Hàn Quốc:

Phụ nữ đơn thân có con bị xã hội phân biệt đối xử

Thứ Tư, 06/01/2016, 10:00
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là 1,2 trẻ em cho mỗi phụ nữ, vào loại thấp nhất trong các nước giàu thuộc nhóm Tổ chức phát triển và Hợp tác quốc tế (OECD). Do những áp lực về công việc, lối sống, bị phân biệt đối xử nên phụ nữ ở nền kinh tế thứ 10 thế giới ngại sinh. Nhiều bà mẹ ở nước này sinh con đầu lòng khi đã lớn tuổi. Báo chí Hàn Quốc cuối tháng 12-2015 cho biết.


Tuổi sinh con cao nhất thế giới

Theo thống kê, độ tuổi trung bình của phụ nữ nước này khi trở thành mẹ lần đầu tiên là 30,7, cao nhất thế giới. Sẽ rất khó để thay đổi thái độ của mọi người ở nơi mà việc cặp đôi chung sống trước kết hôn rất hiếm hoi và chỉ 1,9% trẻ em sinh ra ngoài giá thú. Trong khi đó ở Thụy Điển, tỷ lệ các bà mẹ sinh con không kết hôn là 54,4% vào năm 2013 và tỷ lệ sinh là 1,89%.

Tại Mỹ, tỷ lệ bà mẹ đơn thân lên tới 40%. Dân số trong độ tuổi lao động sẽ bắt đầu suy giảm mạnh vào năm 2017. Trước tình trạng đó, các bà mẹ đơn thân hay các cặp đôi có con không hôn thú sẽ được luật pháp Hàn Quốc bảo vệ, nhằm nâng cao tỷ lệ sinh vốn ở mức quá thấp hiện nay.

Một bà mẹ Hàn Quốc đơn thân.

Để khắc phục tình trạng thiếu trẻ em và dân số già, giống như đang xảy ra ở Nhật Bản, các nhà chức trách Hàn Quốc đang đấu tranh để nhổ tận gốc những định kiến lỗi thời về việc làm cha mẹ đơn thân hay những cặp đôi chung sống mà không kết hôn, từ đó nâng cao tỷ lệ sinh.

Kinh tế suy thoái đã đẩy một bộ phận thanh niên vào tình trạng thất nghiệp, khiến nhiều người trẻ tuổi phải trì hoãn việc kết hôn và sinh con.Mặt khác, việc thiếu dịch vụ chăm sóc y tế và chi phí nuôi dạy, giáo dục trẻ em cũng tăng cao khiến mọi người e ngại việc có con.

 "Cuộc sống của các bà mẹ đơn thân rất khó khăn khi họ không thể tìm được công việc do sự bất bình đẳng giới trong môi trường công sở. Họ bị nhìn nhận là không đứng đắn, phá vỡ những chuẩn mực đạo đức xã hội. Những ông bố đơn thân bị kì thị nhiều hơn do sống trong nền văn hóa gia trưởng", Park Yeong-mi của Mạng lưới Hỗ trợ các bà mẹ đơn thân Hàn Quốc cho biết.

Những người tìm việc làm ở Hàn Quốc thường được hỏi về tình trạng hôn nhân, bố mẹ đơn thân thường gặp bất lợi và con của họ thường bị trêu chọc, ngay cả khi trưởng thành. Bố mẹ đơn thân sống một mình với con cái phải trả thuế cao hơn những cặp đôi kết hôn và sinh con có cùng mức thu nhập.

Ủy ban do Tổng thống Park Geun-hye lãnh đạo đã công bố kế hoạch chi tiết để giải quyết cuộc khủng hoảng dân số và cho biết, cần chấp nhận các hình mẫu gia đình khác nhau, bao gồm cả người trở thành bố mẹ ở tuổi vị thành niên. Quan chức Bộ Tài chính cho biết: "Muốn thực hiện việc này cần thuyết phục để có sự đồng thuận và nếu có kết quả không như mong muốn, chúng tôi sẽ tiến hành chậm lại. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến phản hồi từ người dân".

Những cửa ải trần ai

Trong suốt những năm đ ại học, Chang Ji-young từng muốn trở thành người mẹ đơn thân để phản đối những phán xét thiếu công bằng của xã hội đối với những phụ nữ thiệt thòi này. Tuy nhiên, thời gian trôi đi, khi cựu tư vấn kinh doanh này bước sang tuổi 34 và mang thai với người bạn trai trẻ tuổi, cô bắt đầu nghĩ đến việc kết hôn, nhưng chàng thanh niên kiên quyết cự tuyệt. Cha mẹ và anh cô thuyết phục phá thai hoặc cho bé làm con nuôi, nhưng cô phản đối và gia đình nhanh chóng quay lưng lại với hai mẹ con cô.

Với kinh nghiệm 10 năm làm việc ở nước ngoài và vốn ngoại ngữ khá tốt, cô tự tin bước vào cuộc sống của một bà mẹ độc thân. Tuy nhiên, cô chia sẻ: "Đối mặt với thực tế là một điều hoàn toàn khác. Tôi cảm thấy nản lòng khi mọi chuyện không như mình mong muốn. Trong bất cứ một cuộc phỏng vấn tìm việc nào, họ đều hỏi tại sao tôi nuôi con một mình và ai là cha đứa bé. Sau đó hồ sơ của tôi bị loại".

Đối với những phụ nữ ly dị, họ được gia đình họ hàng hỗ trợ trong việc chăm sóc trẻ, khác với những bà mẹ không chồng mà có con. Lo ngại những khó khăn về tài chính và xã hội như trên, 96% thai phụ Hàn Quốc chưa kết hôn đã phá thai. Những người quyết định sinh con, 70% cho con làm con nuôi.

Theo số liệu thống kê mới đây, 1.250 trẻ em trong số 2.556 trẻ sơ sinh (của phụ nữ Hàn Quốc chưa kết hôn) năm 2012 được người nước ngoài nhận nuôi. Theo Bộ Y tế, hàng năm khoảng 6.000 - 10.000 trẻ em được sinh ngoài giá thú, chiếm 1,6% của tổng số trẻ em được sinh ra.

Nguyễn Minh (tổng hợp)
.
.
.