Đánh mạnh tội phạm xuyên quốc gia

Gỡ từng nút thắt, bắt trọn ổ tội phạm (kỳ 1)

Thứ Bảy, 22/04/2023, 08:40

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và trong môi trường “thế giới phẳng”, tội phạm hiện nay đã vượt qua khỏi ranh giới trong nước, gây án ở nhiều nước khác nhau. Cùng với thủ đoạn trực tiếp gây án như trộm cắp, móc túi, các đối tượng còn triệt để lợi dụng công nghệ cao để hoạt động.

Trăm phương nghìn kế gây án

Trong phiên họp hội ý nghiệp vụ do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì vào ngày 30/3 vừa qua tại Công an tỉnh Tiền Giang giữa lãnh đạo Bộ Công an, các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số tỉnh, thành phố, trong đó có Công an Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, dưới sự phân tích, đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, các đại biểu tham dự đã thống nhất nhận diện rõ những thủ đoạn gây án và xây dựng kế hoạch, biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Trung tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự cho biết: Hoạt động tội phạm của người nước ngoài ở Việt Nam cũng như người Việt Nam sang nước ngoài hoặc người nước ngoài ở nước ngoài gây án trong lãnh thổ Việt Nam ở các địa phương phía Nam thời gian trước có những dấu hiệu phức tạp. Đáng chú ý, nổi lên tình trạng người Việt Nam sang Campuchia đánh bạc, vi phạm pháp luật. Những hoạt động tội phạm này đã sớm bị Cục Cảnh sát hình sự và Công an các đơn vị, địa phương nhận diện, chủ động lên phương án đấu tranh.

Phân tích sâu về những điều kiện hình thành và hoạt động của hệ, loại tội phạm này, lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự cũng đánh giá: Trên thực tế, tội phạm liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc trực tuyến, cưỡng bức lao động và cưỡng đoạt tài sản đã xảy ra với những tần xuất ở các thời điểm khác nhau. Các đối tượng người Việt sử dụng địa bàn Campuchia để đặt các đại lý đánh bạc trực tuyến. Chúng tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ từ 4-5 người, sử dụng điện thoại, tài khoản ngân hàng… để làm dịch vụ thanh toán trực tuyến, giao dịch… lôi kéo người ở Việt Nam tham gia chơi.

Bên cạnh hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến, còn xảy ra tình trạng nhân viên người Việt Nam làm việc tại các cơ sở kinh doanh casino, sòng bạc trực tuyến bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản. Nhiều vụ việc người lao động Việt Nam bị các đối tượng tội phạm người nước ngoài lừa đảo sang làm việc, lao động ở các nước đã bị chúng nhốt, bắt ép phải làm việc, trường hợp nào không tuân theo sẽ bị nhốt, đánh đập, bỏ đói. Nhiều vụ việc hàng chục lao động đã bơi qua sông khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia để bỏ trốn. Lực lượng Công an Việt Nam đã phối hợp với cơ quan chức năng, thực thi pháp luật của Campuchia giải cứu hàng trăm công dân Việt Nam bị cưỡng đoạt tài sản, cưỡng bức lao động.

Với vị trí đặc thù, là Thủ đô của đất nước nên trong các mặt công tác, Công an Hà Nội cũng có rất nhiều kinh nghiệm trong nhận diện, đấu tranh với hệ, loại tội phạm có yếu tố nước ngoài. Đơn cử như quận Hoàn Kiếm là một trong những địa chỉ tập trung đông đảo du khách trong nước, quốc tế mỗi khi đến với Thủ đô, Việt Nam. Kể từ khi dịch COVID-19 được khống chế, hoạt động kinh tế - xã hội đã được phục hồi và phát triển, trong đó có đông đảo khách du lịch đến từ khắp nơi trên đất nước và thế giới. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm tại địa bàn luôn được Đảng ủy, Ban Chỉ huy Công an quận Hoàn Kiếm coi là cốt lõi để góp phần phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiệm vụ này càng được đơn vị tăng cường triển khai khi cao điểm của mùa du lịch đang đến gần.

Mừng vì những hoạt động du lịch đang được phục hồi, phát triển, nhưng chưa lúc nào lực lượng Cảnh sát hình sự của đơn vị có thái độ lơ là, chủ quan. Bởi hơn ai hết, trong quá khứ, Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ, điều tra khám phá khá nhiều những vụ việc, bài học về người nước ngoài thông qua con đường du lịch để vào Việt Nam nhằm hoạt động phạm tội. Trung tá Tống Đăng Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm vẫn nhớ như in vụ bắt giữ một ổ nhóm 6 đối tượng người Mông Cổ nhập cảnh vào Việt Nam để du lịch và lưu trú tại địa bàn quận. Tuy nhiên, du lịch chỉ là cái cớ khi ổ nhóm này gồm có cả nam và nữ, chúng phân chia thống nhất nhiệm vụ của từng đối tượng rõ ràng, liên thủ phối hợp gây án.

Hàng ngày, các đối tượng trong vai khách du lịch, lang thang khắp các ngõ, ngách, quán ăn, cửa hàng, trung tâm thương mại trên toàn thành phố để tìm sơ hở của người dân Việt Nam và cả khách du lịch người nước ngoài khác để trộm cắp. Sau khi gây án, chúng mang những tài sản trộm cắp được đi đổi, bán, lấy USD rồi nhanh chóng di chuyển sang các nước khác để bỏ trốn. Trong vụ án trộm cắp hơn 1 tỷ đồng của hai du khách người Thụy Điển tại quán ăn trên địa bàn, các đối tượng trên nhanh chóng bay vào TP Hồ Chí Minh, đi Tây Ninh để sang Campuchia. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, Công an quận Hoàn Kiếm đã “hốt” trọn ổ tội phạm trên trước khi chúng kịp đặt chân lên biên giới nước khác.

