Trực diện cuộc chiến chống "cát tặc"

Cấp phép khai thác cát: Hệ thống luật pháp đang có lỗ hổng lớn

Chủ Nhật, 02/04/2017, 09:45
Ngày 1-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã làm rõ, tạm giữ 2 đối tượng đe doạ Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh  và một số cán bộ của tỉnh này.
Bài cuối: Cấp phép khai thác cát: Hệ thống luật pháp đang có lỗ hổng lớn

Lực lượng chức năng đang làm rõ, mục đích các đối tượng trên đe doạ lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh nhưng bước đầu xác định việc nhắn tin đe doạ trên liên quan đến mâu thuẫn trong xin giấy phép khai thác cát. Điều này càng minh chứng rõ hơn cho sự quyết liệt, cam go và khó khăn cho cuộc chiến chống khai thác cát trái phép bởi không chỉ là các đối tượng hình sự thông thường hay là những người dân tự phát mua tàu khai thác trái phép theo dạng “trộm cắp” nhỏ lẻ. 

Đối tượng của cuộc chiến chống “cát tặc” lớn nhất, nguy hiểm nhất và cũng tinh vi nhất hiện nay đó là tội phạm kinh tế. Bởi những người  chủ thực sự của các mỏ cát đều là những người hiểu biết pháp luật, có tư vấn pháp luật, dựa trên danh nghĩa công ty, dựa trên giấy phép là “lá bùa” hộ mệnh để lợi dụng khai thác tài nguyên. 

Đối tượng Vũ Anh Toàn (Toàn cụt) và đồng bọn bị đưa ra xét xử.

Trên thực tế, để có được “lá bùa” đó, cũng không hề đơn giản, các chủ doanh nghiệp này cũng phải đi lại nhiều nơi, nhiều lần với nhiều mối quan hệ khác nhau. Chính vì vậy, khi có giấy phép, phần lớn họ chỉ quan tâm đến việc kiểm đếm khối lượng cát, còn lại toàn bộ hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, đảm bảo an toàn đều thuê người khác làm nên chi phí bỏ ra thấp mà lợi nhuận đạt rất cao.

Chính vì vậy, khi bị đụng chạm đến lợi ích, các đối tượng này tìm mọi cách trốn tránh, chống đối, thậm chí đe doạ ngược lại chính quyền sở tại như ở Bắc Ninh.

Theo quy định của pháp luật, hiện nay, có 3 đơn vị được cấp phép liên quan đến khai thác cát, sỏi đó là Bộ Tài nguyên và Môi trường (cấp giấy phép cho những đơn vị khai thác mỏ có trữ lượng lớn); UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp giấy phép các mỏ và Bộ Giao thông vận tải (cấp phép nạo vét, khơi thông luồng đường thuỷ nội địa và luồng hàng hải). 

Đơn vị nào cấp phép phải có trách nhiệm quản lí, theo dõi. Qua nghiên cứu cho thấy, hồ sơ, phương án khai thác đầy đủ, nhưng mới nằm trên giấy, còn trên thực tế, việc giám sát hoạt động này sau cấp phép chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí buông lỏng và phát hiện, xử lý chủ yếu vẫn là lực lượng Công an, trong đó có nhiều vụ do lực lượng Cảnh sát đường thuỷ phát hiện, xử lý hành chính và đề nghị xử lý hình sự. 

Cụ thể như trường hợp của Công ty TNHH thương mại Anh Tùng và Công ty TNHH Quảng Tây chúng tôi đã nói ở 2 kỳ trước. Công ty Anh Tùng được cấp phép duy tu luồng đường thuỷ quốc gia, tận thu sản phẩm; ngày 11-4-2015 Cục đường thuỷ nội địa mới bàn giao mốc giới theo dự án nhưng từ ngày 17-1-2015 Công ty này đã khai thác. 

Như vậy, Công ty Anh Tùng đã khai thác trước so với giấy phép gần 3 tháng. Thế nhưng, cơ quan chức năng cấp phép không phát hiện ra. Trường hợp Công ty Quảng Tây cũng tương tự như vậy. Công ty này được phép khai thác theo phương pháp lộ thiên nhưng đã dùng tới 4 tàu cuốc khai thác suốt ngày đêm nhưng cũng không ai giám sát, phát hiện.

