Hành trình truy bắt kẻ mạo danh lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phía Nam

Chủ Nhật, 07/05/2017, 10:20
Nguyễn Duy Phương (tức Phương “pê đê”, 27 tuổi, ngụ xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau) đã sử dụng “chiêu” mạo danh nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam (từ Khánh Hòa đến đất mũi Cà Mau) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giở chiêu người thân gặp nạn…

Những tháng gần đây, Công an các tỉnh, thành phía Nam liên tục nhận được tin báo về việc xuất hiện đối tượng chuyên mạo danh lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và Công an tỉnh lừa đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà xe… trên địa bàn, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Công an nhiều tỉnh, thành phía Nam đã khởi tố vụ án để truy bắt đối tượng. Nhận định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) đã xác lập chuyên án đấu tranh sau khi “xâu chuỗi” những vụ đã xảy ra trước đó…

Điển hình, lúc 13h ngày 9-2, đối tượng giả danh lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp gọi điện cho giám đốc một ngân hàng trên địa bàn hỏi mượn 30 triệu đồng để gửi cho người cháu ruột ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Giám đốc ngân hàng hỏi lý do, được “lãnh đạo” cho biết, cháu ông bị TNGT cần tiền đóng viện phí.

Tiếp đó, khoảng 14h30 cùng ngày, đối tượng mạo danh lãnh đạo tỉnh Đồng Nai gọi điện cho chủ một cửa hàng điện thoại ở Đồng Nai hỏi mua điện thoại iPhone 7 plus với giá 22 triệu đồng, rồi yêu cầu cung cấp số tài khoản để người thân chuyển tiền. Sau đó, đối tượng yêu cầu giám đốc ngân hàng ở Đồng Tháp chuyển ngay số tiền trên vào tài khoản.

Thực tế, giám đốc này không biết mình chuyển tiền vào tài khoản cửa hàng điện thoại di động tại Đồng Nai. Trong vụ án này, cửa hàng điện thoại di động không bị mất điện thoại. Đối tượng đến cửa hàng nhận điện thoại và số tiền dư 8 triệu đồng.

Phương “pê đê” và đồng bọn.

Không chỉ vậy, đối tượng thường xuyên bắt các hãng xe thương hiệu nổi tiếng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phía Nam. Trên đường đi, đối tượng giới thiệu mình là lãnh đạo tỉnh mà nhà xe đang hoạt động trên địa bàn và yêu cầu nhân viên cung cấp số điện thoại các giám đốc hay phó giám đốc hãng xe để nói chuyện. Tiếp đó, đối tượng nói người nhà mình đang gặp tai nạn, bệnh hiểm nghèo để mượn từ 20 – 30 triệu đồng trở lên để lo viện phí. Tin tưởng “lãnh đạo” thật, nhiều nhà xe đã chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng.

Về phía nạn nhân, vì tâm lý e ngại khi hỏi lại số tiền hàng chục triệu đồng đã cho “lãnh đạo” mượn nên không dám tố cáo cơ quan Công an. Đáng lưu ý, đối tượng từng mạo danh hơn 10 lãnh đạo của một tỉnh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Lót dạ bánh mì phá án

Để truy bắt thủ phạm, lãnh đạo Cục C50 đã phân công nhiều tổ công tác xuống các tỉnh, thành phía Nam. Đặc biệt, suốt những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, các anh liên tục di chuyển bằng xe máy, xe đò, ăn bánh mì lót dạ, ngủ bụi tại bến xe các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Long An, Cà Mau, Bến Tre… để “đón lõng” đối tượng.

Một trinh sát Cục C50 kể lại: “Nhận được nguồn tin, chúng tôi có mặt ngay tại Bến xe Tiền Giang để truy bắt đối tượng. Tuy nhiên, đến nơi thì đối tượng lại di chuyển đến địa bàn tỉnh khác cách đó vài giờ. Khi các tổ trinh sát cắm chân ở nhiều tỉnh, thành miền Tây thì lại hay tin đối tượng đang xuất hiện tại huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục gây án. Một tổ trinh sát khác lập tức có mặt tại địa bàn này nhưng vẫn không phát hiện được đối tượng”. 

Tuy nhiên, các anh vẫn không nản lòng và tiếp tục “canh me” đối tượng tại Long An bởi đối tượng chưa gây án ở Long An.

Ngày 4-5, người dân cung cấp về việc xuất hiện hai đối tượng có biểu hiện nghi vấn mạo danh lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và Long An lừa đảo chiếm đoạt tài sản của cửa hàng xe môtô ở huyện Bến Lức (Long An). Lúc này, đối tượng mạo danh lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói cần mua một xe môtô với giá hơn 350 triệu đồng. Sau đó, đối tượng tiếp tục mạo danh lãnh đạo tỉnh Long An nói rằng, có bạn thân đang làm lãnh đạo ở Đồng Nai cần chiếc xe phân khối lớn cho con để được cửa hàng tin tưởng giao xe.

Lập tức một tổ trinh sát nhanh chóng có mặt tại cửa hàng trên. Các anh tới nơi thì phát hiện đối tượng có đặc điểm nhân dạng giống như nạn nhân đã cung cấp nên ập vào bắt giữ Nguyễn Duy Phương cùng Hồ Duy Tân (18 tuổi, ngụ Bến Tre). Phương còn ma mãnh nói rằng “các anh đã bắt nhầm người” nhưng sau đó đã cúi đầu trước tài liệu, chứng cứ mà trinh sát trưng ra.

Bước đầu khai nhận, từ đầu tháng 3-2017 đến nay, Phương đã sử dụng hơn 12 điện thoại khác nhau để phục vụ lừa đảo. Phương thường xuyên gọi điện cho giám đốc các ngân hàng, công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp… trên địa bàn  hỏi vay mượn tiền với nhiều lý do khác nhau.

Một lãnh đạo Cục C50 cho biết thêm: Trước khi mạo danh, Phương thường vào các trang web của Tỉnh ủy, UBND tỉnh… để tìm hiểu danh tính của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành. Sau đó, Phương dùng nhiều điện thoại, nhiều sim rác, giả giọng lãnh đạo các tỉnh, thành để liên lạc với “con mồi”, cũng để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Phương có thể đã mạo danh hàng trăm người là lãnh đạo các tỉnh thành để lừa đảo.

Gần đây nhất, Phương mạo danh lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị công tác dưới các tỉnh miền Tây để lấy tiền doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng. Phương nói đang cần tiền để trang trí hoa (hàng đặt mua tại TP Hồ Chí Minh) phục vụ đón khách nhằm chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng. Ngoài ra, Phương còn sử dụng rất nhiều kịch bản, giả giọng được cả người già, trẻ em, phụ nữ… để lừa đảo.

Quá trình truy bắt đối tượng nghi vấn, Ban chuyên án phát hiện đối tượng còn lừa các sư thầy đang trụ trì ở nhiều tỉnh, thành phía Nam. Phương đề nghị, nhiều sư thầy chấp nhận chi từ 10-20 triệu đồng với hứa hẹn sẽ đưa nhiều đoàn từ thiện về hợp tác với chùa.

Thực tế, đoàn từ thiện đâu chẳng thấy mà “người hảo tâm” đã lặn tăm. Có thời điểm Phương gặp phải sư thầy “cứng cựa”, để tăng thêm tin tưởng, đối tượng còn mạo danh người đang đứng đầu một tổ chức từ thiện hứa hẹn ngày giờ, thành phần đoàn đưa hàng xuống hỗ trợ. 

Đức Mừng
.
.
.