Điểm yếu chết người của các chủ hiệu vàng và quái chiêu của những tên trộm

Thứ Bảy, 13/08/2016, 10:36
Tính đến thời điểm này, cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ xác định có 21 vụ trộm đột nhập xảy ra tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ. Trong đó có 10 vụ trộm tiệm vàng, 11 vụ trộm cơ sở kinh doanh. Tổng tài sản bị thiệt hại trên 10 tỷ đồng.


Qua đấu tranh, băng nhóm Nguyễn Văn Điệp (Điệp lùn, 46 tuổi); Lý Văn Đợi (Hải méo, 52 tuổi); Nguyễn Minh Thắng (Thanh mập, 53 tuổi) và Phùng Thanh Tâm (Tâm gầy, 42 tuổi), cùng ngụ TP Hồ Chí Minh; Lê Văn Mười (39 tuổi); anh ruột và anh rể Mười là Lê Văn Dũng (50 tuổi) và Nguyễn Văn Dân (42 tuổi), cùng ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long thừa nhận, đã thực hiện 15 vụ trộm, gây thiệt hại về tài sản hơn 10 tỷ đồng. 

Bọn chúng chọn những tiệm vàng ven nội ô, ở các chợ xã, thị tứ, thị trấn ven sông và gây án vào thời điểm nửa đêm về sáng. Lúc này, người dân họp chợ nên bọn chúng cắt, phá khoá, lỡ có tiếng động cũng không ai để ý.

Chuyên án được phá thành công vào cuối tháng 7-2016, Thượng tá Nguyễn Phú Thương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP Cần Thơ, đã chỉ ra hàng loạt “điểm yếu chết người” của các chủ tiệm vàng. 

Điển hình như, khi Tâm gầy đột nhập vào tiệm vàng tại Cái Bè (Tiền Giang), nghi phạm lấy quần áo chủ nhà phơi trên dây lót xuống nền để đi êm như trên đệm. Còn khóa cửa kính tủ tiệm vàng, Tâm dùng tua vít để mở. Khi đột nhập vào tiệm vàng Hiện – Tính Hà (Phong Điền, TP Cần Thơ) lấy đi số tài sản 1,5 tỷ đồng cũng vậy. 

Lý Văn Đợi và Lê Văn Mười.

Trước cửa tiệm vàng là công viên, có sáng đèn. Bọn chúng đánh vào tâm lý người đi đường như ngồi ghế đá, tập thể dục… để điều nghiên kỹ hiện trường, sau đó bịt khẩu trang vô hiệu hóa camera rồi mới cạy cửa vào bên trong. Lúc này, chủ tiệm vàng ngủ trên lầu không hề hay biết. Mười và Đợi đứng bên ngoài cảnh giới.

Vào bên trong, Điệp nhìn thấy thêm một camera nữa đã nhe răng cười rồi bình tĩnh mở tủ. Thấy vàng nhiều quá, Điệp ra sau bếp lấy thau giặt đồ hốt vàng và cho vào túi ung dung ra ngoài.

Sau đó, Điệp còn đột nhập vào cửa hàng bán điện thoại cách đó khoảng 80m. Chúng lấy xô rác đổ rác ra ngoài, hốt hơn 40 điện thoại bỏ vào rồi nhanh chóng ra vỏ lãi tẩu thoát. Tại tiệm vàng ở Hậu Giang, bọn chúng cắt khóa đột nhập như chốn không người, lấy đi tài sản trị giá 2,9 tỷ đồng.

“Bọn trộm căn thời điểm 2-3 giờ sáng, lúc này chủ tiệm vàng thường ngủ mê sau một ngày lao động mệt mỏi để gây án. Hoặc lúc này, chủ tiệm có nghe tiếng động thì dễ nhầm lẫn tiếng ồn do người dân họp chợ gây ra. Đây chính là điểm yếu chết người. Hầu hết các vụ trộm tiệm vàng, chúng đều đánh  vào điểm yếu này. 

Tiệm vàng Hiện – Tính Hà.

Trước khi thực hiện, bọn chúng giả bộ đi lên chợ mua thức ăn, khảo sát những tiệm vàng có mặt hậu tiếp giáp bờ sông. Sau đó, bọn chúng xuống ghe khảo sát để nghiên cứu hướng đột nhập. 

Nhiều tiệm vàng sử dụng kính 4-5 ly thì bọn chúng mở bằng cách nạy theo các đường nẹp, rãnh của các đường kính. Đối với cửa cuốn Đài Loan, bọn chúng nạy lên từng chút, nạy tới đâu thì chêm tới đó. Khi vừa khoảng trống để chui vào, bọn chúng nhanh chóng vào bên trong, xử lý cửa sắt. Nếu có khóa thì cắt khoá, gặp khoen thì cắt khoen”, Thượng tá Nguyễn Phú Thương cho biết.

