Đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” ở miền Tây Nam bộ

Kiên quyết xóa các băng nhóm cho vay lãi nặng (kỳ 2)

Thứ Bảy, 08/12/2018, 08:50
Từ đầu năm 2018, Công an các tỉnh, thành Tây Nam bộ đã mở nhiều cao điểm tấn công, trấn áp các băng nhóm có dấu hiệu hoạt động cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê. Đặc biệt là các nhóm người đến từ các tỉnh, thành phía Bắc.


“Mắt thần” chống cho vay nặng lãi

Công an TP Sa Đéc (Đồng Tháp) là một trong những đơn vị đấu tranh có hiệu quả đối với hoạt động cho vay lãi nặng nhờ hệ thống camera an ninh. Thiếu tá Nguyễn Thị Thu Trang, Đội Tổng hợp Công an TP Sa Đéc cho biết, toàn thành phố có 375 camera lắp đặt trên các tuyến phố trung tâm, nơi công cộng, khu dân cư, khu công nghiệp, các địa bàn trọng điểm về ANTT.

Qua hệ thống camera, hình ảnh trên địa bàn được truyền về máy chủ trung tâm để Công an giám sát toàn thành phố, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Qua hệ thống camera đã phát hiện 13 vụ, xử lý 28 đối tượng có hành vi treo, dán quảng cáo trên cột điện và phát tờ rơi cho vay tiền; tịch thu 1.340 tờ rơi quảng cáo cho vay tiền. Công an các xã, phường đã tháo gỡ 3.650 tờ quảng cáo, dán trên cột điện…

Công an TP Sa Đéc đã khởi tố bị can đối với Lê Thành Tài (37 tuổi, ngụ phường 4, TP Sa Đéc). Tài có 2 tiền án về tội cướp giật và trộm cắp tài sản, một tiền sự về hành vi xâm hại sức khỏe người khác. Qua điều tra, Tài cho 93 người vay tổng cộng hơn 2,6 tỷ đồng, với lãi suất 20%/tháng và thu lợi bất chính khoảng 500 triệu đồng.

Ban Chỉ huy Công an TP Sa Đéc cho biết, việc xử lý triệt để đối với các nhóm, trường hợp treo, dán quảng cáo, phát tờ rơi mang lại hiệu quả rất cao và hạn chế người dân tiếp cận vay tiền từ kênh thông tin này.

“Cơ quan Công an tăng cường công tác kiểm tra nhà trọ, nhà cho thuê để kịp thời phát hiện các nhóm cho vay ẩn náu để xử lý. Gọi hỏi, răn đe các đối tượng tham gia băng nhóm cho vay, kiềm chế hoạt động và kiên quyết xử lý đối tượng nghiện ma tuý trong các nhóm cho vay, đưa vào cơ sở cai nghiện”, Thượng tá Nguyễn Công Danh, Phó trưởng Công an TP Sa Đéc nói.

Công an TP Sa Đéc (Đồng Tháp) xử lý đối tượng phát tờ rơi quảng cáo, cho vay tiền.

Không để “tín dụng đen” có đất sống

Công an Đồng Tháp cũng đưa vào diện quản lý 59 nhóm với 366 đối tượng có biểu hiện liên quan đến các hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê, bảo kê. Trong đó, có 32 nhóm với 215 đối tượng đến từ các tỉnh, thành phía Bắc, hoạt động cho vay. Công an Đồng Tháp triệt xoá 80 vụ, bắt 166 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Trong đó, có 21 vụ, 48 đối tượng hoạt động cho vay, đòi nợ thuê và 44 vụ, 84 đối tượng phát tờ rơi. Còn lại là các hành vi gây rối trật tự, xâm hại sức khoẻ người khác, cưỡng đoạt tài sản, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép, bắt giữ người trái pháp luật. Cơ quan Công an thu giữ hơn 25.000 tờ rơi, quảng cáo, 698 hợp đồng cho vay. Qua điều tra đã khởi tố 4 đối tượng có hành vi cố ý gây thương tích xảy ra tại huyện Lai Vung, xử phạt hành chính 59 vụ, 99 đối tượng và đang củng cố hồ sơ, xử lý 19 vụ, liên quan đến 50 đối tượng.

