Vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được phát hiện như thế nào?

Thứ Sáu, 06/12/2019, 08:57
Sau một thời gian điều tra, ngày 5-12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” xảy ra tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Đây là vụ án đầu tiên trong cả nước khởi tố điều tra về tội danh này và cũng là vụ án đầu tiên khởi tố tội danh quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại trên cả nước.

Quá trình điều tra đã thể hiện sự kiên trì, dám nghĩ, dám làm của các cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ.

Vụ án bắt nguồn từ việc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ xác minh, giải quyết đơn tố giác của Công ty cổ phần sản xuất nhôm Việt Pháp Shal, có địa chỉ tại TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, tố giác Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp, có trụ sở tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) và Chi nhánh tại Khu công nghiệp Trung Hà, Tam Nông (Phú Thọ) đã có hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp.

Đây là vụ việc chưa từng được xử lý hình sự tại Việt Nam. Vì thế, khi tìm hiểu, Thượng tá Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ và các cán bộ đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” được quy định tại Điều 226, Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018.

Vũ Văn Phụ.

Đến thời điểm vụ án được Phòng Cảnh sát kinh tế tiếp nhận hồ sơ điều tra, trên địa bàn cả nước chưa có một vụ án nào được khởi tố do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Muốn chứng minh được tội phạm thì phải trả lời được câu hỏi, chi nhánh Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Phú Thọ sản xuất nhôm thanh định hình dán tem nhãn “Nhôm Việt Pháp Shal có xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” của Công ty cổ phần nhôm Việt – Pháp Shal Ninh Bình không?

Để trả lời câu hỏi trên, sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành tạm giữ 42.405 thanh nhôm định hình (khoảng 170 tấn) tại Chi nhánh ở Khu công nghiệp Trung Hà, Tam Nông.

Đồng thời, vào ngày 9-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định trưng cầu giám định 112/CSĐT trưng cầu Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Nội dung trưng cầu giám định như trên.

Ngày 22-4, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ có kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH 174-19TC/KLGD kết luận: Sản phẩm nhôm thanh định hình gắn dấu hiệu “Nhôm Việt Pháp SHAL” như thể hiện trên mẫu vật là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” đã được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký của Công ty cổ phần nhôm Việt - Pháp SHAL - Nhà máy Nhôm Việt Pháp.

Từ kết quả trên, ngày 2-8, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Vũ Văn Phụ (SN 1972, trú tại Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về hành vi “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Quá trình điều tra, vụ án đã được làm rõ: Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Nhà máy nhôm Việt Pháp (sau đây gọi tắt là Công ty Cổ phần nhôm Việt Pháp - Hà Nội), địa chỉ tại phường Dịch Vọng Hậu. Ngày 29-5-2015, Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Hà Nội thành lập Chi nhánh Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp – Phú Thọ tại khu công nghiệp Trung Hà (Tam Nông).

Đến ngày 5-10-2015, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Phú Thọ đã cấp chứng nhận cho Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Hà Nội, đầu tư dự án “Xây dựng nhà máy sản xuất và gia công nhôm... Từ đầu năm 2018 đến tháng 4-2019, Phụ là giám đốc của 2 công ty là Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp – Hà Nội, Công ty cổ phần sản xuất nhôm Xingfa- Nhà máy Nhôm Xingfa, có địa chỉ tại phường Dịch Vọng Hậu và là người đứng đầu Chi nhánh Công ty nhôm Việt Pháp – Phú Thọ.

Phụ đã chỉ đạo nhân viên của 3 công ty trên sản xuất, gia công các sản phẩm nhôm thanh định hình, dán các loại tem nhãn, trong đó có tem, nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” trùng với nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp Shal, có địa chỉ tại Ninh Bình để bán ra thị trường.

Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Phú Thọ không sản xuất được nhôm thanh định hình. Sau khi mua nhôm phế liệu của các đơn vị, cá nhân, Chi nhánh Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Phú Thọ sản xuất thành nhôm phôi bilet rồi thuê Công ty cổ phần DST Hà Nội, ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do ông Mai Xuân Thắng làm giám đốc gia công, cán nhôm bilet thành nhôm thanh định hình, sau đó nhập về kho của Chi nhánh Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Phú Thọ.

Sau đó, Phụ chỉ đạo các tổ sản xuất của Chi nhánh Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Phú Thọ, thực hiện các công đoạn đánh bóng, phun sơn.

Sau đó ký hợp đồng với Công ty TNHH giấy Cozy (Bắc Ninh) với nội dung: Công ty TNHH giấy Cozy bán các loại tem dán bảo vệ bề mặt sản phẩm nhôm thanh định hình cho Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Hà Nội, trong đó có tem dán nhãn hiệu “Nhôm Việt Pháp Shal” để thực hiện dán lên nhôm thanh định hình. Sau đó, chi nhánh Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Phú Thọ xuất bán cho Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp – Hà Nội và Công ty cổ phần sản xuất nhôm Xingfa - Nhà máy nhôm Xingfa để bán ra thị trường.

Bằng hình thức trên, từ đầu năm 2018 đến tháng 4-2019, Phụ đã chỉ đạo chi nhánh Công ty cổ phần nhôm Việt Pháp - Phú Thọ sản xuất nhôm thanh định hình dán tem nhãn “Nhôm Việt Pháp Shal” với tổng số  lượng 316.045,05kg. Sau đó, đã bán cho 4 công ty là Công ty TNHH TM và DM Mạnh Quy (ở Thanh Oai, Hà Nội); Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Minh Đức, ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; Công ty cổ phần nhôm Xingfa Shalumi – Nhà máy nhôm Xingfa Shalumi ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) với tổng số lượng 144.770,05kg, còn tồn kho 171.275kg.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã tạm giữ 42.045 thanh nhôm định hình tương đương 171.275kg tem nhãn “nhôm Việt Pháp Shal” bị tạm giữ. Kết luận định giá tài sản của hội đồng định giá xác định giá trị của 42.045 thanh nhôm định hình có tổng trọng lượng 171.275kg là gần 12 tỷ đồng.

Xuân Mai
.
.
.