Gian nan cuộc chiến với tội phạm ma túy

Bài 2: Những nẻo đường tội ác từ ma túy

Thứ Ba, 21/08/2018, 08:42
Hầu hết các tay“trùm” buôn ma túy đều có “tuổi thơ dữ dội”, bị lệch chuẩn đạo đức do ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp từ gia đình, cộng đồng dân cư và hình thức giáo dục không phù hợp của các đấng sinh thành.

Sự nuông chiều thái quá, sự sĩ diện với hàng xóm láng giềng qua việc bao biện, che đậy hành vi ngang ngược, nghiện ngập của con cái. Điều đó đã biến chúng thành những kẻ bất trị, coi trời bằng vung và không biết quý trọng sức lao động để làm ra đồng tiền chân chính. 

Thế cho nên để giảm thiểu, hạn chế kẻ nghiện ngập, buôn bán ma túy bên cạnh biện pháp mạnh là đấu tranh triệt phá, cai nghiện bắt buộc… thì rất cần đẩy mạnh công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy; tuyên truyền sâu về ý thức của người dân trong việc quan tâm, dạy dỗ con cái nên người…

Vũ Ngọc Thắng (43 tuổi), kẻ cầm đầu đường dây ma túy “khủng” sinh ra trong một gia đình khá giả ở phường Bà Triệu, TP Nam Định, tỉnh Nam Định. 

Do được nuông chiều từ nhỏ nên thời niên thiếu, y bộc lộ rõ bản tính ngỗ ngược. Thắng thường xuyên bỏ học theo “đàn anh” chuyên trộm cắp ở khu Chợ Rồng để “học nghề”. 

Thắng tỏ ra là một “học trò giỏi” khi tiếp thu phương thức trộm cắp rất nhanh và đã cùng đồng bọn thực hiện hàng trăm vụ trộm cắp nhưng do ở độ tuổi vị thành niên nên không bị xử lý hình sự. 

Khi tròn 15 tuổi, Thắng bị Công an phường Bà Triệu bắt quả tang cùng đồng bọn dàn cảnh giật sợi dây chuyền của một phụ nữ trên đường Hai Bà Trưng. Từ đó, Thắng được đưa vào trường giáo dưỡng 1 năm.

Từ trái sang: các “trùm” ma túy Lê Thị Kim Ngân, Nguyễn Sỹ Công và Vũ Ngọc Thắng cùng tang vật.

Ngày trở về Thắng tỏ ra ngoan ngoãn chẳng được bao lâu thì vẫn chứng nào tật nấy. Bị cha mẹ rầy la, địa phương nhắc nhở, thấy khó có thể “tung hoành” ở quê nhà, Thắng quyết định bắt xe khách vào Nam. 

Thắng đến công viên Phú Lâm (quận 6), nơi có rất nhiều kẻ lang thang, bụi đời sống vất vưởng dưới những tán cây. Vốn có sẵn chất giang hồ chợ búa, y hòa mình rất nhanh và cùng các đối tượng ở đây gây ra nhiều vụ trộm cắp tài sản để bán lấy tiền mua ma túy. Năm 1995, Thắng bị bắt quả tang khi cướp giật tài sản và bị TAND quận 6 xử phạt 18 tháng tù giam. 

Ra tù, Thắng trở về quê Nam Định nhưng do bị gia đình từ mặt nên y tiếp tục kiếp sống lang thang và cặp bồ với một phụ nữ tên H., đang bị Công an tỉnh Điện Biên truy nã về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cặp đôi này nhanh chóng hình thành đường dây ma túy mới, mua ma túy ở Điện Biên, Sơn La về Nam Định bán lại. 

Hoạt động được 2 năm thì H. bị bắt, bị kết án tử hình. Thế nhưng, Thắng chẳng chút sợ sệt mà tiếp tục một mình điều hành toàn bộ đường dây vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. 

Y trang bị súng, lựu đạn, bình xịt hơi cay, dùi cui điện… để sẵn sàng chống đối đến cùng khi bị cơ quan chức năng phát hiện. Tháng 6-2008, đường dây của Thắng bị triệt phá nhưng hắn đã kịp tẩu thoát và trốn vào TP Hồ Chí Minh.

Mặc dù đang mang lệnh truy nã đặc biệt của Công an tỉnh Nam Định nhưng Thắng cảm thấy rất khó chịu khi không có tiền để thâu đêm suốt sáng nơi quán bar, vũ trường và những buổi tiệc ma túy, mây mưa cùng người đẹp. 

Biết Trần Văn Tươi, một bạn tù quen biết trước đây chuẩn bị ra tù, Thắng cùng người tình của Tươi là Trần Thị Thanh Vân xuống tận trại giam ở tỉnh Đồng Tháp để đón Tươi về và bàn bạc hình thành đường dây ma túy mới. 