Không chỉ thế, việc đánh giá trữ lượng cát, giá trị cát cũng là vấn đề đáng quan tâm bởi theo giấy phép được cấp thì trữ lượng các đơn vị được khai thác thường rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với thực tế họ khai thác được. 

Như trường hợp của Công ty Anh Tùng theo giấy phép được khai thác hơn 124 nghìn m3 trong 2 năm nhưng chỉ trong chưa đầy 3 tháng, lực lượng Công an đã làm rõ, công ty này khai thác hơn 820 nghìn m3, gấp hơn 6 lần so với giấy phép. Công ty Quảng Tây được phép khai thác hơn 125 nghìn m3/1 năm trong 8 năm, nhưng nếu tính công suất tối đa 4 tàu cuốc thì chỉ trong chưa đầy 10 ngày thì lượng cát sẽ vượt quá số lượng được phép khai thác trong 1 năm. Như vậy, rất có thể việc đánh giá trữ lượng khi cấp phép “có vấn đề” hoặc không sát với thực tế.

 Về vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hệ thống pháp luật nước ta đang có lỗ hổng rất lớn. Theo Luật Khoáng sản thì việc cấp phép thuộc cấp tỉnh, thành phố nhưng ngành giao thông lại có quyền cho nạo vét luồng lạch, có thể dẫn đến việc lợi dụng như việc xảy ra ở Bắc Ninh vừa qua. 

Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng đặt vấn đề có tồn tại lợi ích nhóm trong công tác này hay không vì tình trạng khai thác cát diễn ra ở rất nhiều nơi bởi có thể cát mang lại nguồn lợi khá lớn.

Cuộc chiến chống “cát tặc” chắc chắn sẽ còn tiếp diễn lâu dài bởi trên thực tế nhu cầu san lấp, xây dựng của người dân, các dự án là rất lớn cũng rất bức thiết. Có nhiều dự án san lấp, xây dựng công trình giao thông dùng tới hàng triệu mét khối cát theo tiêu chuẩn về xây dựng, nhưng không có ai hỏi số lượng đó lấy ở đâu, có gian lận từ các nguồn bất hợp pháp không?. Vậy, làm thế nào để ngăn chặn việc khai thác cát trái phép, lợi dụng giấy phép để khai thác sai phép, quá phép?

Từ những vụ việc cụ thể, chúng tôi cho rằng cần quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan quản lí nhà nước trong việc đánh giá đúng về trữ lượng, chất lượng, khả năng khai thác, phục hồi môi trường của doanh nghiệp để tránh thất thu ngân sách. 

Đối với các dự án khai thác lòng sông phục vụ giao thông đường thuỷ cũng cần được đánh giá cụ thể, thầu rộng rãi, công khai, chỉ cho phép những nhà đầu tư đủ điều kiện, năng lực tham gia. 

Quá trình thực hiện dự án, cơ quan chức năng phải giám sát hoạt động khai thác, phương tiện khai thác xem có giấy phép hoạt động hay người điều khiển phương tiện có đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Thậm chí, phải có dán biển trước phương tiện để phân biệt rõ với phương tiện được phép khai thác và không được phép.

Lãnh đạo CSGT cũng cho rằng, cần phải công khai, minh bạch việc cấp phép khai thác cát và nạo vét luồng lạch; áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc giám sát hoạt động của các mỏ như định vị chính xác vị trí phương tiện khai thác, độ sâu và công suất của phương tiện. 

Cơ quan cấp phép phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu cho các cơ quan khác trong đó có cơ quan Công an để tham gia giám sát, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, việc cấp phép phải tính toán đến lợi ích của người dân sinh sống hai bên bờ sông (nhất là các tuyến sông là địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), có cơ chế minh bạch để họ tham gia ý kiến và giám sát việc cấp phép cũng như khai thác, phải đặt lợi ích chính đáng của người dân lên trên hết.

Phương Thuỷ
.
.
.