Để bắt giữ được băng nhóm này, ngày 25-7, các trinh sát phát hiện Đợi và Thắng từ TP Hồ Chí Minh xuống Trà Ôn gặp Dũng để lấy ghe 3,5 tấn, đặt máy D24 di chuyển về Kế Sách (Sóc Trăng). Từ đây, bọn chúng di chuyển đến phường 9 (TP Sóc Trăng) rồi nhanh chóng chuyển hướng đi Bạc Liêu. 

Nhưng ghe bị sự cố nên bọn chúng chưa thực hiện. Sang đêm thứ 3 và thứ 4, Đợi và Thắng quay lại xã Thạnh Phú (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Nhờ đoán trước được hướng di chuyển và đặc điểm gây án nên Ban chuyên án chia làm 6 tổ, hơn 50 trinh sát được điều động ém quân tại các vị trí trọng yếu, bố trí lực lượng sử dụng phương tiện thủy giám sát các đoạn sông, rạch chúng có thể đi qua. 

“Một đêm, các trinh sát có thể di chuyển qua 3-4 tỉnh. Hàng chục trinh sát phải đeo bám bọn chúng từ đường bộ đến đường thủy đi từ Kế Sách, Đại Ngãi, Sóc Trăng, Bạc Liêu rồi quay ngược trở lại Mỹ Xuyên. Mùa này dưới sông mưa tầm tã, trời tối đen như mực nhưng các trinh sát vẫn phải kiên trì bám trụ và thông tin cho nhau qua hệ thống liên lạc. Nhiều trinh sát bị muỗi bu lại cắn khắp người nhưng cũng không dám đập vì sợ gây tiếng động”, Thượng tá Thương nói.

Ngoài ra, một tổ công tác khác do lực lượng đặc nhiệm, Cảnh sát cơ động (PK20) trầm mình dưới nước, gần nơi đối tượng đột nhập. Do vị trí sông rạch, nước cạn để tránh bị bọn chúng phát hiện nên các đồng chí đặc nhiệm không được sử dụng bình dưỡng khí mà phải ngậm ống đu đủ cho nổi lên mặt nước để thở. Khi Đợi đột nhập vào bên trong vừa lấy vàng xong thì bị trinh sát bắt giữ, Thắng toan lao xuống nước nhưng bị đặc nhiệm dưới nước khống chế.

Khi phá 4 lớp cửa rào đột nhập vào bên trong, tên Đợi chưa lấy vàng vội mà thủng thẳng xuống bếp xẻ dưa ăn chống đói. Trước khi đột nhập, Đợi đóng giả làm người ăn xin, nêu lý do là ghe hư nên xuống chợ xin tiền, trà trộn vào trong tiệm vàng quan sát. Thậm chí, Đợi còn vào luôn tiệm vàng Kim Hoàng xin tiền nhằm mục đích quan sát địa hình trước.

“Qua vụ án cũng cho thấy, các chủ tiệm vàng thường chủ quan ở chỗ cho rằng mình ở chợ, thường xuyên có người qua lại và tin tưởng việc bố trí 2-3 lớp cửa, hàng rào sắt; ngoài đường, trước và trong tiệm vàng đều sáng đèn nên bọn trộm rất khó đột nhập. Trong khi đó, hiện nay đa số các tiệm vàng nhỏ, lớn đều gắn thiết bị an ninh từ 2-3 camera trong ngoài, thậm chí kết nối với điện thoại nên rất mất cảnh giác. 

Qua điều tra cũng cho thấy, tại hầu hết các tiệm vàng bị đột nhập, buổi tối nhân viên và người nhà đều lên lầu ngủ trong phòng lạnh, còn ở dưới để tủ vàng nên có người đột nhập cũng không hề nghe tiếng động. Việc cắt, phá các cửa, ổ khóa, bọn chúng hoàn toàn không gây tiếng động mà dùng vải tưới nước rồi lấy kéo loại lớn có tay đòn dài để cưa  cắt. 

Người dân, đặc biệt các chủ tiệm vàng cần cảnh giác, gia cố cửa nẻo kiên cố, lắp đặt hệ thống chuông báo động, camera an ninh. Những loại tài sản có giá trị nên cất kỹ, không cần thiết trưng bày vào ban đêm để cảnh giác, đề phòng vì các loại tội phạm đột nhập hiện nay rất tinh vi”, Thượng tá Thương cảnh báo.

Văn Vĩnh
.
.
.