Đánh đố!
"Phủ định siêu hình là sự phủ định được diễn ra do sự can thiệp, sự tác động từ bên ngoài, cản trở hoặc xóa bỏ tồn tại và phát triển tự nhiên của sự vật" và "Phủ định biện chứng là sự phủ định được diễn ra do sự phát triển bản thân sự vật và hiện tượng, có kế thừa những yếu tố tích cực của sự vật và hiện tượng cũ để phát triển sự vật và hiện tượng mới".
Đây là trích đoạn trong một status (trạng thái) trên facebook có nickname Kim Cương, được biết là của PGS Văn Như Cương. Nhà giáo khả kính và đầy tâm huyết với sự nghiệp giáo dục này viết tiếp: "Những định nghĩa trên là tôi chép nguyên văn trong Sách giáo khoa của môn Giáo dục công dân lớp 10 (cuối trang 34 và đầu trang 35).
Nếu tôi phải làm bài kiểm tra cái bài học đó và muốn có điểm cao thì ắt phải học thuộc lòng chứ không có cách gì khác. Tôi chép lại và phải dò từng chữ xem có gì sai không vì thú thật là tôi chẳng hiểu gì cả. Không biết trẻ con 14 - 15 tuổi (lớp 10) học cái đó để làm gì...".
Những ai từng gặp gỡ, trò chuyện với PGS Văn Như Cương đều không lạ việc, ông liên tục bày tỏ thái độ không đồng tình với chương trình sách giáo khoa bộ môn Giáo dục công dân trong các cấp học phổ thông. Như ông nói, có bổ óc ra cũng không giúp những đứa trẻ ở cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới rạch ròi được các khái niệm "phủ định siêu hình", "phủ định biện chứng", điều mà ngay cả sinh viên ở các bậc học cao hơn nữa cũng thấy ngán ngẩm và vô vị. Tội nghiệp thay lũ học trò, con em chúng ta đang ngày lại ngày phải làu làu trôi chảy (nếu không muốn xơi điểm thấp) các con chữ cực kỳ "siêu hình", trừu tượng đó. Tội nghiệp hơn nữa, những con chữ ấy lại tồn tại như một bài học Giáo dục công dân, hay nôm na là môn Đạo đức, môn học dạy làm người.
Còn nhớ hồi lớp một từ thuở xa xưa, sách giáo khoa đạo đức có những bài học thật dễ thương, để đến tận giờ, qua mấy chục năm còn như in nhớ: "Nhặt được của rơi, trả người đánh mất". Sau bao nhiêu lần trở thành "con chuột bạch thí nghiệm" của cải cách giáo dục, học trò bây giờ chỉ còn biết ê a như vẹt: "trung thực là", "thật thà là"... mỗi khi đến tiết truy bài môn Giáo dục công dân. Cách dạy máy móc mô phạm và đầy giáo điều, thuần những lý thuyết đao to búa lớn khiến PGS Văn Như Cương đã hơn một lần phải cảm thán: "Đến đạo đức mà cũng nhăm nhăm rao giảng".
Nỗi khổ của học trò không chỉ là lượng kiến thức quá nặng, quá ôm đồm, mà còn bao gồm trong đó những lý thuyết rỗng tuếch, thiếu thực tiễn, quá xa lạ với lứa tuổi "như búp trên cành", lẽ ra chỉ cần "biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan" như lời dạy của Bác Hồ. Vậy nên người lớn, muốn thấu hiểu hơn nỗi niềm của con cháu mình, hãy thử một lần học thuộc khái niệm trích dẫn ở trên, rồi phân tích, và mạnh dạn tự chấm điểm xem đạo đức của mình được xếp loại ra sao?