Chuyện tình cổ tích trên dòng sông chảy ngược

Thứ Sáu, 13/03/2015, 11:00
Trong dòng chảy ồn ào, xối xả của bảy nhánh thác trên sông Sêrêpôk, mỗi ngày, người ta vẫn nghe được chất giọng trầm bổng của các làn điệu dân ca hùng tráng vọng ra từ ngôi nhà dài sử thi. Khi men rượu cần ngọt lịm đầu môi, khi cái tình đã đậm, khi cuộc sống xô bồ của đời thường chợt lắng lại, tôi được vợ chồng nghệ nhân Y Gông B'Ddap và H'Uynh Byă "thết đãi" bằng hồi ức về chuyện tình du ca bất diệt ngay trên dòng sông chảy ngược.

Tình đẹp bên hiên nhà sàn

Xuôi theo sông Sêrêpôk, dòng chảy len lỏi qua những ghềnh đá của vườn quốc gia Yok Đôn (xã Ea Huar - Buôn Đôn - Đắk Lắk), hiện ra vẻ đẹp mê muội của thiên nhiên và con người. Ở nơi sóng xô vào đá tạo nên những dòng thác ngày đêm gầm rú không mỏi này còn có một tình yêu bất tận mà hết đời người vẫn đẹp. Đó là chuyện tình du ca đã trở thành viên ngọc giữa núi rừng của đôi vợ chồng nghệ nhân đang nắm giữ những bí mật vô tận về văn hóa Tây Nguyên.

Sinh ra và lớn lên tại buôn Kiết (Ea Bhốk - Cư Kiun - Đắk Lắk), không phải con nhà nòi nghệ thuật nhưng ngay từ thời niên thiếu, bà H'Uynh Byă đã nổi tiếng với những làn điệu dân ca của tộc người mình. Cùng với tài diễn xuất tuyệt vời, cô gái Byă nhanh chóng được nhiều người biết đến và ngưỡng mộ. Byă sớm mồ côi cha mẹ, sự thiếu thốn tình thương trong cô được bù đắp bằng niềm tin và tình yêu thương của bà con dân bản. 16 tuổi, Byă phổng phao, thoát xác thành một thiếu nữ xinh tươi nhất buôn làng.

Cô được nhiều chàng trai trong và ngoài buôn để ý. Chiều buông, khi con bò từ đồng về nhà, khi bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà sàn cũng là lúc trai bản tìm đến nhà Byă tán tỉnh. Byă kể: "Mỗi tối có đến gần chục chàng trai tập trung ở dưới nhà và ngoài sân. Mỗi người mang theo một cây sáo làm bằng trúc, mỗi cây một kiểu thổi, một ca khúc hoặc một làn điệu. Đó là những kiểu tỏ tình nhằm chinh phục cô gái".

Nghệ nhân Y Gông biểu diễn đàn Chapi.

Thế nhưng, Byă không hề có tình cảm với chàng trai nào. Đám trai cứ thổi, họ cứ chờ đợi cho đến khi mặt trăng thay bằng mặt trời, sương giăng ướt đẫm cả bờ vai nhưng Byă không hề động lòng. Ngày lại ngày, cô thiếu nữ vẫn miệt mài bên hiên nhà sàn thêu dệt thổ cẩm, khi có lời mời biểu diễn ở đâu cô lại tay nải lên đường. Vì tình yêu với nghệ thuật, Byă không bao giờ từ chối.

Cạnh nhà Byă là nhà của Y Gông B'Ddap. Y Gông hơn Byă hai tuổi, là chàng trai cường tráng, vạm vỡ, có sức khỏe phi thường. Ngoài giờ lên rẫy trồng tỉa, Y Gông lại mang sáo, đàn ra hiên nhà thổi. Tiếng sáo lớn dần lên mang theo niềm khao khát và nỗi buồn chinh phục. Đã từ lâu, Y Gông đem lòng thương Byă mà không dám thổ lộ.

