Nỗ lực đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người

Bài cuối: Tập trung đấu tranh đi cùng biện pháp phòng ngừa

Thứ Bảy, 03/08/2019, 10:47
Thời gian gần đây, không chỉ mua bán phụ nữ, các đối tượng phạm tội còn buôn bán trẻ em sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng và đẻ thuê... Những đứa trẻ từ khi chưa lọt lòng mẹ đã trở thành món hàng bị mua bán. 


Một số trường hợp còn núp bóng cho và nhận con nuôi để hình thành các đường dây mua bán trẻ sơ sinh. Sau khi những “người mẹ” đồng ý, các đối tượng đưa nạn nhân sang nước ngoài nên việc giải cứu gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, các quy định về pháp luật còn nhiều hạn chế.

Những phương thức phạm tội mới

“Chị có đi sang Trung Quốc bán con không, nếu bán con thành công thì em sẽ cho chị 60 triệu đồng...”. Vào thời điểm đó, cái thai trong bụng Lương Thị M (trú tại Nghệ An) đã vượt quá mặt người. Nhưng nghĩ đến tình cảnh của mình, chị lại tặc lưỡi đồng ý. Người phụ nữ vùng cao này vượt một chặng đường dài từ Nghệ An ra TP Móng Cái (Quảng Ninh) rồi sang đường tiểu ngạch, vượt biên sang Trung Quốc. 

Hơn một tháng ở đây, chị vượt cạn mà chẳng có người chồng ở bên. Khi ôm con trong lòng, tình mẫu tử của người mẹ ấy lại trỗi dậy. Lương Thị M ân hận về quyết định sai lầm của mình. Nỗi đau một lần nữa lại chồng chất thêm khi đứa con chị dứt ruột sinh ra chỉ ở được với chị khoảng 6 ngày thì không may qua đời...

Lương Thị M chỉ là một trong những nạn nhân của Moong Thị Oanh (32 tuổi, trú tại tỉnh Nghệ An). Cùng cảnh ngộ của Lương Thị M còn có trường hợp của Xeo Thị Tiến (37 tuổi, trú tại bản Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu), Moong Thị Lý (36 tuổi, trú tại bản Huồi Thở, xã Hữu Kiệm) và chị Moong Thị M. (25 tuổi, trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm).

Đây là loại tội phạm mới mà Bộ Công an đang tập trung đấu tranh, triệt phá. Các đối tượng tập trung vào những phụ nữ người dân tộc, chủ yếu là người Khơ –mú, có thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8. Cùng với việc đánh vào lòng tham, các đối tượng còn lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của các nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Những người phụ nữ này được đưa, dẫn sang Trung Quốc. Khi đứa trẻ được sinh ra sẽ lập tức bị mang bán với giá từ 60-70 triệu cho một bé trai và hơn 80 triệu đồng cho một bé gái.

Vụ án mở ra từ việc Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an tiếp nhận 4 phụ nữ và 1 trẻ em trong vụ đưa người sang Trung Quốc sinh con rồi bán. Các trường hợp này là nạn nhân của đường dây đưa phụ nữ Việt Nam có thai sang Trung Quốc sinh con rồi bán. Đối tượng tham gia tích cực vào đường dây này là Mong Thị Oanh và mẹ đẻ là Mong Thị Hiền (cũng trú tại địa chỉ trên). 

Tiếp nhận các nạn nhân được Công an Trung Quốc bàn giao.

Oanh và mẹ đẻ đã câu kết với các đối tượng người Trung Quốc rủ rê, lôi kéo phụ nữ người Việt Nam đang có thai, đưa sang Trung Quốc chờ sinh rồi bán trẻ sơ sinh cho các gia đình có điều kiện về kinh tế ở Trung Quốc. Các trường hợp tiếp nhận gồm có: Xeo Thị Tiến (27 tuổi); Mong Thị Mùi (25 tuổi), Mong Thị Khánh (36 tuổi) và Mong Thị Oanh. 

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 28-1, cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Moong Thị Oanh về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” và tiếp tục mở rộng điều tra vụ án nhằm làm rõ tội danh của các đối tượng để sớm đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật. Do Moong Thị Oanh đang mang thai nên cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn đang áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can này.

Ngoài trường hợp đưa các bà bầu sang Trung Quốc, một số đối tượng còn thực hiện hành vi mua bán trẻ sơ sinh. Trong các trường hợp này, đối tượng nhằm vào các trường hợp là phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; đối tượng là các cô gái trẻ bị lỡ dở. Một số trường hợp, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng nuôi con... 

