Triệt xóa nhiều ổ nhóm “tín dụng đen”

Thứ Sáu, 27/11/2020, 09:23
Những năm qua, Công an tỉnh Bình Dương đã quyết liệt đấu tranh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” và cho vay lãi nặng gây bất an cho người dân, đặc biệt công nhân lao động.

Bước đầu, tội phạm này được kiềm chế, góp phần đem lại cuộc cuộc sống yên bình cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Nhàn (SN 1980, quê Hải Phòng, tạm trú phường Bình Hòa, thị xã Dĩ An), công nhân Khu công nghiệp VSIP, nói: “Lợi dụng mùa dịch bệnh COVID-19 vừa qua, xuất hiện nhiều đối tượng phát danh thiếp tại ngã ba, ngã tư trên đường từ công ty mình về nhà trọ để hỗ trợ tài chính người lao động có hoàn cảnh khó khăn với lãi suất thấp hơn so với ngân hàng. 

Tuy nhiên, thực tế vay vốn thì lãi khác rất nhiều so với những thông tin mà họ quảng cáo trên danh thiếp. Bây giờ cho vay, họ cộng cả lãi và tiền nợ vào một lần, mà không ghi rõ tiền lãi suất để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

“Tôi liên hệ theo số điện thoại trên danh thiếp thì có nhân viên đến hỗ trợ tôi tàm thủ tục vay. Người này nói công ty sẽ cho vay 30 triệu đồng trả góp, nhưng thực tế chỉ khoảng 26 triệu đồng (lãi suất hơn 12%/tháng). 

Cũng may, trước đó cán bộ Công an thường xuyên phối hợp cùng chủ phòng trọ xuống tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho vay “tín dụng đen” nên tôi quyết định không vay tiền theo hình thức này mà nhờ người thân vay vốn ngân hàng chính sách”, chị Nhàn tâm sự.

Băng nhóm cho vay “tín dụng đen” bị bắt giữ.

Còn anh Bùi Thanh Tịnh (SN 1989, ngụ TP Thủ Dầu Một), nhìn nhận: “Tôi thấy Công an tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt tuyên truyền đến công nhân, người lao động, học sinh, thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen”. 

Tại khu vực xung quanh nhà tôi, cán bộ Công an và đoàn viên thanh niên cũng thường xuyên ra quân xóa các tờ rao vặt “hỗ trợ cho vay tài chính”, quét vôi xóa điện thoại của các đối tượng cho vay tài chính trên các cột điện, tường công ty, nhà các hộ dân. Đây là cách hữu hiệu nhất để nâng cao nhận thức cho mình và các hộ dân khác trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tín dụng đen”. 

Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: Tình hình tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm khác liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn diễn biến tương đối phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi tiếp cận người vay tiền như: Gửi danh thiệp, tờ rơi quảng cáo với nội dung “cho vay trả góp”, “hỗ trợ tài chính”, “cho vay tiêu dùng”. 

Khi người dân có nhu cầu vay vốn các đối tượng này dùng các loại hợp đồng như: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán, cho thuê ôtô, xe máy… Trong trường hợp con nợ mất khả năng thanh toán thì chúng sẽ sử dụng các biện pháp đòi nợ: 

Cho các đối tượng lưu manh, xăm trổ đến gây sức ép, dọa dẫm, dung vũ lực, ném sơn, chất bẩn vào nhà con nợ hay kéo đông người đến nhà riêng, gọi điện thoại đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần. Nhiều trường hợp các đối tượng đòi nợ thuê thực hiện hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Do vậy, Công an tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh tuyên truyền thủ đoạn các loại tội phạm, đặc biệt thủ đoạn, mánh khóa tội phạm liên quan đến tội phạm “tín dụng đen” nhằm phòng ngừa tội phạm. 

Đáng chú ý, trong năm 2020, Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có tội phạm “tín dụng đen”. 

Kết quả đã tổ chức 4.375 buổi tuyên truyền trực tiếp, có 243.075 lượt người tham gia, phát 462.323 tờ rơi, 1.720 móc khóa tố giác tội phạm, 100 bảng pano công khai số điện thoại của Công an huyện, thị xã, thành phố, xây dựng 317 phim phóng sự, tin, bài tuyên truyền phòng chống tội phạm…

Từ hiệu quả của công tác nghiệp vụ và đẩy mạnh tuyên truyền, Công an tỉnh Bình Dương đã được người dân cung cấp các thông tin tố giác các loại tội phạm. Qua đó, Công an đã tiếp nhận 44 vụ, 90 đối tượng có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. 

Trong giai đoạn 2018-2020, đã khởi tố 37 vụ, 75 đối tượng, xử phạt hành chính 2 vụ, 5 đối tượng. Đối với tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, Công an đã tiếp 38 vụ, 65 đối tượng, trong đó đã khởi tố 29 vụ, 50 đối tượng. 

Điển hình, cơ quan CSĐT Công an thị xã Bến Cát bắt giữ vợ chồng Trần Thanh Hải (SN 1980) và Lê Thị Bé Oanh (SN 1982, cùng ngụ Bình Dương) về hành vi cho vay lãi nặng. Vợ chồng Hải, Oanh cùng sinh sống tại phường Chánh Phú Hòa, thị xã Bến Cát. 

Nhận thấy nhu cầu vay tiền của người dân trên địa bàn, cả hai bàn bạc lấy tiền cho người khác vay với lãi suất cao dưới hình thức “hỗ trợ tài chính”. Do túng tiền kinh doanh, chị L.T.M. (ngụ phường Chánh Phú Hòa) vay của Oanh 600 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng (tương đương 180%/năm). 

Với số tiền vay trên, mỗi ngày, chị M. phải trả cho vợ chồng Oanh số tiền lãi là 3 triệu đồng. Chị M. đã phải trả số tiền lãi là 310 triệu đồng. Sau đó, biết được chúng cho vay với lãi suất quá cao như thông tin mà cán bộ Công an đã thông báo, chị M. đã làm đơn trình báo cơ quan Công an. Qua điều tra, Công an thị xã Bến Cát xác định, vợ chồng Hải, Oanh có hành vi cho vay lãi nặng nên bắt giữ. Ngoài chị M, còn có 2 người khác vay 655 triệu đồng…

C.Bình-T.Quang
.
.
.