Anh thương cô bé mồ côi nhà bên cạnh và buồn trong mỗi đêm trăng khi thấy trai bản kéo đến chật khoảng sân vườn nhà Byă. Một buổi chiều mùa thu chớm nở, Y Gông mạnh dạn đem sáo qua sân nhà Byă thổi điệu "Anh yêu em, em có yêu anh không". Byă buồn buồn khi nghe tiếng sáo, chính nỗi buồn ấy là tín hiệu của mối tình cổ tích vượt ra ngoài hủ tục buôn làng.

Nếu thương Y Gông thì nghe tiếng sáo tỏ tình phải vui chứ sao Byă lại buồn? Bà tủm tỉm mà rằng: "Nỗi buồn ở đây là tình cảm của người con gái dành cho chàng trai, buồn còn vì sự xúc động khi người mình yêu thật sự đã tìm đến mình". Cảm xúc trai gái yêu nhau thời Y Gông - Byă không giống với bây giờ. Khi một đôi nào đó có tình ý với nhau, họ thể hiện qua làn điệu dân ca đặc trưng của đồng bào mình. Tiếng đàn, tiếng sáo nào làm người ta buồn, người ta ngẩn ngơ có nghĩa là tình yêu được chinh phục. Ròng rã ba đêm liền, họ thuộc về nhau.

Mỗi ngày, nghệ nhân Y Gông tặng vợ một khúc tình ca.

Thời của Byă và Y Gông yêu nhau chủ yếu do tiếng đàn, tiếng hát. Trai muốn bắt vợ phải xem người con gái đó có đàn giỏi, hát hay không và ngược lại, gái muốn kéo chồng phải biết được anh ta có năng khiếu nghệ thuật gì. Y Gông tâm sự rằng, ông yêu Byă không phải vì bà ấy hát hay, mà vì ông thương Byă sống thiếu tình thương của bậc sinh thành.

Theo phong tục của người Ê Đê thì con gái sau khi cưới phải bắt chồng, người con trai phải về sống bên nhà gái theo tục mẫu hệ. Ngày đó, vượt qua mọi rào cản về phong tục, Y Gông quyết định đưa Byă về nhà mình sống và giành quyền chăm sóc vợ. Hơn ai hết, ông hiểu được sự cô đơn, bất hạnh trong cuộc sống thiếu tình cha, nghĩa mẹ của vợ mình. Tình yêu Y Gông đã phá vỡ hủ tục khắt khe từ bao đời nay của dân tộc mình.

Sự bứt phá của họ bị cả cộng đồng gièm pha, phản đối khiến họ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống hòa nhập bản làng. Họ phải rời quê hương, phiêu bạt khắp nơi cống hiến cho nghệ thuật và cũng lấy đó làm kế sinh nhai. Đi đến đâu, họ cũng được người dân đón nhận, thương yêu như người thân trong nhà.

Bài ca Tây Nguyên em yêu trọn đời…

Cả một Tây Nguyên đại ngàn giờ chỉ còn duy nhất đôi vợ chồng nghệ nhân già biết sử dụng và nắm giữ các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống. Họ được coi như báu vật sống của núi rừng, mang hơi thở, tình yêu và sự hồi sinh trong những dịp lễ hội của dân tộc. 4 tuổi, Y Gông đã được bố dạy thổi Đinh Puốc, điệu kèn buồn của những người tha hương nói lên nỗi niềm xa xứ.

Dù đi đâu, dù ở đâu thì người Ê Đê vẫn nhớ về nguồn gốc xa xưa của tổ tiên mình. Y Gông có thể tự tay chế tác ống lồ ô, vỏ bầu khô, đoạn tre nứa, khúc cây…, những thứ vô tri vô giác qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân trở thành các nhạc cụ truyền thống mà bao đời nay người Ê Đê vẫn sử dụng trong các lễ hội.