Vào lúc 20h30 phút, ngày 18-7, Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ một số đối tượng đang có hành vi buôn bán trẻ sơ sinh từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đối tượng Nguyễn Thị Duyên (SN 1992, trú tại xã Hải Tiến, TP Móng Cái, Quảng Ninh) cho biết chị ta nhận cháu bé 14 ngày tuổi từ người phụ nữ tên Phương (khoảng 30 tuổi, không rõ họ tên, địa chỉ) tại Bến xe khách Móng Cái. Theo kế hoạch, Duyên sẽ đưa cháu bé sang Trung Quốc cho Lan để trả tiền công là 5 triệu đồng.

Theo đánh giá của Bộ Công an, thời gian qua, tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn ra phức tạp, đáng chú ý phát hiện việc mua bán bào thai (đưa phụ nữ có thai sang Trung Quốc sinh con rồi bán, điển hình như các vụ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Trong khi đó, việc phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng gặp khó khăn. Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, chế tài để xử lý về tội mua bán bào thai chưa được quy định. Vì thế, việc xử lý đối tượng gặp nhiều khó khăn. 

Các vụ việc mang thai sang Trung Quốc sinh con đem bán là hành vi “mua bán trẻ em”. Song căn cứ, tài liệu xác minh gặp rất nhiều khó khăn. Thông thường cơ quan điều tra chỉ có lời khai một phía của nạn nhân. 

Ngay cả những vụ việc được phát hiện trực tiếp cũng khó khăn trong công tác xử lý bởi những người phụ nữ này có thể bị bắt giữ trên đường đưa người phụ nữ mang thai vượt biên để sinh rồi bán con. Song vào thời điểm đó, người mẹ chưa sinh con... Vì thế, khi truy tố về tội “mua bán người” hoặc “mua bán người dưới 16 tuổi” gặp nhiều khó khăn.

Nâng cao biện pháp phòng ngừa

6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá 67 vụ, bắt 112 đối tượng. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp khởi tố 86 vụ, 152 bị can về tội mua bán người, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. 

Tòa án nhân dân các cấp thụ lý 51 vụ với 96 bị cáo phạm các tội về mua bán người để xét xử theo thủ tục sơ thẩm; đã giải quyết, xét xử 31 vụ với 59 bị cáo (đạt tỷ lệ 60,8% số vụ và 61,5% số bị cáo), trong đó, 28 vụ/55 bị cáo bị đưa ra xét xử, đã tuyên phạt tù có thời hạn đối với 55 bị cáo.

Công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng được tiến hành thường xuyên. Trong đó, các Bộ, ngành có liên quan như: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương và cơ quan đại diện ngoại giao theo ngành dọc tổ chức xác minh, xác định, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu và thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân. 

Nhờ đó, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận, trao trả trên 650 trường hợp, trong đó, có 188 trường hợp được xác định là nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép; 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Nhiều địa phương hỗ trợ các nạn nhân vay vốn ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.

Công tác xây dựng, hoàn thiện và phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan mới ban hành; đổi mới hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng địa phương, vùng miền, giới tính, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Để phòng ngừa loại tội phạm này cần phải có sự tham gia của toàn xã hội. Cùng với việc điều tra, vào cuộc của các lực lượng chức năng như Công an, BĐBP thì phải có những giải pháp căn cơ, toàn diện. Tại địa phương, cần tạo điều kiện cho giới trẻ có công ăn việc làm. Cùng với đó, các diễn đàn, đối thoại, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, chuyên sâu nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tội phạm mua bán người. 

Trong đó, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, nhất là tuyến biên giới giữa Việt Nam với Trung Quốc; các vấn đề mua bán người trong nước; mua bán nội tạng, trẻ sơ sinh; mua bán người thông qua di cư trái phép sang Anh… và các lĩnh vực dễ phát sinh tội phạm mua bán người như di cư trái phép, di cư lao động…

Bộ Công an chỉ đạo lực lượng, nhất là Cảnh sát Hình sự phối hợp với lực lượng Biên phòng điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan tại địa bàn trọng điểm; kịp thời xử lý thông tin tội phạm, thu thập tài liệu, chứng cứ, xác lập chuyên án, tổ chức điều tra, truy bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu, môi giới, cò mồi trong các đường dây mua bán người. 

Phối hợp với lực lượng chức năng các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia triển khai và tổng kết cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới và phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm mua bán người.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp phối hợp Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự (năm 2015) và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (năm 2015), trong đó có phần liên quan đến tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân; tổ chức các hoạt động đánh giá tác động thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành hoặc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật phù hợp Bộ luật Hình sự mới ban hành và thực tiễn.         

Xuân Mai
.
.
.