Từ những vụ lừa tình, tiền qua mạng, nạn nhân cũng đáng trách!

Thứ Hai, 30/11/2015, 10:34
Những chiêu lừa tình, tiền qua mạng dù đã “xưa như trái đất” nhưng thỉnh thoảng lại nghe có thêm nạn nhân mới.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đang thụ lý vụ nhóm người Nigeria do Chikelu Tobechukwu Samson (SN 1982) cầm đầu lừa tiền 21 phụ nữ người Việt Nam.

T.T.X., 32 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ làm nghề buôn bán. Ngày 27/7/2014, X. mở yahoo mail thì thấy có người gửi lời mời kết bạn bằng tiếng Anh có địa chỉ email danh.dung… Chị X. liền phản hồi thì được người kia cho biết mình tên là Đàm Anh Dũng, 44 tuổi, quê quán Biên Hòa, Đồng Nai; hiện đang định cư lại London, Anh quốc.

Tang vật trong một vụ lừa tiền qua mạng.

Đến ngày 6/9/2014 Dũng ngỏ lời yêu và muốn lấy chị X. làm vợ. Dũng xin chị X. địa chỉ liên lạc để y gửi quà nhằm thể hiện lòng thành của mình. Hai ngày sau, Dũng gửi mail thông báo đã gửi cho chị X. 2 thùng hàng gồm có quần áo, giày dép, nước hoa, sữa và quần áo em bé để dành cho… đứa con đầu lòng! Chị X. mừng thầm khi nghĩ đến người chồng tương lai hết sức chu đáo, lo xa.

Đúng như lời Dũng, 3 ngày sau, chị X. nhận được mail tự nhận là công ty vận chuyển hàng của Dũng về Việt Nam. Cùng ngày, chị X. nhận được điện thoại của một phụ nữ lạ cho hay hành lý đã đến sân bay Tân Sơn Nhất, trọng lượng hành lý 50kg, cước phí hơn 32 triệu đồng. Chị X. “chát” với Dũng để yêu cầu gửi tiền phí vận chuyển. Dũng bảo đang bận công tác, ít ngày nữa sẽ gửi. Chị X. liền điện cho người phụ nữ kia nhưng người này bảo nếu trong vòng 24 giờ mà không thanh toán cước phí thì sân bay sẽ tịch thu 2 thùng hàng và gợi ý chị X đóng trước phân nửa. Sợ mất 2 thùng hàng nên chị X đến ngân hàng gửi trước 15 triệu đồng và sau đó thì… ôm hận!

Cùng với chị X., 12 người khác bị lừa tương tự làm đơn tố cáo đến cơ quan Công an, riêng 8 người còn lại không dám lộ diện vì sợ gia đình biết chuyện.

Lướt qua danh sách các nạn nhân, chúng tôi thấy phần đông họ có tuổi đời trên 30, quê ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và đều có việc làm ổn định. Qua lời khai của các nạn nhân cho thấy họ có mộng lấy chồng ngoại quốc để được định cư ở nước ngoài. Một số khác mơ đến cuộc sống sang giàu để gia đình nở mặt nở mày với bà con, lối xóm.

Trước khi bị lừa, có người cứ tưởng mình đang “thả câu” để mọi tiền những người đàn ông ngờ nghệch ở cách nửa vòng trái đất. Như trường hợp của chị H., khi kẻ lừa đảo đặt vấn đề tình cảm, chị đã chủ động gợi ý “người tình trong mộng” gửi tiền về để mua nhà ở Việt Nam mới chấp nhận lên xe hoa. Tất nhiên chị H. nhanh chóng sập bẫy khi kẻ lừa đảo cho hay đã gửi hàng trăm ngàn USD qua ngân hàng Rabobank ở London, Anh quốc với lệ phí chuyển tiền lên đến hơn 10.000USD. Đây cũng là trường hợp bị lừa nhiều nhất trong số 21 trường hợp.

Có thể lý giải những phụ nữ kể trên bị lừa vì nhận thức kém, trình độ văn hóa thấp nhưng trường hợp của chị V. ở quận Thủ Đức thì đã thể hiện rõ lòng tham. Chị V. là người có học thức cao, hiểu biết xã hội nhưng đã để mất 11.000USD khá dễ dàng.

