Cẩn trọng khi dùng thẻ ATM để không bị mất tiền
Điều đáng nói là một số nạn nhân, có cả người nước ngoài, do chủ quan nên khi mất thẻ tín dụng không làm động tác ngăn chặn cho đến khi số tiền trong tài khoản bị các đối tượng rút sạch hoặc sử dụng thẻ để mua sắm.
Tối 10-10, ông Raianikant Laxmanbbai Patel (SN 1959, quốc tịch Ấn Độ) cùng một số người bạn dừng chân xem biểu diễn nghệ thuật trước Nhà hát Thành phố thì có một nhóm người tìm đến xin chụp hình chung, ông Patel vui vẻ nhận lời. Tuy nhiên khi nhóm người này rời đi, ông Patel phát hiện chiếc túi đeo chéo trước ngực bị kẻ gian mở khóa lấy đi 900 Euro, 12.000 Rupees, 1,5 triệu đồng và 3 thẻ tín dụng.
Ông Patel hỏi thăm người dân để đế Công an phường Bến Nghé trình báo. Trên đường đi ông nhận được tin nhắn qua điện thoại, một trong 3 thẻ tín dụng của ông bị kẻ gian sử dụng vào việc mua hàng hóa hết 141 ngàn Pupees (khoảng 50 triệu đồng). Ông Patel đã nhanh chóng kết nối với ngân hàng để khóa cả 3 thẻ tín dụng lại.
Một số nạn nhân khác là anh Oh Yeyoung (SN 1986, quốc tịch Hàn Quốc) bị mất trộm tài sản tại khu vực Nhà thờ Đức Bà, thẻ tín dụng của anh bị kẻ gian sử dụng mua hàng 2 lần với tổng số tiền trên 40 triệu đồng. Anh Jacob Austin Johnson (SN 1993, quốc tịch Mỹ) bị mất ĐTDĐ tại Sân vận động Hoa Lư, kẻ gian đã dùng tài khoản điện tử cài đặt trong điện thoại chuyển qua một tài khoản khác 35 triệu đồng.
Một đối tượng nước ngoài sử dụng công nghệ cao trộm tiền trong tài khoản bị Công an bắt quả tang. Ảnh A.X. |
Nhiều nạn nhân không bị mất thẻ ATM nhưng số tiền trong tài khoản cũng bị rút sạch. Anh Đ.K.T (ngụ Thủ Đức) đến giờ vẫn chưa thể hiểu vì sao thẻ ATM anh luôn cất kỹ trong bóp nhưng số tiền trong thẻ lại bị rút mất.
Là công nhân nên dành dụm cả 2 tháng trời anh T., mới để dành được 8 triệu và đem bỏ vào thẻ ATM. Khoảng năm bửa, nửa tháng anh T., lại ra cây ATM kiểm tra tài khoản của mình. Một buổi tối cuối tháng, trong lúc đang nằm trong nhà trọ, điện thoại anh T., liên tục báo tin nhắn đến, nội dung của 4 tin nhắn thông báo tài khoản của anh T., liên tục bị rút tiền, mỗi lần rút 2 triệu đồng, số dư còn lại chỉ 55 ngàn.
Anh T., hoảng hốt lật đật mở bóp ra xem thì thấy thẻ ATM vẫn còn trong bóp, sáng hôm sau anh T., lên ngân hàng trình báo. Phía ngân hàng kiểm tra và cho biết, có khả năng trong những lần anh T., đưa thẻ ATM vào máy kiểm tra tài khoản, thẻ của anh T., đã bị các đối tượng sao chép thông tin và làm thẻ giả rút tiền.
Thủ đoạn đánh cắp tài khoản từ các thẻ ATM của các đối tượng sử dụng công nghệ cao thời gian gần đây xuất hiện liên tục, xảy ra tại TP HCM và nhiều địa phương khác. Các nạn nhân bị rút tiền, thẻ ATM bị các đối tượng lấy được sử dụng vào việc mua hàng hóa hay các đối tượng tội phạm công nghệ cao sử dụng các thiết bị lắp đặt trong trụ ATM để đánh cắp thông tin khá phổ biến.
Nhiều đối tượng lừa đảo, trộm tài sản bằng thiết bị công nghệ cao đã bị Công an TP HCM và Công an các tỉnh thành triệt phá, trong đó đa phần là đối tượng người nước ngoài.
Công an TP HCM khuyến cáo người dân khi bị mất trộm, tài sản có thẻ tín dụng thì nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để chặn các giao dịch, khóa tài khoản.
Các đối tượng sử dụng công nghệ cao để trộm cắp tiền trong tài khoản cá nhân rất tinh vi, thường nghiên cứu kỹ hoạt động của từng ngân hàng, vị trí đặt trụ ATM sau đó gắn các thiết bị đánh cắp thông tin, mật khẩu của khách hàng.
Các đối tượng sau khi có đầy đủ thông tin của nạn nhân đã tìm đến một địa điểm khác rút tiền, tránh bị Công an theo dõi. Do đó, người dân cần bảo mật thông tin về tài khoản của mình, không để lộ mã pin, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch, mật khẩu email.
Hạn chế sử dụng wifi tại quán cà phê, nơi công cộng để đăng nhập các giao dịch với ngân hàng (internet banking) để tránh bị trộm thông tin, thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng ngân hàng khi không sử dụng nữa.
Đối với người rút tiền tại các trụ ATM, cần kiểm tra khe thẻ trên máy ATM, che bàn phím khi nhập mật khẩu tài khoản để tránh mất tiền một cách oan uổng.