Trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương làm “xảo thuật” 500 tỷ đồng

Thứ Tư, 16/01/2019, 08:39
Trong thời gian từ tháng 1-2014 đến tháng 5-2018, doanh thu thực tế và doanh thu can thiệp phần mềm có sự chênh lệch giảm khoảng 500 tỷ đồng.

Như Báo CAND có bài “Trạm thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương dùng phần mềm giấu doanh thu” ra ngày 1-1 phản ánh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cảnh sát kinh tế) đã xác lập chuyên án đấu tranh với hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, chi nhánh Long An nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương.

Trước đó, ngày 26-12-2018, Cục Cảnh sát kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp và khám xét khẩn cấp đối với: Ngô Bá Thắng - Giám đốc chi nhánh Long An, thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh); Trần Văn Miền - Phó Giám đốc chi nhánh Long An kiêm Trạm trưởng Trạm thu phí Chợ Đệm, Công ty Yên Khánh; Tô Phước Hùng - Kế toán trưởng Công ty Yên Khánh; Nguyễn Thị Kim Huệ - Kế toán Công ty Yên Khánh; Nguyễn Văn Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi.

Qua khám xét, cơ quan điều tra đã thu giữ một số tài liệu, chứng cứ điện tử xác định các đối tượng trên có hành vi mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho ngân sách của Nhà nước với số tiền rất lớn.

Quá trình diễn tiến vụ án cho thấy: Cuối tháng 12-2013, ông Dương Tuấn Minh – Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long đã ký hợp đồng nhượng bán quyền thu phí thời hạn 5 năm kể từ ngày 1-1-2014 đến 0h ngày 1-1-2019, đường cao tốc Trung Lương – TP Hồ Chí Minh, gồm 4 trạm thu phí là: Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức, Thân Cửu Nghĩa cho Công ty Yên Khánh do Vũ Thị Hoan làm Giám đốc, với tổng số tiền hơn 2.004 tỷ đồng. Theo quy định tại điều 11, Thông tư 05/2010/TT/BGTVT ngày 9-2-2010 nghiêm cấm: Gian lận phí sử dụng đường bộ, biển thủ tiền phí hoặc thông đồng gian lận trong hoạt động thu phí, gây thất thoát tiền phí; nhận tiền mặt của người sử dụng phương tiện giao thông mà không giao vé…

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương – TP Hồ Chí Minh.

Từ đầu năm 2014, các đối tượng nêu trên đã liên hệ viết, cài đặt, sử dụng phần mềm giảm doanh thu. Các đối tượng của Công ty Yên Khánh trực tiếp giao dịch với Nguyễn Văn Hiền – Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Xuân Phi đã được Hiền đồng ý viết phần mềm can thiệp cài đặt lại hệ thống phần mềm thu phí của Bộ Giao thông vận tải. 

Công ty Xuân Phi cài lại phần mềm vào server đặt tại trạm. Ban đầu việc can thiệp vào phần mềm được thực hiện bằng cách, các trạm thu phí cử nhân viên nhặt vé, tập hợp nhập seri (seri các vé đã sử dụng) để đưa vào phần mềm in lại vé với seri cũ làm giảm doanh thu. 

Do làm như vậy không giảm được nhiều như mong muốn nên giữa năm 2017, các đối tượng viết, cài thêm phần mềm giảm doanh thu thông qua giảm quãng đường xe ôtô qua trạm thu phí. Ví dụ, xe chịu phí theo quãng đường là 60, 90, 150 và 240 ngàn đồng thì sẽ đăng nhập thay đổi đơn giá quãng đường. Thông thường giảm từ 240.000 đồng xuống 60.000 đồng.

Trong thời gian từ tháng 1-2014 đến tháng 5-2018, doanh thu thực tế và doanh thu can thiệp phần mềm có sự chênh lệch giảm khoảng 500 tỷ đồng. Hiện cơ quan CSĐT Bộ Công an đang tập trung làm rõ việc sử dụng, chiếm đoạt số tiền chênh lệch giảm do các đối tượng can thiệp phần mềm tạo ra cho Công ty Yên Khánh. 

Đồng thời làm rõ việc làm thất thu thuế Nhà nước với chênh lệch doanh thu nêu trên để xử lý các đối tượng trong vụ án, đồng thời làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân dẫn đến sai phạm nêu trên.

Được biết, đây là doanh nghiệp đầu tư BOT đầu tiên bị phát hiện sự lợi dụng dấu doanh thu để trốn thuế và mục tiêu xa hơn nữa là kéo dài thời gian thu phí vì với lý do “chưa thu đủ vốn”. Còn câu chuyện này bấy lâu nay lùm xùm ở một số trạm thu phí khác như cách đây ít năm, Trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ đã từng bị nghi vấn gian lận phí giữa doanh thu thực tế so với doanh thu báo cáo của công ty. 

Vấn đề thể chế BOT đang còn lỗ hổng, chưa tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp kiểm tra, rà soát các dự án BOT để kịp thời uốn nắn, xử lý nghiêm nếu có sai phạm, chống gây thất thoát tài sản cho Nhà nước.

Đào Minh Khoa
.
.
.