Cục Cảnh sát hình sự giải cứu thành công một doanh nhân nước ngoài bị bắt cóc, đòi 2,5 tỷ tiền chuộc:

Cho bạn gái lên Facebook dụ nạn nhân ra Hà Nội để bắt cóc (Bài cuối)

Thứ Tư, 20/07/2016, 08:43
Cách thời điểm anh Đường Thiệu Dân bị bắt giữ khoảng 2 tháng, trên Facebook của anh Dân, bất ngờ có nickname của một cô gái có tên là Mai Hương làm quen. Sau đó, cô gái này nhắn tin qua Facebook nói đang buôn bán quần áo, muốn anh Dân chỉ chỗ lấy hàng từ Trung Quốc về Việt Nam…

Tuy nhiên, Mai Hương thực ra là bạn gái của đối tượng Nguyễn Văn Nam. Nam đã chỉ đạo Hương câu nhử anh Dân để anh “trúng kế”, bay ra Hà Nội để chúng tổ chức bắt cóc.

Do không nghi ngờ gì, ngày 12-7, anh Đường Thiệu Dân bay từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội và hẹn với cô gái quen trên Facebook Mai Hương đến đón tại sân bay. Đến 2h, khi anh Dân đến Nội Bài, Hương đã cử một nam thanh niên tên Tuấn đi xe ôtô dạng Vios màu bạc đến đón anh Dân. Khi anh Dân lên xe của người lái xe này, đi được khoảng 1km thì xe dừng lại đón thêm 2 đối tượng nam giới lên xe.

Ba đối tượng này đưa anh Dân về 1 khách sạn tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) để thuê phòng nhưng không được. Tiếp đó, nhóm đối tượng đưa anh Dân về một nhà nghỉ gần bến xe Nước ngầm (anh Dân không nhớ rõ địa chỉ) thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội và thay nhau trông giữ anh Dân. Lúc này, anh Dân đã thấy nghi ngờ nhưng trước bộ dạng hằm hè của các đối tượng nên anh không dám phản ứng gì. 

Anh Đường Thiệu Dân đang ghi lại diễn biến sự việc tại cơ quan Công an.

Đến 7h cùng ngày, Nguyễn Văn Nam xuất hiện, đi cùng 1 người Trung Quốc (anh Dân không biết là ai) đến khách sạn thì anh bắt đầu hiểu sự việc. Bởi trước đây anh Dân đã bảo lãnh cho một người tên là Thôi Vượng (biệt danh “Ông già”) vay của Nam khoảng 700.000 NDT. Nam nói với anh Dân nội dung không tìm được “Ông già” người Trung Quốc thì Dân phải trả tiền cho Nam. Vừa nói, Nam vừa dùng dùi cui và tay để đánh nạn nhân. 

Trước khi cùng người đàn ông Trung Quốc rời khỏi phòng, Nam ra lệnh cho 3 đối tượng kia đưa anh Dân đến chỗ nhà nghỉ Hương Giang. Gã cũng không quên đe anh Dân: “Ở đó có rất nhiều người xử lý mày!”.

Khoảng 10h cùng ngày, 3 đối tượng đưa anh Dân tới nhà nghỉ Hương Giang, thuộc huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Lên tới phòng 701, chúng dùng thắt lưng buộc cổ, dùng tay, chân đánh anh Dân, ép anh gọi điện thoại cho người thân gửi tiền chuộc. Do anh Dân không nhớ số lưu trong danh bạ, các đối tượng đã đưa điện thoại của anh để anh gọi. 

Đúng lúc này, con gái anh nhắn tin thoại vào máy: “Bố đang ở đâu rồi, tại sao bố chưa về đến nhà…”. Nghe giọng con nói, anh Dân rớt nước mắt. Thấy anh ngần ngừ cầm điện thoại, bọn chúng lại giục gọi cho người thân… Anh Dân đành gọi điện thoại cho một người bạn Việt Nam ở tỉnh Bình Dương để mượn tiền. Trong cuộc nói chuyện, anh có nói đến việc bị bắt cóc đòi tiền. Nghe thấy thế, các đối tượng đã xông vào đánh anh Dân ngất xỉu mới thôi.