Khi được sự thống nhất, Thắng liên hệ với một trùm ma túy mới nổi ở Nam Định để mua hàng rồi thuê nhiều đối tượng khác nhau vận chuyển về TP Hồ Chí Minh bằng đường bộ. Sau đó Thắng phân công cho 3 đối tượng nói trên đem phân phối lại cho các “đại lý” bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh cho đến ngày bị bắt với tang vật là 7kg ma túy đá.

Cũng giống như Thắng,  Nguyễn Sỹ Công (26 tuổi, ngụ quận Đống Đa, Hà Nội) nghiện nặng ma túy từ lúc chưa thành niên và trở thành kẻ trộm cắp chuyên nghiệp vào năm 16 tuổi. 

Do nhiều lần “ngáo đá” gây hấn với người thân trong gia đình, hàng xóm nên chính quyền địa phương đã lập hồ sơ đưa Công đi cai nghiện bắt buộc. 

Mặc dù điều đó là rất tốt cho con mình có cơ hội thoát nghiện nhưng do sĩ diện với xóm giềng, cha mẹ Công kiện ngược lại chính quyền cho rằng xử ép đối với Công. Đến khi các mẫu thử máu của Công đều cho kết quả dương tính với ma túy thì gia đình mới chịu rút đơn. 

Trở về nhà sau một năm cai nghiện, chẳng bao lâu sao Công lại tái nghiện. Ngoài ma túy y còn ăn chơi trác táng, bài bạc. Sau nhiều lần cháy túi, muốn “bóp cổ” lại con bạc, Công đến huyện Đông Anh mở sòng bạc, thu tiền xâu. 

Tuy nhiên, chỉ nửa tháng sau ngày mở, sòng bạc bị xóa sổ, Công lãnh án 12 tháng tù cải tạo không giam giữ, thời gian thử thách 24 tháng, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Không còn kiếm đâu ra tiền, cha mẹ cũng đã kiệt quệ kinh tế sau thời gian chu cấp tiền cho Công chơi ma túy, những lúc lên cơn nghiện, Công đánh đập cha mẹ và buộc họ phải đi làm thuê để mang về cho Công mua ma túy. 

Khi bố mẹ đổ bệnh, già yếu không còn sức làm việc, Công mang giấy tờ căn nhà đem cầm cho đối tượng cho vay nặng lãi và tiêu hết vào ma túy. 

Biết Công cùng đường, một đối tượng chuyên buôn ma túy ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) “dang tay” cứu vớt. Người này cho Công ở tại nhà mình, ma túy thì vô tư sử dụng. Từ đó Công hàm ơn, bảo sẽ tuyệt đối nghe theo lời đại ca để trả nghĩa. 

Biết “cá cắn câu”, kẻ này gợi ý Công giúp mình điều hành đường dây ma túy từ Lạng Sơn vào TP Hồ Chí Minh. Công chẳng chút do dự, tập hợp một số đàn em hình thành đường dây, hoạt động được hơn 1 năm thì bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ, tang vật gồm trên 1kg ma túy đá, 5 khẩu súng ngắn các loại và hàng chục viên đạn…

Khác với các ông trùm ma túy, hầu hết các đường dây ma túy lớn do phụ nữ cầm đầu đều xuất thân từ gia đình có “nghề” mua bán, sử dụng ma túy và sống ở khu vực đặc biệt phức tạp về ma túy. Như “nữ quái” Lê Thị Kim Ngân (37 tuổi, ngụ quận 10) có hai người anh trai nghiện. 

Những người hàng xóm của Ngân cũng là giang hồ tứ chiếng, “đá cá lăn dưa” và nghiện nặng ma túy. Vì vậy mà mới ít tuổi đầu Ngân đã làm quen với ma túy và trở thành “trùm” đường dây như lẽ dĩ nhiên. 

Còn hai “trùm” buôn bán ma túy có tầm cỡ là Trần Thị Loan và Phạm Thị Lệ Thu sinh ra và lớn lên ở “thánh địa” ma túy nằm trên đường Nguyễn Duy thuộc phường 12, quận 8. 

Trước khi địa bàn được chuyển hóa, nơi đây có khoảng 300 gia đình thì gần 2/3 trong số này buôn ma túy. Có gia đình đến 3 đời “sống chết” với “nghề”, như gia đình ông T.C buôn thuốc phiện từ trước ngày giải phóng miền Nam, vào tù ra khám không biết bao lần. Cách đây 10 năm ông chết vì bị bệnh khi đang thụ án tù. 

Ông có 4 vợ, 20 đứa con và phần lớn các con ông đều “theo nghiệp” của cha. Các cháu nội của ông cũng không vượt khỏi vũng bùn ma túy. “Cháu cố của ông T.C đứa lớn nhất 13 tuổi, đứa nhỏ nhất mới sinh. 

Hiện, Công an phường đang phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể quan tâm giúp đỡ với hy vọng rằng đời thứ 4 của dòng họ này sẽ lánh xa ma túy…” - Trung tá Trần Hữu Tâm, Trưởng Công an phường 12 cho biết.

Mã Hải
.
.
.