫy ống để bắt chuột nhỏ chuyên ăn mầm sâm; loại chuột xám và chuột lông đỏ chuyên trèo lên ngọn để ăn hạt sâm thì dùng bẫy kẹp, keo dính chuột. Đặc biệt, loại chuột xám, chuột lông đỏ nhiều con rất tinh khôn, biết né bẫy nên phải nghĩ cách cải tiến bẫy hoặc dùng túi nhựa để bảo vệ hạt. Ngoài đặt bẫy, đồng bào nơi đây còn săn chuột bằng nỏ, dùng gậy đánh khi phát hiện chuột ăn sâm.

Đang say sưa kể về cách bắt chuột, đột nhiên A Non dừng lại trước 1 cây sâm mà chuột chỉ vừa kịp đào đất nhưng thấy người nên bỏ chạy. Nhanh như cắt, A Non dùng tay cào hở nửa củ sâm. Sau đó, tiếp tục đào một hố phía trước củ sâm 1 gang tay, phần miệng rộng khoảng 20cm, sâu 40cm, phía trên phủ lớp lá mỏng. A Non giải thích, chuột sẽ theo đường cũ tìm đến ăn sâm và rớt xuống hố sâu này. Đây là cách bẫy truyền thống mà người dân vẫn hay dùng. 

Cứ như thế, chỉ chưa đầy 2h, gần 30 chiếc bẫy khác nhau đã được A Non giăng kín các lối vào vườn sâm. Đồng thời, khi thăm các bẫy cũ, A Non thu hoạch được 10 chú chuột rừng lớn nhỏ. "Có ngày cao điểm mình bắt được 30 con. Chuột này sẽ được chế biến thành các món ăn đặc trưng, chỉ có ở dãy núi Ngọc Linh", A Non nói.

Món ngon đãi khách quý.

Món ngon đãi khách quý

Sau khi bẫy được chuột, A Non mang về làm sạch rồi treo lên hong khô trên gác bếp nhà sàn. Ở đây, nhà nào cũng có vài chục con chuột gác bếp trên nhà sàn của gia đình. Số chuột này sẽ được dùng làm món ăn trong các sự kiện trọng đại như cúng mừng lúa mới, cúng máng nước… và chỉ đãi khách quý đến nhà. 

Người Xê Đăng cũng quan niệm, thịt chuột "quý tộc" ăn vào ngày xuân sẽ đem lại sự may mắn, sung túc, mùa màng bội thu trong cả năm. Gia đình nào không có thịt chuột vào ngày đầu năm mới thì người đàn ông sẽ bị đánh giá là lười biếng, dân làng chê cười.

Cách chế biến chuột "quý tộc" làm thức ăn khá đơn giản, mang đậm hương vị núi rừng. Khi đưa ra khỏi gác bếp, chuột được luộc sơ qua nước sôi để sạch lớp bụi bên ngoài. Sau đó, tùy vào mục đích sử dụng mà có nhiều cách chế biến khác nhau. 

Nếu muốn nấu canh thì chặt nhỏ, nấu với măng rừng muối chua hoặc dùng ăn với cơm thì xào thịt chuột cùng ruột cây chuối rừng. Cũng có khi thịt chuột được chặt nhỏ rồi xào với sả ớt, tiêu rừng hay đơn giản là nướng trên bếp lửa rực than hồng của nhà sàn để làm mồi nhấm rượu trong những ngày mưa rừng lạnh giá.

"Chuột này chuyên ăn sâm nên con nào cũng béo trùng trục, thịt lại rất bổ dưỡng, thơm ngon. Đồng bào Xê Đăng xem đây là tặng phẩm của trời đất nên rất quý trọng, không bao giờ bán. Chỉ khi có sự kiện trọng đại hay khách quý đến nhà mới được gia chủ đem ra chiêu đãi, thưởng thức", A Non cười nói. 

Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết:

Huyện có 7/11 xã được quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu quý. Riêng xã Măng Ri có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất với hơn 90%. Địa phương xác định đây là mũi nhọn phát triển kinh tế nên luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho người dân phát triển sâm.


An Khang
.
.
.