Đến khoảng 18h cùng ngày, thì có nhóm 2 thanh niên khác đến trông thay cho 3 đối tượng ban đầu. Lúc này, 3 đối tượng ban đầu lấy đồ đạc cá nhân của anh Dân gồm: 1 bao da đựng thẻ ATM, thẻ khách sạn, card visit, 1 ví tiền trong đó có 6,6 triệu đồng, GPLX của Trung Quốc, GPLX của Việt Nam cấp, giấy CMND Trung Quốc, thẻ ngân hàng Trung Quốc, 1 hộ chiếu, 1 nhẫn vàng 18k (trị giá 5 triệu đồng), 1 vòng tay (trị giá 2 triệu đồng), 1 vali đựng quần áo… rồi bỏ đi.

Khoảng 1h ngày 14-7,  đối tượng Phạm Văn Tuấn thuê phòng 601 của khách sạn Hương Giang. Sau đó, Tuấn đi cùng đối tượng Nguyễn Văn Mùi lên phòng 701 nơi giam giữ anh Dân. 

Khi vào phòng, Tuấn dùng 1 con dao dài khoảng 40cm dạng gấp gí vào cổ trái của anh Dân đe dọa: “Mày nợ tiền của anh Nam thì mày phải trả. Nếu ngày mai mày không trả thì tao xin mày một cái tai, ngày kia mày không trả thì tao xin mày một cánh tay và một cẳng chân”. 

Không dừng ở đấy, Tuấn còn liên tục dùng lời lẽ chửi bới, đe dọa buộc anh Dân phải gọi điện cho người thân để chuyển tiền trả cho Nam. Sau đó Tuấn và Mùi đi xuống phòng 601 để ngủ. Các đối tượng thay nhau trông anh Dân như vậy cho đến khi bị lực lượng Công an bắt giữ.

Sáng 18-7, chúng tôi đã tiếp xúc với nạn nhân Đường Thiệu Dân tại trụ sở Cục Cảnh sát hình sự khi anh đang đến lấy lại lời khai. So với hôm anh được giải cứu, theo các trinh sát, sức khỏe và tinh thần của anh đã khá hơn lên rất nhiều.

Lúc này, anh Dân đang ngồi cùng với người phiên dịch tiếng Trung Quốc để tường trình lại vụ việc diễn ra. Thấy chúng tôi vào, anh Dân chào bằng tiếng Việt Nam khá sõi, anh cho biết có thể nói được tiếng Việt nhưng nhiều từ vẫn chưa hiểu hết. 

Kể lại quãng thời gian bất ngờ bị bắt cóc, di chuyển nhiều nơi, anh Dân cho biết: “Giữa ranh giới sự sống và cái chết, tôi sợ hãi và tuyệt vọng, tôi đã nghĩ rằng mình không còn được về với gia đình nữa”. 

Ngừng trong giây lát, anh xin phép hút điếu thuốc trầm tư: “Tôi bị các đối tượng đánh mấy lần. Lần gọi điện cho bạn ở Bình Dương. Rồi lần tôi chờ thời cơ các đối tượng bắt cóc không để ý đã nhắn tin cho bạn, nhắn 1 lần nhưng chắc bạn không hiểu nhắn tin lại. Thế là chúng đọc được đánh tôi tới tấp”.

Khi thấy cánh cửa phòng nghỉ bật mờ, anh Dân quá bất ngờ. Anh không nghĩ mình là công dân nước ngoài lại vẫn được lực lượng Công an sở tại quan tâm, giải cứu nhanh đến thế. Anh lao về phía lực lượng Công an: “Công an Việt Nam đến, tôi cảm thấy đây như là vị cứu tinh từ trên trời xuống hoặc chính nghĩa đã đến để cứu tôi” - anh Dân nhớ lại.

Một đồng chí Công an trong lực lượng giải cứu động viên anh Dân bình tĩnh và nói rằng: “Chúng tôi đã tìm anh 1 ngày 1 đêm rồi…”. “Lúc đó, tôi mới hiểu được nỗi vất vả của các anh Công an Việt Nam, họ dày dạn kinh nghiệm, nhiệt tình, tôi rất cảm kích và biết ơn chân thành từ đáy lòng”- anh Dân xúc động cho biết.

Anh Dân còn tâm sự, anh mất hết cả các giấy tờ nhưng đã được các anh Công an Việt Nam chăm sóc chu đáo từ cái ăn đến chỗ ở. “Tôi rất bất ngờ trước cách làm việc và tấm lòng của Công an Việt Nam. Họ đã cho tôi sự sống lần thứ 2. Điều đó tôi luôn ghi khắc trong tim”- vừa nói, anh Dân vừa đưa tay lên ngực trái để biểu hiện sự xúc động và biết ơn của mình.

T. Hòa- M. Hiền
.
.
.