Cơ quan điều tra rà soát đối với 10 công ty và chi nhánh trên địa bàn, có dấu hiệu của hoạt động cho vay tiền, theo hình thức “tín dụng đen”. Tháo, gỡ hơn 26.000 giấy quảng cáo dán trên các cây xanh, cột điện, cột tín hiệu giao thông. Kiểm tra đối với 156 cơ sở lưu trú, 59 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, lập biên bản xử lý 32 trường hợp, nhắc nhở 18 trường hợp. Công an Đồng Tháp thu giữ rất nhiều sổ sách, hợp đồng cho vay, với tổng số tiền ước tính trên 26 tỷ đồng.

“Đa phần các hợp đồng vay là góp tiền ngày, với lãi suất 20%/tháng trở lên và hợp đồng chỉ thực hiện tối đa một tháng. Điều đó cho thấy, tuy số tiền các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” không lớn, nhưng lãi suất thu lợi của các nhóm cho vay là rất cao”, lãnh đạo Phòng CSHS Công an Đồng Tháp cho biết.

Điển hình, nhóm cho vay bị bắt giữ tại TP Sa Đéc, qua điều tra đã cho vay 725 lần, với số tiền gần 2,9 tỷ đồng. Với phương thức góp tiền ngày, lãi suất 20%/tháng thì tổng lãi nhẩm tính là gần nửa tỷ đồng/tháng. Đại tá Dương Anh Kiệt, Trưởng phòng CSHS Công an Đồng Tháp cho biết, hiện các nhóm đối tượng hoạt động cho vay đã co cụm.

Nhiều băng nhóm không dám thu lãi số tiền đã cho vay mà chủ yếu là thu hồi nợ. Qua rà soát, có 3 nhóm cho vay đã rời khỏi Đồng Tháp, 11 nhóm tạm ngưng hoạt động…

Hệ thống camera an ninh phủ khắp TP Sa Đéc, giúp xử lý các nhóm phát tờ rơi.

Lãnh đạo Công an TP Cần Thơ cũng cho biết, qua rà soát trên địa bàn thành phố có 9 nhóm với 63 đối tượng, 6 công ty với 23 đối tượng cho vay nặng lãi; 5 công ty với 23 đối tượng và một văn phòng đại diện hoạt động đòi nợ thuê. Công an TP Cần Thơ đã xử lý 47 vụ liên quan đến 113 đối tượng.

Cụ thể, xử lý 34 vụ, 81 đối tượng cho 650 người vay trên 3,2 tỷ đồng và 13 vụ, 32 đối tượng đòi nợ, siết nợ. Thu giữ trên 200 hồ sơ vay, 92.000 tờ rơi, danh thiếp có nội dung cho vay tiền. Cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ, 9 đối tượng về các tội cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, bắt giữ người trái pháp luật, phát sinh trong quá trình đòi nợ thuê.

Khởi tố bị can đối với 4 đối tượng thuộc các nhóm khác nhau, có hành vi cho vay nặng lãi. Công an TP Cần Thơ lập danh sách 178 đối tượng hoạt động cho vay và có các biểu hiện hành vi, vi phạm pháp luật.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết qua đợt cao điểm, hoạt động cho vay lãi nặng theo kiểu “tín dụng đen” trên địa bàn được đẩy lùi. Các đối tượng không còn hoạt động công khai, không dám thu lãi nặng mà chủ yếu thu hồi nợ gốc, hầu hết chuyển sang địa bàn tỉnh khác.

Với kết quả này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao lực lượng Công an đã chủ động và là tỉnh đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt ra quân xóa hình thức tệ nạn và tội phạm nguy hiểm này.

Thượng tá Mai Ngọc Hà, Phó trưởng Công an huyện Vị Thủy (Hậu Giang) cho biết, hiện nhu cầu vay tiền của người dân, nhất là những người buôn bán nhỏ rất lớn. Nhiều trường hợp vay tiền khám chữa bệnh, đầu tư kinh doanh... nhưng khi đến ngân hàng đòi hỏi thủ tục khá rườm rà. Còn các đối tượng hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” thì mồi chài, lôi kéo người dân vay tiền với thủ tục đơn giản.

“Trong khi đó, các đối tượng hoạt động không có trụ sở, địa điểm cụ thể mà biến tướng theo dạng câu kết với nhau ở nhiều địa bàn nên gây khó khăn cho lực lượng Công an ở cơ sở trong việc điều tra, xác minh và xử lý. Việc phát hiện hành vi vi phạm của các đối tượng cũng khá phức tạp vì bản thân người bị hại và người vay tiền thường không trình báo”, Thượng tá Mai Ngọc Hà nói.

Nhóm PV ĐBSCL
.
.
.