Ở tuổi 20, ông Y Gông đã sử dụng thông thạo 11 loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Ê Đê. Không những sử dụng, ông còn chế tác ra nhiều dị bản cùng sự phá cách độc đáo các nhạc cụ dân tộc để chúng có những âm thanh, tiết tấu sinh động, hấp dẫn. Trong một lần đi tìm kiếm các nhạc cụ dân tộc, chị Lê Thị Thanh Hà - Giám đốc khu du lịch Thanh Hà đã vô tình biết được chuyện tình lãng mạn của đôi vợ chồng nghệ nhân Y Gông và Byă bên hiên nhà, chị liền mời ông bà về làm việc tại khu du lịch Bản Đôn, cạnh dòng Sêrêpôk huyền thoại - Con sông kỳ lạ nhất của Việt Nam, nó như con ngựa bất kham, chảy ngược từ Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc rồi đổ vào Campuchia chứ không đổ ra biển. Tạo hóa thật khéo dàn dựng nên một dòng sông phá cách quy luật, riêng vẻ đẹp thì quá mỹ miều và hoang dại. Sống trong lòng của thiên nhiên kì bí, con người cũng trở nên đẹp đến trong ngần.

Cầu treo bắc trên sông Sêrêpôk, nơi chứng kiến chuyện tình đẹp của Y Gông, Byă.

Trong căn nhà dài truyền thống và cổ kính của người Ê Đê ở Bản Đôn, đã 10 năm nay, người ta vẫn thường được nghe những điệu nhạc song tấu âm vang, trầm bổng bay vút trong không trung, len vào dòng thác. Điều đặc biệt, Y Gông và Byă là cặp vợ chồng duy nhất ở Tây Nguyên cùng được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian và cùng nắm giữ những bí quyết về các loại nhạc cụ tự chế. Đêm đêm, bên bếp lửa trong nhà dài, bà H'Uynh Byă say sưa điệu Ay Ray, Hơh Cư Jú; ông Y Gông đắm đuối trong tiếng đàn Đinh năm, Goong Kram.

Y Gông cho biết, ông lấy Byă năm 20 tuổi. Tính đến nay đã hơn nửa thế kỉ, họ có với nhau 4 mặt con mà chưa một lần cãi nhau to tiếng. Còn Byă mỉm cười hạnh phúc: "Chúng tôi sống hợp nhau như chân với tay, hễ đi đâu, làm gì đều có mặt của hai người. Già rồi nhưng xa nhau dù chỉ một ngày cũng nhớ không chịu được".

Các con của họ không một ai theo nghiệp của cha mẹ, bởi vốn dĩ cái nghề của Y Gông và Byă không được đào tạo qua trường lớp nào, họ có được do quá trình tìm tòi, học hỏi, và phải có một niềm đam mê cháy bỏng vào thứ ngôn ngữ không lời này mới có thể gìn giữ và duy trì được. Y Gông năm nay đã 85 tuổi, đôi mắt ông vẫn còn sáng rực mỗi khi diễn tấu một bản tình ca nào đó. Còn mắt Byă thì long lanh trong trang phục thổ cẩm truyền thống, thong thả đệm cho tiếng nhạc của chồng cao vút và bay xa.

Nhà dài truyền thống, nơi có "báu vật" sống của văn hóa Tây Nguyên.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, song hai con người, hai linh hồn sống của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ vẫn lao động không mệt mỏi. Họ không cho phép mình nghỉ, vì lẽ, sẽ chẳng có ai giữa đại ngàn này thay thế được vị trí của họ. Byă buồn rầu tâm sự: "Các con cháu mình bây giờ không đứa nào học được cái nghề này, mình còn sống thì nó sống, khi mình về với đất rồi cũng phải mang nó theo thôi".

Tình yêu của những người già không mãnh liệt, cuồng quay, mà thong thả, bình thản, nhưng "lửa" thì chẳng bao giờ tắt. Chuyện tình du ca như cổ tích của đôi nghệ nhân bên dòng Sêrêpôk sẽ vẫn nồng ấm trong mỗi đêm bên bếp lửa hồng, bên ché rượu cần đắm say. Lòng chúng tôi chợt rộn ràng khi phía sau lưng, âm vang chất giọng hào sảng của người nghệ sĩ già: "Bài ca Tây Nguyên em yêu trọn đời, cầm tay anh đưa em đi trên đường dài…".

Ngọc Thiện
.
.
.