Áp lực

Thứ Tư, 18/04/2018, 16:20
Học sinh nghe giảng để trở thành con người đúng nghĩa chứ không phải trở thành robot. Áp lực có ý nghĩa gì nếu con chúng ta không thể trở lại bình thường.


-Chào bác bảo vệ! Xin bác cho tôi gặp cô giáo A.

- Cô A mới bị cho nghỉ làm kiểm điểm vì bắt học sinh uống nước giặt khăn lau bảng.

- Thế cho tôi gặp cô B cũng được ạ.

- Cô B bị phụ huynh bắt quỳ chưa đứng dậy được.

- Ô hay! Phụ huynh nào dám bắt cô giáo quỳ? Hỏng hết cả lễ, nói gì đến văn…

- Nghe nói phụ huynh thách. Đừng hỏi tại sao!

- Thế này thì thật quá quắt, giáo viên còn mỗi cô C, tôi muốn gặp cô C.

- Cô C cũng mới bị đình chỉ vì mấy tháng lên lớp không chịu giảng bài. Im như thóc. Học sinh nói nên chuyện mới vỡ lở.

- Bác cho tôi gặp cháu học sinh dũng cảm đấu tranh được không?

- Cháu học sinh đó được chuyển sang trường khác rồi.

- Vậy cho tôi gặp cô hiệu phó.

- Hiệu phó đang ẩn dật bất động vì có phụ huynh bố trí người nhà mai phục đòi đấu võ.

- Phụ huynh bức xúc chuyện gì ạ?

- Phụ huynh bức xúc chuyện suất ăn của học sinh chỉ có 13 nghìn mà có cả giò chả, cá… Phụ huynh bây giờ phản biện xã hội ghê lắm. Có thể coi như mỗi phụ huynh là một hiệu trưởng hoặc một chiến binh.

- Thôi, thế cuối cùng cho tôi gặp thầy hiệu trưởng vậy.

- Thầy hiệu trưởng đi viện truyền nước vì phải giải trình nhiều quá. Bây giờ cả trường chỉ còn mỗi tôi thôi. Tôi là bảo vệ mới. Bảo vệ cũ nhắc nhở phụ huynh không được đỗ xe chắn cổng trường nên bị phụ huynh đe dọa không dám đi làm luôn.

Câu chuyện này chỉ là giả tưởng xâu chuỗi hiện tượng rải rác từ các trường nhưng nó chứa những tình tiết có thật sinh động, sốc mà các nhà văn vĩ đại cũng chẳng thể nào nghĩ ra được.

Hiện nay, trường sở đã khang trang hơn xưa nhưng quan hệ giữa giáo viên và học sinh, phụ huynh có chiều hướng xa dần. Giữa họ chưa có được những kênh trao đổi cần thiết hiệu quả và nhân văn. Khi được hỏi thì giáo viên nào cũng nhắc tới áp lực. Không cần giải thích thì ai cũng biết áp lực về thành tích cũng ảnh hưởng rất lớn đến công tác giáo dục.

Minh họa của Lê Tâm.

Lại một câu chuyện giả tưởng nữa.

- Hãy nói cho cô nghe những hiểu biết về áp lực.

- Thưa cô. Áp lực không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi. Áp lực được chuyển từ bộ xuống sở xuống các trường, qua các thầy cô, xuống từng học sinh và tiếp tục gia tăng vào phụ huynh. Rồi phụ huynh lại gây áp lực…

Đầu tháng 4 - 2018, một học sinh tại quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã tự tử, để lại bức thư tuyệt mệnh rằng do áp lực trong học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn có điểm số tốt hơn để được học lớp đứng đầu khối 10.

Những câu chuyện đau xót như trên chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hỡi các bậc sinh thành, hãy tỉnh lại đi! Điểm số không đủ là thước đo của hiểu biết và tài năng.

Học sinh nghe giảng để trở thành con người đúng nghĩa chứ không phải trở thành robot. Áp lực có ý nghĩa gì nếu con chúng ta không thể trở lại bình thường.

Còn bạn. Bạn tự hào khi con bạn biết lẽ phải và lễ nghĩa hay khi con bạn có bộ não như một người máy thế kỷ 22?

Lê Tâm
.
.
.