Không có gì mà ầm ĩ cả

Biết nhận lỗi là một sức mạnh

Thứ Năm, 25/08/2016, 09:18
Cách đây ít hôm, cư dân xôn xao thấy ảnh đoàn xe công đi dọc phố Hội An, nơi mà từ lâu đã là phố không động cơ, chỉ đi bộ và xe đạp mới được vào. Sau mới biết là đoàn xe của Thủ tướng đi thăm phố Hội. Người dân thắc mắc về những quy định đặt ra ai cũng theo nhưng tại sao xe công lại hưởng đặc quyền.

Một số người trong cuộc thì cho rằng Thủ tướng không hề biết rằng trong khi ông đi bộ cùng người dân Hội An thì đoàn xe công vẫn bám theo cách gần cây số. Các cấp quản lý tham mưu đâu rồi? Rồi người ta bảo chuyện ưu tiên đặc thù là chuyện bao năm nay, có gì mà bàn. 

Nhưng có một cái rất mới. Đó là Thủ tướng nói lời xin lỗi với người dân. Mấy chục năm đổi mới, dân ta hiếm khi nghe thấy lời xin lỗi của nguyên thủ quốc gia. Xin lỗi tuy đơn giản nhưng thật sự không dễ, nhất là cơ chế ở nước ta. Việt Nam ta không có văn hóa từ chức, hay nhận lỗi mà là "rút kinh nghiệm". Thủ tướng đã làm một cuộc cách mạng trong sự nhận thức. Lời xin lỗi này tuy nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn. Nó làm niềm tin về quyết tâm cải cách bộ máy vì dân là sự thật.

Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Dân biết hết. Lời xin lỗi của Thủ tướng là một tín hiệu cho thấy dân và chính quyền chung một quyết tâm đổi mới. Lời nói đi đôi với việc làm.

Minh họa: Lê Tâm.

Trong thời đại truyền thông, làm tốt thôi chưa đủ, hình ảnh phải thuyết phục. Cán bộ tham mưu của chúng ta quá xa lạ với vấn đề hình ảnh. Đã qua rồi cái thời hữu xạ tự nhiên hương. Rất nhiều cán bộ của chúng ta đã cống hiến rất hiệu quả, nhưng công việc đưa hình ảnh của họ tới người dân thì gần như bỏ lửng. Với thế giới thì việc làm và hình ảnh rất quen thuộc. Những tấm ảnh và đoạn phim có sự sắp đặt chứ không hề ngẫu nhiên.

Khi vận động viên Singapore Joseph Isaac Schooling đoạt huy chương vàng Olympic, Thủ tướng Lý Hiển Long không chỉ khen ngợi theo công thức mà còn chụp ảnh selfie cùng và đưa lên trang cá nhân của ông. Ông ghi rõ đây là ảnh do chính ông tự chụp.

Chúng ta còn nhớ hình ảnh Thủ tướng Australia chạy bộ vòng quanh Hồ Gươm, Đại sứ Mỹ đạp xe xuyên Việt. Ở Hà Nội, người ta không quên hình ảnh Tổng thống Bill Clinton đi bộ ở Bờ Hồ, Thủ tướng Australia John Howard ra Hồ Gươm tập thể dục, Đại sứ Pháp ngồi ăn phở vỉa hè, Đại sứ Anh Giles Lever đạp xe lên núi Ba Vì Tết năm kia, Đại sứ Mỹ Ted Osius đạp xe từ Hà Nội vào Huế tết vừa rồi, hay mới nhất là Đại sứ Canada mặc áo dài hát Quan họ?

Tổng thống Mỹ B. Obama khi tới thăm Việt Nam đã đi ăn bún chả, mua cốm làng Vòng và trú mưa ở quán nước ven đường. Bao nhiêu lời khen ngợi sự gần gũi.

Cũng vậy, nhiều người ca ngợi Tổng thống B. Obama đi mua sách với con gái ở Mỹ, đi ăn KFC với vợ. Con gái Obama đi làm thêm ở quán bánh mỳ. Không đơn giản ái nữ của nguyên thủ lại được tự do thế. Đằng sau đấy là cả triệu USD làm truyền thông, cả bộ máy an ninh, cảnh vệ, báo chí, tùy tùng đi theo.

Để dựng niềm tin cho dân, bộ máy nước ngoài đã tận dụng mọi cơ hội và tốn kém như vậy. Xứ mình có câu "lời nói chẳng mất tiền mua". Sao số đông chúng ta lại dè sẻn lời xin lỗi đến thế. Cử chỉ của Thủ tướng đã đánh thức thói quen lưu cữu của bộ máy, bắt nó phải làm việc thực sự và chân thành. Nhận lỗi chính là sức mạnh.

Xin hỏi, quý ông, quý bà đã bao nhiêu lần xin lỗi con em mình?

Lê Tâm
.
.
.