Đòi nợ thuê, vấn đề pháp lý và những hệ lụy
Ở ngoài đời, các “đại ca” xưng hùng xưng bá với nhiều thủ đoạn chiêu mộ “đệ tử” làm tay chân. Đặc biệt, họ nghĩ ra trăm phương nghìn kế để đòi nợ, từ đe dọa, ném chất bẩn đến bắt giữ người trái pháp luật để đòi nợ. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, họ còn nghĩ ra những phương thức hoàn toàn mới, có thể trói buộc người vay nợ nhưng vẫn “lách” được luật.
Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, cho dù tinh vi, xảo quyệt, cuối cùng họ vẫn không tránh được pháp luật. Gặp lại các “đại ca” và cả các “đệ tử” trong trại giam, nghe họ trải lòng về những chiêu trò đòi nợ cũng như cái giá họ phải trả.
“Đại ca” Lê Thanh Hợp (Hợp Cán), 41 tuổi, trú ở phường Phú Sơn, TP Thanh Hoá từng nổi danh ở Thanh Hoá với vai trò chủ mưu, chỉ đạo chính trong băng nhóm đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi do Lê Khắc Cường (Cường chưởng) cầm đầu. Băng nhóm này nổi danh như cồn bởi “quân sư” Lê Thanh Hợp là kẻ vô cùng mưu mẹo, gian manh và tàn ác trong việc đòi nợ thuê, thanh toán lẫn nhau.
Dù Lê Khắc Cường đứng vai trò chính nhưng mọi thủ đoạn từ xiết nợ đến thanh toán đối thủ, chiêu nạp đàn em... đều do Hợp “cán” chỉ đạo. Cả Hợp và Cường cùng 2 đàn em sa lưới khi chúng gây ra vụ thanh toán đối thủ ở TP Thanh Hoá khiến 1 người chết, 4 người bị thương. Trong vụ án trên, Lê Thanh Hợp chính là người trực tiếp vác AK nã vào đồng bọn, sau đó bày mưu cùng Lê Khắc Cường bỏ trốn.
Bây giờ, thay vì cầm súng, Hợp đã cầm muôi lao động tại đội bếp của Trại giam Ninh Khánh. Nhớ về những ngày còn “ở ngoài”, Hợp bảo “Em chỉ tiếc mình không “ngộ” ra sớm chị ạ. Giờ ở trong này mới biết cuộc sống còn có nhiều thứ đáng quý hơn tiền bạc và “số má”. Vì tiền bao nhiêu cũng hết, “số má” khi đã “kho” rồi cũng chả để làm gì. Chỉ khổ bố mẹ, con cái mình thôi...”.
Phạm nhân Lê Thanh Hợp và Vũ Văn Ba. |
Kể về những “chiêu trò” để đòi nợ, dằn mặt đối thủ, Hợp bảo: “Lúc đó cũng chả nghĩ gì đâu chị ạ. Miễn là làm thế nào để “nảy số” nhanh thôi. Nhóm em lúc đó đông lắm, có lúc 40-50 đứa, toàn lâu nhâu trẻ con mới lớn, rủ nhau tìm đến”. Theo lời Hợp thì sở dĩ băng nhóm của hắn nhanh có tiếng, mặc dù “non trẻ” hơn các băng nhóm khác ở TP Thanh Hoá là vì Lê Khắc Cường vốn là con nhà có gia thế ở TP Thanh Hoá, lại có thông gia với một cán bộ lãnh đạo của VKSND tỉnh. Chính vì vậy, việc làm ăn của gia đình Cường khá thuận lợi. Đặc biệt là khi mở vũ trường Vùng trời xanh, nơi đây được coi là tụ điểm ăn chơi của giới trẻ ở Thanh Hoá.
Với xuất thân như vậy, lại có máu liều và bản tính côn đồ, hung hãn nên Cường nhanh chóng nổi danh. Hợp vốn gốc “nhà quê” ở tận huyện Thạch Thành, hơn Cường tận 8 tuổi có đầy đủ tố chất của một “đại ca” máu lạnh, “đầu quân” cho Cường với vai trò “phó tướng” nhưng có “quyền sinh, quyền sát”, chỉ đạo mọi hoạt động trong băng nhóm này.
