Bác bảo vệ vỡ mộng

Thứ Sáu, 08/12/2017, 13:42
Năm nay tôi chỉ ngoài 30, nhưng rất nhiều người gọi tôi bằng bác. Không phải vì tôi trông già trước tuổi, mà đơn giản vì tôi là bảo vệ của một cơ quan nhà nước khá to.

Người dân có việc đến đây chẳng ai dám gọi tôi là “thằng” cả, mà họ thường gọi tôi bằng bác, hiếm hoi lắm mới có người gọi bằng anh.

Chuyện nhỏ như con thỏ, nhưng tôi cũng lấy đó làm niềm an ủi cho cái nghề vốn chẳng có gì nở mày nở mặt này.

Nhưng tất nhiên, không phải vì cái danh xưng sáo rỗng đó mà tôi chấp nhận làm bảo vệ, dù bằng cấp và học thức của tôi còn cao hơn nhiều trưởng phòng, phó phòng trong cái cơ quan mà tôi làm bảo vệ.

Tôi chấp nhận vị trí thấp hèn này trước tiên vì cũng giống như chuột chạy cùng sào.

Ảnh minh họa.

Ngày xưa tôi là một đứa học hành giỏi giang, thi đậu một lúc 2-3 trường đại học, trong đó có Đại học Y dược. Nhưng cuối cùng tôi chọn ngành địa chính, vì lúc đó quá trình đô thị hóa đang diễn ra sôi động, bất cứ thứ gì dính đến đất đai đều có thể hốt bạc.

Thằng bạn tôi từng thành tỷ phú chỉ sau một đêm, nhờ mua trúng miếng đất tăng giá từ 300.000 đồng/m2 lên 30 triệu đồng/m2 chỉ  sau một đêm, khi Nhà nước công bố quy hoạch một con đường to bự ngang qua miếng đất nó vừa mua.

Vì vậy, dù ban đầu gia đình không mấy hài lòng khi tôi bỏ học bác sĩ để theo ngành địa chính, nhưng sự ủng hộ sau đó cũng tăng theo giá đất.

Sau 4 năm miệt mài, cuối cùng tôi cũng lấy được tấm bằng kỹ sư về địa chính. Bao nhiêu mơ ước tưởng sắp thành hiện thực. Nhưng hiện thực lại không như ước mơ.

Cầm mảnh bằng kỹ sư ngành quản lý đất đai, tôi nộp hồ sơ tất cả những nơi phù hợp với chuyên ngành, từ các trung tâm nghiên cứu đất đai, quy hoạch, tư vấn, kỹ thuật địa chính cho đến Phòng Tài nguyên-Môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường…

Sau gần một năm trời tìm việc, chẳng nơi nào nhận tôi, vì một lý do rất đơn giản: đã kín người.

Thất vọng lĩnh vực nhà nước, tôi xin vào các công ty kinh doanh địa ốc, các công ty kinh doanh bất động sản, công ty môi giới bất động sản. Nhưng không may, thời điểm đó có quá nhiều công ty địa ốc lừa đảo, tự vẽ dự án ảo, bán “dự án vịt trời”.

Thị trường nhà đất ảo tung chảo, người dân hầu như không còn niềm tin vào nhân viên bất động sản. Vì vậy, tôi quyết định không theo nghề bất động sản, vì lo rằng không chết đói thì có ngày vào tù chứ chẳng chơi.

Vậy là tôi về làm “nhà báo”, tức báo cơm ở nhà.

May thay, tôi làm “nhà báo” chẳng bao lâu thì được ông chú ruột cho biết sắp nghỉ hưu, vị trí nhân viên bảo vệ của ông ở Sở Tài nguyên-Môi trường sẽ cần người. Vậy là tôi nhờ ông nộp đơn ngay lập tức.

Nhờ quan hệ của chú tôi, và cũng nhờ tôi nhanh nhạy gửi ít tiền để chú “trà nước” với người ta, nên tôi không còn báo nhà mà chuyển sang làm “bác bảo vệ”.

Khi “theo nghề” rồi, tôi thấy công việc này cũng hay. Thứ nhất là việc rất nhàn, người dân chẳng mấy khi lên tới Sở, nên cơ quan ngày ngày cũng chẳng có bao nhiêu khách. Thời gian rỗi tôi lại lấy sách vở ra học, quyết tâm chờ cơ hội chuyển vị trí từ cổng cơ quan vào trong các phòng máy lạnh.

Nhưng đột ngột có thay đổi mới trong chính sách đất đai, tất cả các thành viên trong gia đình đều phải ghi tên vào Sổ đỏ. Thế là công việc của tôi bị quá tải. Nào là chỗ đậu xe ô tô, xe máy, xe đạp, nào là nhiều gia đình kéo cả hơn 30 người đi làm Sổ đỏ một lần. Có hôm, tôi phải phụ khiêng người bị liệt vào cơ quan để đăng ký, có hôm thì gặp bà chửa gần đẻ, có hôm thì gặp thằng tâm thần cũng theo người nhà đi đăng ký.

Quá áp lực trong công việc, nhiều khi không kiểm soát, quên mất thân phận “nô bộc” của dân, tôi lại cáu gắt khó chịu. Một hôm, cũng vì cáu gắt, tôi bị một người dân phản ứng: “Bác bảo vệ làm gì mà cau có với dân thế?”.

Tôi bực mình: “Anh không thấy ngày nào tôi cũng phải tiếp cả ngàn người. Làm sao chịu nổi?”.

Nghe thế, anh này đốp ngay: “Bác làm sao khổ bằng tôi, gia đình tôi có 10 anh em, hiện một anh sống ở Mỹ, một chị ở Úc, một chị ở Nam Phi, một anh trai ở Nga, một em gái ở Iraq, một em gái nữa ở Brazil. Một thằng em đang ở tù, một thằng em đang đi bộ đội, còn thằng Út bỏ nhà đi đâu 3 năm rồi không biết. Ba tôi thì tâm thần, mẹ tôi bị bại liệt. Gia đình tôi có việc cần làm Sổ đỏ gấp. Vậy làm sao tất cả thành viên gia đình tôi được ghi trong Sổ đỏ?".

Tôi nghe xong choáng váng, xây xẩm mặt mày, liền đá trái banh cho cấp trên: “Anh ơi, làm ơn vào trong hỏi sếp em! Em chỉ là một bảo vệ”.

Khi anh đó đi rồi, tôi mới hoàn hồn, và vỡ mộng cái hy vọng lâu nay. Chắn chắn tôi không đủ sức làm sếp, vì tôi không thể trả lời được câu hỏi của anh ta.

Nghĩa Nam
.
.
.