Bít lỗ hổng để ngăn chặn tội phạm công nghệ cao

Chủ Nhật, 06/12/2015, 07:54
Sau một thời gian “ẩn tích”, các băng nhóm giả danh Công an để lừa đảo đã xuất hiện trở lại.

Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Đội trưởng Đội 8, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và Chức vụ (PC46) - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: “Những đối tượng này sử dụng CMND giả để đăng ký mở tài khoản tại các ngân hàng, sau khi lừa được người bị hại chuyển tiền vào tài khoản thì ngay lập tức chúng hủy bỏ CMND giả và thẻ tài khoản để xóa dấu vết. 

Nếu người bị hại ở miền Nam thì các đối tượng lừa đảo sẽ tiến hành rút tiền ở miền Bắc, và ngược lại. Chính vì khoảng cách địa lý xa xôi như vậy nên nhiều trường hợp, khi bị hại đến cơ quan Công an trình báo thì tiền đã bị chúng rút ra chiếm đoạt. Cơ quan điều tra cũng cho rằng, chính việc cấp thẻ của ngân hàng không đúng quy trình cũng là lý do khiến cho loại tội phạm này không giảm.

Các đối tượng sử dụng CMND giả làm hàng loạt thẻ ATM để cung cấp cho những kẻ lừa đảo.

Nổi lên từ năm 2014, các băng nhóm lừa đảo theo hình thức này chủ yếu là do người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu với một kịch bản đã dựng sẵn: Gọi điện thoại đến các thuê bao cố định, thông báo nợ cước điện thoại, sau đó giả danh các cơ quan pháp luật đe dọa người dân là họ có liên quan trực tiếp đến các vụ án ma túy, mua bán vũ khí, mua bán trẻ em, mua bán hồ sơ giả... sau đó yêu cầu họ chuyển tiền vào các tài khoản ATM để rút ra chiếm đoạt. 

Năm 2014 đã có 70 đối tượng bị “sa lưới” pháp luật, trong đó có 15 đối tượng là người Đài Loan - Trung Quốc. TAND TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra xét xử và tuyên phạt nhiều bị cáo. Thế nhưng, chỉ sau một năm “nằm im nghe ngóng” (từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015), loại tội phạm này xuất hiện trở lại với thủ đoạn đã được nâng cấp và phạm vi hoạt động cũng mở rộng hơn trước. 

Gần đây nhất là ngày 22-11, trinh sát Đội 8 – PC46 Công an TP Hồ Chí Minh vừa bắt giữ 5 đối tượng tại Bạc Liêu, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lừa chiếm đoạt 400 triệu đồng thì ngay ngày hôm sau (23-11), PC46 lại tiếp nhận đến 5 vụ lừa đảo với thủ đoạn như trên với số tiền bị lừa hơn 3 tỷ đồng. Cơ quan Công an đã kịp thời phong tỏa tài khoản của 2 nạn nhân, thu hồi được hơn 1,5 tỷ đồng.

Để chiếm đoạt tiền bị hại, các đối tượng lừa đảo thường dụ dỗ những người kém hiểu biết dùng CMND giả để làm thẻ ATM, sau đó mua lại với giá từ 1,5-2 triệu đồng/thẻ. Trong khi đó, các thủ tục để làm thẻ, mở tài khoản, các nhân viên ngân hàng đang thực hiện bằng cảm quan, không có thiết bị hỗ trợ để thẩm định giấy CMND của người mở tài khoản là thật hay giả. Có rất nhiều đối tượng sử dụng giấy CMND giả hoặc giấy CMND của người khác, gỡ bỏ ảnh rồi dán ảnh của mình vào, sau đó đến ngân hàng đăng ký mở tài khoản nhưng không bị phát hiện. 

Một số trường hợp, các đối tượng lừa đảo thu mua giấy CMND ở các tiệm cầm đồ, khách sạn... sau đó mạo danh là người của công ty du lịch, đến ngân hàng đăng ký mở thẻ cho các khách hàng của mình. Đã có ngân hàng dễ dãi cho đối tượng đăng ký mở thẻ hàng loạt mà không cần “chính chủ”. 

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP Hồ Chí Minh thừa nhận: “Thời gian qua, do áp lực tăng chỉ tiêu phát hành thẻ, nhiều nhân viên ngân hàng đã không thực hiện đúng quy trình cấp thẻ ATM tạo điều kiện thuận lợi cho bọn tội phạm lợi dụng. Trong 2 năm qua, các ngân hàng cũng đã xử lý cảnh cáo, kỷ luật và buộc thôi việc hơn 50 cán bộ, nhân viên ngân hàng liên quan việc cấp thẻ ATM không đúng quy trình. Thời gian tới, chúng tôi chỉ đạo cho các ngân hàng trên địa bàn rà soát lại các quy trình giao dịch, yêu cầu các nhân viên giao dịch phải xác minh nhân thân, nhận dạng kỹ người đến đăng ký mở tài khoản nhằm tránh bị kẻ gian lợi dụng. Các ngân hàng phải niêm yết công khai những thủ đoạn lừa đảo tại các quầy giao dịch để khách hàng cảnh giác, đồng thời sửa ngay những quy định nội bộ thiếu chặt chẽ trong việc cấp, mở thẻ ATM... để tránh sai sót xảy ra”.

Về phía người dân, để nhận diện những cuộc điện thoại gọi đến thông báo nợ cước là thật hay giả, bà Vũ Thị Tuyết Anh - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ của Trung tâm Kinh doanh VNPT tại TP Hồ Chí Minh thông tin: "Hiện nay Trung tâm Kinh doanh VNPT TP Hồ Chí Minh không sử dụng hình thức nhắc nợ qua hệ thống tổng đài tự động cũng như gọi điện thoại nhắc nợ cho khách hàng. Việc thông báo cước hằng tháng cho khách hàng chỉ thực hiện qua các hình thức gửi giấy báo cước đến tại địa chỉ khách hàng, gửi email, tin nhắn qua tổng đài chăm sóc khách hàng (08) 800126 hoặc khách hàng có thể chủ động tra cứu cước trên website http://ebill.hcmtelecom.vn/. Khách hàng cần lưu ý điều này để tránh bị lừa. Ngoài ra, khi khách hàng nhận được cuộc gọi với nội dung thông báo tiền nợ cước không chính xác và yêu cầu khách hàng bấm phím theo hướng dẫn hoặc yêu cầu khách hàng gọi đến các số điện thoại như 1900xxxxxx, 5900xxx... thì khách hàng không nên thực hiện theo, cũng như từ chối cung cấp thông tin cho những cuộc gọi này".

Thúy Hà
.
.
.