“Lúc đầu, khi chưa có tiếng thì thu nạp “bọn trẻ con” hơi khó khăn, nhưng sau chúng tự tìm đến. Toàn đứa không chịu học hành, chơi bời, điện tử “như ranh”, có đứa tí tuổi đã “nghiện lòi mắt”, bảo làm gì chả làm”. Tôi hỏi “Thế có phải nuôi, cho tiền hay cho ma tuý chúng không?”.
Hợp cho biết “Cũng tuỳ chị ạ, “đi làm” về thì cho ăn uống hát hò thoải mái. Đứa nào cần ma tuý thi thoảng cũng cho. Không thể chiều chúng “đẫy” được. Tố chất quan trọng nhất của mình là làm thế nào để đàn em nó phục. Thứ nhất, phải giỏi hơn chúng “một cái đầu”, không được để chúng láo nháo, đứa nào “vớ vẩn” ăn đòn ngay. Thứ 2 là đối xử công bằng, tử tế với chúng. Mọi người tưởng thế thôi chứ giang hồ cũng có luật của giang hồ, mình không tử tế không bao giờ chúng phục. Bố mẹ, vợ con chúng ốm đau mình có chế độ đàng hoàng. Chúng đi “làm việc” mà bị bắt cũng thăm nuôi cẩn thận. “Đi làm” về, tiền cũng cho sòng phẳng, đứa nào công nhiều cho nhiều, đứa công ít, cho ít, không để bọn chúng tị nạnh nhau. Có thế, bọn trẻ nó mới phục mình”.
Kể về các chiêu trò đòi nợ, Hợp cho biết, khi cho vay, cho nợ thì phải “nhìn mặt” người vay mới xuất tiền. Con nhà quan chức hoặc đại gia thì cần bao nhiêu cũng có đủ. Đến hạn nếu chúng trả đủ thì thôi, không trả thì điện thoại cho bố mẹ chúng nhắc. Với bọn này thì không lo gì bởi con nhà quan chức thì bố mẹ rất sợ mang tiếng. Còn những đứa khác, kiểu “cờ bạc rạc dài” thì bọn em cho vay ít thôi, “cắt phế” trước, không trả được thì “có cách” ngay. Còn những người làm ăn, vay nợ nhau không thanh toán được “nhờ” bọn chúng đòi thì cũng có “luật”. Thường thì “cắt phế 30-50%” tuỳ theo quan hệ.
“Thường thì bọn em cũng ít khi “động tay” lắm, chỉ cho mấy đứa đến nhà ngồi thôi. Chả chửi bới, đánh đập gì cả. Nhà nào quá lắm thì mang thêm mấy cái bếp lò đến nấu nước rồi uống với nhau. Không thì ngày nào cũng ngồi, đuổi không đi, gọi Công an đến thì bọn em về. Hôm sau lại đến. Công an cũng chả ngồi đấy mà canh được. Mà bọn em cũng không đánh đập, chửi bới gì nên không xử lí được” – Hợp cho biết.
“Thế còn ném chất bẩn và bắt giữ con nợ? Chẳng phải là chiêu mà các anh hay làm à?”. “Cái này cũng tuỳ chị ạ, bần cùng mới làm thế. Không phải lúc nào cũng làm. Đối với những đứa quá vớ vẩn bọn em mới phải làm thế. Bọn em thế thôi chứ cũng phải tìm hiểu luật chán, chả dại mà vi phạm”.
