Nhiều người mắc bẫy “việc nhẹ, thu nhập cao”

Thứ Tư, 17/04/2019, 09:23
Thời gian qua, cả trăm người dân tại các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ bị lừa đảo, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng thông qua hình thức đặt cọc tiền nhận hàng gia công xâu chuỗi hạt nhựa, rèm cửa.

Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người có thời gian nông nhàn ở vùng quê, cần việc làm thêm cải thiện đời sống. Sau khi nhận tiền cọc của người dân, chủ cơ sở né tránh không nhận lại sản phẩm và chiếm đoạt tiền cọc.

Ngày 8-4, cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang cho biết đang thụ lý tin báo của người dân về việc, hộ kinh doanh Tâm Vân tại phường 10, TP Mỹ Tho do Phạm Ngô Cẩm Vân (25 tuổi, ngụ xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) làm chủ, có dấu hiệu lợi dụng việc kinh doanh huy động vốn.

Cơ sở này hoạt động từ tháng 7-2018. Vân mua hạt nhựa màu, hạt nhựa pha lê, hạt đá tại TP Hồ Chí Minh và tạo tài khoản trên mạng xã hội với tên “Na Phạm”, đăng thông tin tìm người gia công xâu chuỗi hạt. Những người có nhu cầu nhận hạt gia công phải làm hợp đồng và đặt cọc số tiền lớn. 

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định bắt tạm giam Võ Hồng Đào.

Cụ thể, hạt nhựa màu đặt cọc 600.000 đồng/kg, tiền công 300.000 đồng/kg; hạt nhựa đen đặt cọc 400.000 đồng/kg, tiền công là 200.000 đồng/kg…

Với hình thức này, hàng chục người đặt tiền cọc, nhận hợp đồng gia công xâu chuỗi mang về nhà làm. Sau khi hoàn thành sản phẩm, người dân mang đến giao hàng thì chủ cơ sở tránh mặt, không nhận sản phẩm.

Theo cơ quan điều tra, chủ cơ sở thừa nhận lý do đặt tiền cọc cao hơn so với giá trị hàng hóa là do một phụ nữ tại TP Hồ Chí Minh, nơi nhận hàng quy định. Mỗi kilogam sản phẩm xâu chuỗi hạt hoàn thành, Vân được hưởng 80.000 đồng.

Cơ quan điều tra cho biết, có 86 khách hàng với trên 200 hợp đồng gia công, trị giá tiền đặt cọc là trên 7 tỷ đồng. Hai người dân tố giác Vân cố ý thanh toán chậm tiền đặt cọc và tiền công gần 1,3 tỷ đồng. Ngoài trường hợp của Vân, trên địa bàn TP Mỹ Tho còn 3 cơ sở khác hoạt động kinh doanh cùng với thủ đoạn trên.

Cùng về thủ đoạn vừa nêu trên, ngày 6-4 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau đã bắt tạm giam Võ Hồng Đào (23 tuổi, ngụ thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình).

Đào bị khởi tố bị can vào tháng 9-2018 về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với hình thức nêu trên. Trong thời gian được tại ngoại vì nuôi con nhỏ, Đào tiếp tục sử dụng mạng xã hội với tài khoản “Như Nguyễn”, “Nguyễn Như” lừa đảo và chiếm đoạt tiền cọc của hàng chục người dân.

Theo cơ quan điều tra, ban đầu Đào sử dụng mạng xã hội với tài khoản “Cà Na”, đăng thông tin tìm người gia công xâu chuỗi hạt, rèm cửa với mức tiền công cao. Nhiều phụ nữ vùng quê có thời gian nhàn rỗi nhận hàng về gia công.

Các trường hợp này, Đào yêu cầu phải đặt tiền cọc. Tin tưởng, nhiều phụ nữ mang tiền tích góp, dành dụm ra đặt cọc và nhận hàng về gia công. Sau hoàn thành sản phẩm, nạn nhân giao hàng thì Đào không thanh toán tiền cọc lẫn tiền công. Đào còn thuê người tháo các chuỗi hạt đã xâu, đăng thông tin cần người gia công chuỗi hạt để nhận tiền cọc và chiếm đoạt.

Theo các nạn nhân, khi nhận hàng gia công, Đào đưa nhiều hợp đồng khác nhau, quy định tiền gia công mỗi loại hạt, ngày giao hàng cụ thể. 

Từ 7 đến 10 ngày, những người nhận gia công phải giao hàng cho Đào, nếu trễ phải bồi thường… Nạn nhân của Đào hầu hết là phụ nữ ở vùng nông thôn có thời gian nhàn rỗi, muốn kiếm thêm thu nhập. Có người rủ người quen, bà con họ hàng cùng nhận hàng về làm và bị chiếm dụng số tiền lớn. 

“Ban đầu, chị làm ít và được Đào thanh toán đầy đủ. Ham làm, chị nhận thêm hàng gia công rồi mới phát hiện bị cô này lừa”, chị D. (ngụ huyện Thới Bình, Cà Mau) nói.

Chính vì được trả tiền công cao, nhiều người lấy tiền dành dụm, tích cóp ra đặt cọc nhận hạt về gia công. Một phụ nữ ngụ Long An gửi đơn đến cơ quan điều tra Công an Cà Mau tố giác, qua tài khoản “Cà Na”, chị biết được thông tin Đào cần người gia công xâu chuỗi màn cửa. 

“Đào là chủ tài khoản này, ký hợp đồng gia công sản phẩm với tôi. Lần đầu, Đào yêu cầu đặt tiền hơn 300 triệu đồng cho 300kg hạt chuỗi. Sau khi giao thành phẩm, tôi  được trả tiền công sòng phẳng nên tin tưởng, vận động người thân tham gia”, nạn nhân này cho biết.

Theo thông tin ban đầu, tổng số tiền mà các nạn nhân các tỉnh Cà Mau, Đồng Nai, Long, An, Vĩnh Long, Trà Vinh… cho rằng đã bị Đào lừa đảo, chiếm đoạt đã gần 70 tỷ đồng. Công an tỉnh Cà Mau kêu gọi người dân bị các tài khoản mạng xã hội “Cà Na”, “Như Nguyễn”, “Nguyễn Như”, do Đào làm chủ lừa đảo với thủ đoạn trên đến cơ quan điều tra trình báo.

Cơ quan điều tra khuyến cáo, đây là thủ đoạn mới hết sức tinh vi nhằm lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thông qua hợp đồng giao dịch dân sự, đối tượng nhận tiền đặt cọc với giá cao hơn giá trị thực tế nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc huy động vốn, chiếm dụng vốn kéo dài không trả, sau đó chiếm đoạt. 

Quan trọng hơn là các đối tượng đã sập bẫy thành công khi đánh đúng tâm lý của “con mồi”, đó là công việc nhẹ nhàng, không cần tay nghề, từ trẻ con đến người già đều làm được, ngồi tại nhà nhưng lại có thể thu nhập... khủng. 

Với thủ đoạn như trên, có người bị chiếm dụng cả tỷ đồng. Các đối tượng hoạt động trong thời gian ngắn, sau đó bỏ địa điểm kinh doanh không thanh toán tiền đặt cọc và tiền công cho người dân hoặc viện cớ thua lỗ, bị người khác “giật nợ” rồi chiếm đoạt tài sản.

Như Anh
.
.
.