Khoảng đầu năm 2014, qua mạng facebook chị V. quen  một người nước ngoài tự xưng tên là Alex Hopeson, người gốc Ireland nhưng đang cư ngụ tại Brasil. Sau khi “quen nhau thân thiết”, Alex nói chuẩn bị sang Việt Nam để làm ăn nhưng không thể mang theo tiền mặt với số lượng lớn nên nhờ chị V. nhận tiền gửi trước giùm mình, chị V. đồng ý. Sau đó Alex thông báo đã gửi một két sắt có chứa 320.000USD từ Ireland cho chị V. thông qua một công ty giao nhận.

Trước khi két sắt đến Việt Nam, có một người nước ngoài tự xưng tên D.J. là nhân viên của công ty giao nhận nói trên yêu cầu chị V. đóng tiền lệ phí (gồm thuế sân bay, phí bảo hiểm tiền mặt, phí chống rửa tiền…) tổng cộng 11.000USD và cho chị V. hai tài khoản để chuyển tiền.

Chị V. thực hiện theo đúng yêu cầu. D.J. mang két sắt đến giao tận nhà cho chị V, đồng thời đưa cho chị V. một bảng hướng dẫn viết bằng tiếng Anh chỉ cách dùng hóa chất để rửa giấy thành đô la. Sau đó chị V mở ra xem thì  thấy trong két sắt chẳng có tờ USD nào mà toàn là giấy màu xanh (kích cỡ bằng tờ USD thật) được cột thành nhiều  xấp. Chị V. điện thoại hỏi thì D.J. nói phải chi 60.000USD để mua hóa chất rửa những tờ giấy này thành tờ USD. Chị V. lên mạng “chát” với Alex thì người này cũng cho biết như vậy. Tuy nhiên, nhìn những tờ giấy kia, với hiểu biết của mình, chị V. ngộ ra mình đã bị lừa, nhưng đã muộn…

Một điều tra viên của Đội 8, PC45 (Công an TP Hồ Chí Minh) khẳng định chiêu thức chính của những kẻ lừa đảo  là nhắm vào lòng tham của nạn nhân. Để phòng tránh thì mọi người cần suy xét kỹ lưỡng chẳng có ai cho mình tiền bạc, tài sản khi chưa một lần gặp mặt. Chị P.H là một giáo viên ngụ ở quận Gò Vấp.

Chị H. truy cập vào một trang web tìm bạn bốn phương và làm quen với một người đàn ông xưng tên Azzez, 45 tuổi, quốc tịch Canada. Azzez cho hay cha anh ta là người Ảrập, chuyên kinh doanh ngành dầu khí, còn mẹ người Canada. Azzez cho biết mình đã có vợ và hai con nhưng đã ly hôn từ năm 2008. Hiện Azzez cũng làm trong ngành dầu khí và thường xuyên đi công tác ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nay tuổi cũng không còn trẻ, Azzez muốn cưới vợ rồi dùng tài sản mà mình tích cóp được để mở công ty kinh doanh tại nhà, khỏi phải bôn ba nữa.

Chị H. cũng đã ở tuổi tứ tuần, cũng đã ly dị chồng và đang nuôi hai con nhỏ nên tỏ ra rất thông cảm cho hoàn cảnh của người bạn mới quen. Thấy chị H. có vẻ siêu lòng, Azzez liên tục gửi mail cho chị H với những lời lẽ yêu thương nồng nàn rồi đặt vấn đề sẽ cưới chị H. làm vợ. Y nói sẽ gửi tiền cho chị H. mua nhà để làm tổ ấm sau này.

Với sự hiểu biết của một giáo viên, chị H. biết đã gặp phải kẻ lừa gạt nhưng muốn biết xem đoạn kết sẽ như thế nào nên chị H. chấp nhận làm theo lời của Azzez là cho số tài khoản của chị. Qua ngày hôm sau, Azzez  gửi mail thông báo hắn ta đã chuyển 1,8 triệu USD cho chị H. qua một ngân hàng trung gian ở Malaysia để thẩm định, sau đó mới kích hoạt tài khoản. Liền sau đó chị H. nhận được mail của một người xưng tên Hamzah Bahari, cho biết đang làm quản lý trong một ngân hàng ở Malaysia, yêu cầu chị H. chuyển 3.400 USD cho gã thì tài khoản sẽ được kích hoạt.

Thấy chúng giở trò lộ liễu, chị H. lên mạng gửi thư nhắn “các ông nên dừng ngay trò lừa đảo trẻ con này”. Tức thì chúng… biến mất!

Phương Tuyền
.
.
.