Những người tay không mở đường

Thứ Sáu, 17/05/2019, 10:55
Thấy người dân quê mình phải đi bộ đoạn đường dài 4km mới có thể đến được khu mua sắm gần nhất, một người đàn ông đã quyết định mở đường để thu ngắn khoảng cách ấy lại.


Ông Nicholas Muchami, 45 tuổi, hiện đang sống tại làng Kaganda, cách thủ đô Nairobi của Kenya 80km về phía bắc đã được người dân vinh danh là “người hùng” khi tự mình đào một con đường đất xuyên qua rừng, nhằm rút ngắn khoảng cách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong làng đi đến trung tâm mua sắm cũng như tiết kiệm thời gian và sức lực khi phải đi đường vòng. 

Điều đặc biệt hơn cả là ông Muchami chẳng có máy xúc, máy ủi... để làm giúp mình làm những việc này, ông hoàn toàn sử dụng sức lao động của mình với những nông cụ hết sức đơn giản, thô sơ như cuốc, rìu và xẻng để làm việc ấy.

Ông Nicholas chia sẻ với Đài BBC: “Tôi tràn đầy tinh thần hăng hái, tôi tự nguyện làm điều này”.

Được biết ông Nicholas là người kiếm sống bằng những công việc lặt vặt và đi làm bảo vệ vào ban đêm, nhưng ông đã dành toàn bộ thời gian đi làm kiếm tiền của mình để đào đường giúp dân làng. Cụ thể ông làm việc từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới nghỉ. Trong vòng 6 ngày qua, ông đã phát, mở được đoạn đường dài 1,5km và bề ngang đủ rộng để một chiếc xe hơi đi qua, tuy nhiên vẫn còn 0,5km nữa mới hoàn thành con đường dài 2 km theo như ông dự tính trước. 

Hiện ông Muchami đã tạm ngừng việc làm đường để quay trở về công việc thường nhật của mình, nhưng ông lên kế hoạch sẽ dọn sạch đoạn đường còn lại và san phẳng toàn bộ con đường. Mặc dù vậy người dân địa phương trong đó có cả học sinh ở các trường học gần đó đã bắt đầu sử dụng đoạn đường mà ông mới đào xong. Điều này khiến ông cảm thấy rất vui. Cho dù chưa hoàn thiện nhưng đoạn đường mới đã được các em học sinh và dân làng sử dụng.

"Chúng tôi nợ ông ấy rất nhiều", Josephine Wairimu (68 tuổi) nói về Muchami. "Chắc chắn tôi sẽ hô hào người dân địa phương cung cấp thức ăn cho ông ấy khi ông ấy làm đoạn đường còn lại. Tôi cũng rất vui vì nhờ có con đường này, tôi sẽ đi lễ nhà thờ trở lại. Vì sức khỏe yếu, lúc trước điều kiện đường xá không được tốt nên đã 2 năm nay tôi không đến được nhà thờ”.

Ông Muchami cho hay: “Con đường này bây giờ khiến mọi người rất phấn khởi nên tôi cũng rất mừng. Công việc của tôi đã giúp được tất cả mọi người. Chắc chắn tôi sẽ hoàn thành đoạn đường còn lại”.

Điều đáng buồn là dù chứng kiến ông Muchami một mình đào đường trong vòng 6 ngày nhưng không người dân nào tại Kaganda giúp ông một tay vì họ không muốn làm việc miễn phí. Nhiều người qua đường thậm chí còn hỏi rằng liệu ai đó đã trả tiền cho ông làm việc này khiến ông không biết phải trả lời thế nào.

Ông Muchami cho biết lúc trước cũng có một con đường mòn ngắn hơn được dân làng Kaganda sử dụng để đi tới trung tâm mua sắm, nhưng con đường đó đã bị rào lại vì đi qua một khu đất riêng. Còn nhà chức trách cũng đã tới khu vực rậm rạp đo đạc để làm một con đường, song chờ hoài vẫn chưa thấy bắt đầu dự án. Người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài đi bộ 4km mỗi ngày.

Ông Melethuveettil Sasi và con đường của mình

Câu chuyện của ông Nicholas Muchami đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội vào tuần trước. Nhiều người đã ca ngợi ông như một anh hùng và lên án giới chức địa phương vì đã không hoàn thành nhiệm vụ của họ.

Trước đó vào năm 2017, một người đàn ông Ấn Độ bị liệt nửa người, sau đó hồi phục, đi lại khó khăn... cũng khiến mọi người kinh ngạc bởi nghị lực phi thường của mình. Sau 3 năm, người đàn ông này đã hoàn thành việc mở một con đường trước cửa nhà bằng việc chỉ sử dụng công cụ rất đơn giản như xẻng và cuốc chim mà thôi. Đó là ông Melethuveettil Sasi, khi ấy đã 62 tuổi.

Cụ thể mỗi ngày ông Sasi làm việc 6 tiếng đồng hồ. Do nhiệt độ ở Ấn Độ cao, nắng nóng nhiều nên ông Sasi thường bắt đầu công việc mở đường lúc 5 giờ sáng đến 8 giờ rưỡi ngừng lại khi thời tiết bắt đầu nóng. Buổi chiều ông bắt đầu lúc 3 giờ 30 cho đến tối.

Không thể làm việc thần tốc như ông Nicholas Muchami ở Kenya, đoạn đường ông Sasi đào được cũng ngắn hơn rất nhiều, chỉ là 200m nhưng thời gian kéo dài đến 3 năm vì tay chân bên phải bị liệt của ông không lao động được, do đó rất khó để giữ thăng bằng cơ thể, ông từng nhiều lần bị thương, nhưng cuối cùng ông đã khắc phục mọi khó khăn và điều khiển được cơ thể của mình.

Không chỉ có ông Nicholas Muchami, Melethuveettil Sasi tay không mở đường, mà còn có một người dành hơn 20 năm để mở một con đường qua đồi. Ông là Dasrath Manjhi.

Với một chiếc đục, búa và xẻng, người đàn ông huyền thoại Dasrath Manjhi biến một lối đi rộng 30cm thành con đường dài 100m, rộng 9m và có thể đi bằng xe đạp, xe máy. Ngọn đồi từng khiến làng Gahlour bị cô lập, trẻ em phải đi bộ 8km đến trường. Sau khi con đường hoàn thành, khoảng cách đó giảm xuống còn 3km và người dân ở khoảng 60 ngôi làng đều đi qua mỗi ngày.

Dân làng cho rằng công lao của Dasrath Manjhi đáng để xây cho ông một tượng đài. Tuy nhiên, ông Dasrath Manjhi cho biết ông làm công việc nói trên không phải vì muốn được ghi ơn mà bắt nguồn từ tình yêu dành cho người vợ. “Khi tôi làm việc ở một trang trại, vợ tôi là Faguni Devi đi lấy nước và bị thương nặng do leo qua ngọn đồi. Đó là lúc tôi quyết định đào một con đường qua đồi”. 

Nhưng mục đích làm đường của ông cũng dần thay đổi. Ông nói: “Tình yêu dành cho vợ là động lực đầu tiên, song điều khiến tôi tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ nhiều năm liền là mong muốn nhìn thấy hàng ngàn người dân dễ dàng đi qua ngọn đồi”.

Câu chuyện của ông Dasrath Manjhi sau này được dựng thành một bộ phim có tựa đề mang tên ông: “Manjhi” vào năm 2010.

Như Sơn
.
.
.