Theo lời Hợp thì thường những người nợ nần lâu, quá hạn, có điều kiện trả nhưng không muốn trả mới vứt chất bẩn vào nhà. Hoặc nhiều người, gia đình có tiền nhưng không muốn trả thì mới giữ người để đòi. Còn, thông thường là cho đàn em đến “ngồi” lì ở nhà, ăn uống luôn ở nhà con nợ để đợi. Các việc khác như mang chó mèo đến thì “ít áp dụng”. “Nói thật với chị chứ nhiều người chây ì lắm, vay nợ người ta ăn chơi rồi không muốn trả, ai chả điên. Riêng những đứa ấy thì bọn em gặp đâu đánh đó, không cần hỏi nhiều. Có thế thì đứa khác mới sợ”.
Khác với Hợp, Nguyễn Tiến Hải, 29 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội, từng tham gia băng nhóm đòi nợ thuê cho Tiến “nổ” cầm đầu, bị bắt vì tội cưỡng đoạt tài sản gần 10 năm trước. Lúc đó, Hải mới 20 tuổi, học ít, ham chơi, theo bạn bè lên Hà Nội lêu lổng rồi được Tiến “nổ” thu nạp. Ở đó, hắn được ăn, được chơi “thuốc”, thậm chí được “đá phò”. Công việc thì cũng khá nhàn. Lúc nào “anh Tiến” sai làm gì thì làm đấy. Thi thoảng trộn chất bẩn với mắm tôm ném vào nhà con nợ, lúc thì đến ngồi lì mấy ngày liền. Có lúc “tát vỡ mồm” cái thằng sinh viên vay chục triệu lại trốn về quê định không trả.
Hải bị bắt khi cùng đồng bọn lôi xềnh xệch anh Hoàng Văn Ch ở Từ Liêm, Hà Nội từ trong quán karaoke ra một ngôi nhà ở ngoài đê để giữ lại, gọi điện cho người nhà mang tiền đến chuộc về. “Em nói thật là em chỉ nghĩ nợ tiền là phải trả thôi. Thằng này nó láo lắm chị ạ, bọn em rình gần chết mới bắt được. Điên quá mỗi thằng vả cho nó vài phát. Thế mà nó chết, thành ra bọn em “đi cả nút”.
Tôi hỏi Hải về việc “đại ca Tiến nổ” có thăm hỏi hay không, Hải thật thà “anh ấy cũng bị bắt rồi còn đâu mà thăm chị. Lúc ra toà, trông anh ấy cũng khổ lắm, 2 đứa con nheo nhóc. Mẹ em thì khóc ngất. Nghĩ cũng thấy buồn. Lần này được về em đi làm thợ kiếm sống thôi chị. Nghề này bạc lắm, trước sau gì cũng chết thôi...”.
Như vậy, dù là “đại ca” hay “đệ tử” non nớt, thì khi vướng vòng lao lí đều vô cùng ân hận về những việc làm của mình. Bởi, chính họ - những người trong cuộc đều hiểu rằng, khi đã vướng vòng lao lí thì dù tiền bạc, hay “số má” thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì. Điều ý nghĩa nhất đối với một con người, đó chính là gia đình, là cuộc sống tự do ở ngoài xã hội...
“Rồi cũng chả để làm gì đâu chị ạ. Của thiên trả địa hết mà. Sau khi em với Cường đi, “bọn trẻ con” cũng tự giải tán hết. Một số thì tự về làm ăn riêng kiểu “lìu tìu”, đứa theo nhóm khác. Em thoát chết là may rồi, chưa biết ngày nào ra, 2 đứa con ở với ông bà nội. Chả biết bố mẹ em có còn sống lâu để lo cho chúng hay không.
“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, em nghiệm rồi, tất cả những đại ca cuối cùng cũng có kết cục chả ra gì. Em may mắn có 2 đứa con ngoan ngoãn, hi vọng em hối lỗi rồi thì trời thương xót.
Nói thật với chị, em mà không bị bắt, cứ sống thế mãi rồi con cũng hư hỏng. May em bị bắt, bố mẹ em nuôi bọn trẻ mới được như thế, chứ vợ chồng em, đứa đi tù vì ma tuý, đứa làm “đại ca” đòi nợ thuê, cũng chả hay ho gì... ”- giọng Lê Khắc Hợp trầm buồn tâm sự. |