5-1.jpg -0
Ổ nhóm tội phạm người Mông Cổ núp bóng khách du lịch gây án tại Hà Nội bị Công an TP Hà Nội bắt giữ.

Truy rõ, xử nghiêm những đối tượng cầm đầu

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Một trong những thủ đoạn phổ biến nhất của tội phạm người nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia chính là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng công nghệ cao, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật nên các đối tượng người nước ngoài dù ở cách xa biên giới Việt Nam song chúng cũng dễ dàng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. Có thể liệt kê tới những thủ đoạn như thông qua hình thức gửi quà tặng từ nước ngoài, giới thiệu việc làm trực tuyến, tuyển nhân viên bán hàng trực tuyến hoặc phổ biến trong những thời gian qua đó chính là giả danh cơ quan chức năng như Công an, VKS, Tòa án… gọi điện đe dọa, lừa đảo. Chúng vẽ ra những kịch bản với nhiều “vai diễn” khác nhau do chính các đối tượng trong ổ nhóm phối hợp “tung hứng” để đe dọa, yêu cầu người dân phải cung cấp tài khoản, mã OTP, hoặc chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định để chiếm đoạt.

Cũng theo Cục Cảnh sát hình sự, thời gian vừa qua nổi lên tình trạng lừa đảo nhắm vào cha mẹ của các em học sinh. Chúng bịa ra những câu chuyện học sinh bị cấp cứu phải chuyển tiền gấp để đánh vào tâm lý lo lắng cho con cái của phụ huynh nhằm chiếm đoạt tài sản. Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo kịp thời Công an các địa phương nhất là những tỉnh, thành phố lớn, nơi phần lớn các bậc phụ huynh đều có tài khoản ngân hàng để tuyên truyền phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những vụ việc lừa đảo cũng như điều tra truy bắt những đối tượng gây án.

Mới đây, ngày 9/3/2023, Cục Cảnh sát hình sự đã khởi tố 23 đối tượng trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Chuyên án có sự hỗ trợ, phối hợp của các cục nghiệp vụ có liên quan như Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Tây Ninh... Chuyên án được Cục Cảnh sát hình sự xác lập trên cơ sở từ công tác trinh sát, quản lý địa bàn với hồ sơ nghiệp vụ của đơn vị, thể hiện có một nhóm người Việt Nam hoạt động trong một công ty trá hình ở Campuchia. Cầm đầu công ty và ổ nhóm tội phạm này là những đối tượng người nước ngoài, chúng hướng dẫn, ép người Việt Nam phải gọi điện thoại về nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn. Quá trình điều tra, lực lượng Công an nước ta đã làm rõ thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tại Campuchia. Nhóm này sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi lừa đảo thông qua hình thức vờ tuyển cộng tác viên làm việc online trên Internet rồi dụ dỗ họ chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng để đặt mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử giả mạo các sàn Shopee, Lazada...; lập tài khoản trên website Corona đặt cược đánh bạc tài xỉu để được hưởng hoa hồng. Các đối tượng đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, khiến dư luận bức xúc. Chỉ trong thời gian ngắn triển khai, Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị phối hợp đã bắt giữ ổ nhóm tội phạm trên, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Cục Cảnh sát hình sự cùng với Công an các đơn vị, địa phương cũng sớm nhận diện tình hình, thủ đoạn của người nước ngoài vào Việt Nam dưới danh nghĩa đi du lịch để hoạt động phạm tội. Đánh giá của Bộ Công an cho thấy, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các hoạt động kinh tế - xã hội, du lịch đang dần trở lại trạng thái bình thường mới sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Chính vì vậy, số lượng du khách, người nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng nhiều. Tình hình tội phạm người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng có những diễn biến đáng chú ý, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia. Một số đối tượng người nước ngoài câu kết với người Việt Nam thuê những căn hộ chung cư cao cấp, tổ chức trang bị máy tính rồi hoạt động cờ bạc, lừa đảo trên không gian mạng. Thời gian gần đây, các đối tượng người nước ngoài còn sử dụng, ép người nước ngoài thuê những căn hộ cao cấp để hoạt động lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản vào công dân của nước thứ 3.

Điển hình, vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan đã phối hợp điều tra, khám phá, bắt giữ ổ nhóm tội phạm người nước ngoài gây án. Có khoảng 30 người Malaysia đã bị các đối tượng tội phạm dụ dỗ, cưỡng ép những người này giả danh cơ quan chức năng để gọi điện thoại cho nhiều người ở Indonesia yêu cầu chuyển tiền để chiếm đoạt tài sản. Ba đối tượng trong vụ án này đều mang quốc tịch Malaysia gồm: Leaw Boon Kiat, Thong Joon Kin, Gan Ban Lee bị khởi tố bị can, bắt tạm giam. Cơ quan Công an đã thu giữ 2 xe ôtô, 54 điện thoại, 9 máy tính xách tay, 21 thẻ ngân hàng các loại, hàng chục sim thẻ các loại, 2 thiết bị thu phát sóng mạng di động… cùng nhiều phương tiện, công cụ các đối tượng dùng để gây án.

Hoàng Phong
.
.
.