Bài 2: Nhận diện những kẻ cướp giật trên đường phố
Nhưng trong Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh vào năm 2016, lần đầu tiên, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định, hầu hết các đối tượng cướp giật là dân địa phương, vô công rỗi nghề và nghiện ma túy.
Sự thẳng thắn đó đã thể hiện rõ quan điểm của người đứng đầu lực lượng Công an ở TP Hồ Chí Minh là cần xác định đúng nguyên nhân để tìm ra giải pháp…
Khi hay tin Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm bắt 9 đối tượng trong băng nhóm cướp giật do Lưu Văn Lộc (24 tuổi) cầm đầu, tôi liền sang trụ sở của Đội. Do nhóm cướp vẫn còn “phê” ma túy nên các trinh sát phải đợi đến nhiều giờ sau mới có thể lấy lời khai.
Tìm hiểu về lý lịch cũng như quá trình phạm tội của các đối tượng tôi thật sự giật mình và thất vọng về các đấng sinh thành, bởi chính họ đã đẩy con mình vào vòng lao lý.
Nhỏ tuổi nhất trong số này là Võ Trí Hiếu, mới 18 tuổi đầu nhưng cũng đã có gần 1 năm nghiện ngập. Sự sa ngã của Hiếu cũng rất dễ hiểu khi cha là Võ Văn Thanh Đông (47 tuổi), từng 2 lần ngồi tù về tội “cướp giật tài sản”.
Nhóm cướp do Lưu Văn Lộc cầm đầu sa lưới pháp luật. |
Mặc dù có quá khứ như vậy nhưng chưa bao giờ Đông có ý định hoàn lương mà còn ra sức “huấn luyện” con trở thành một tên cướp giật thực thụ. Để thực hiện ý định đó, khi Hiếu đến trại giam thăm thì Đông dạy cho con các chiêu thức cướp giật, cách độ xe để làm phương tiện, cách đối phó với cơ quan Công an…
Khi ra tù lần 2, vừa về đến nhà, Đông mang ngay chiếc xe gắn máy đến đường Ngô Quyền, quận 5 để “độ” lại. Sau đó, Đông tập cho Hiếu chạy xe với tốc độ cao một cách thuần thục rồi hối thúc đi cướp để kiếm tiền nuôi mình.
Để vẹn toàn đôi bên, sau khi cướp được, Hiếu trích phần lớn số tiền bán tài sản để mua ma túy đá chơi cùng trong băng nhóm, còn lại thì đưa cho cha. Tuy nhiên, khi con bị bắt, Đông phủi hết trách nhiệm, bảo mình không có liên quan gì đến quá trình cướp của con…
Cũng có “truyền thống” như Hiếu là Trần Văn Quy (tự Bành, 24 tuổi; ngụ phường 1, quận 10), gia đình cũng thuộc thành phần bất hảo. Hai anh trai của Quy cũng là đối tượng cướp giật chuyên nghiệp. Cả hai vừa mới ra tù thì đến lượt Quy “xộ khám”…
Còn đối tượng cầm đầu băng nhóm này là Lưu Văn Lộc (tự Đen, 26 tuổi; 1 tiền án về tội “cướp giật tài sản”), có cha làm nghề sửa xe và mẹ bán quán ốc ở trước chung cư Ngô Gia Tự thuộc địa bàn phường 2, quận 10. Tuy có nhà cửa hẳn hoi nhưng Cường bỏ nhà đi “bụi” từ lúc còn nhỏ và tham gia cướp giật để kiếm tiền hút chích ma túy và tiêu xài.
Cha mẹ y chẳng quan tâm và bỏ mặc cho đến ngày bị bắt. Tương tự là Hồ Văn Hiếu (tự Hai “càng”), ngụ ở huyện Bình Chánh. Gia đình Hiếu thuộc dạng nhà nghèo, đông con, mẹ bán xôi trên đường Phạm Hùng để nuôi cả nhà.
Vì nhà quá khó khăn nên khi Hiếu đi “bụi” thì sẽ đỡ đi phần ăn, đỡ đi tiền tiêu vặt nên bà mẹ nghèo cũng bỏ mặc con. Đến khi Hiếu bị bắt, bà mẹ khóc ròng bảo rằng tưởng con mình hiền lắm chứ…
Một băng cướp trẻ khác do Đoàn Lê Hậu cầm đầu cũng bị Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm bắt giữ tập hợp đến những 20 thành viên đều là con nhà khá giả. Nhỏ nhất trong số này là Đ.N.M. khi bị bắt mới tròn 14 tuổi. M. cho hay, nhà của em ở mặt tiền đường 27, phường Tân Quy (quận 7), cha làm nghề xây dựng, mẹ cũng có công ăn việc làm ổn định nên kinh tế gia đình khá sung túc.
Mỗi ngày cha mẹ cho M. từ 50.000-100.000 đồng để tiêu xài nhưng chẳng thấm vào đâu, bởi ngoài chuyện chơi game, M còn tham gia đánh bạc (bằng máy đánh bạc) ăn tiền. Nên khi không có tiền tiêu thì M… đi cướp và đã thực hiện trót lọt 3 vụ.
Một cô gái chỉ độ tuổi trăng tròn khá xinh xắn có liên quan đến băng nhóm này tên Ng., nhà ở phường 3 (quận 10) có cha mẹ đều là người thành đạt. Em bị tạm giữ là do tham gia đánh bạc ở khách sạn Tân Thành Lộc.
Sở dĩ em thường đánh bạc ở khách sạn vì là bạn gái của Nguyễn Đoàn Hoàng Phát (tự Phát “khùng”, 29 tuổi; ngụ phường 15, quận Bình Thạnh), một đối tượng bị bắt trong băng cướp này. Phát là một tay đua được nhiều người trong giới biết đến bởi “nghề nghiệp” chính của Phát là làm “nài” thuê cho các chủ lò xe trong các vụ đua xe trái phép ăn tiền. Lần này, y đã tham gia vào 5 vụ cướp giật trong tổng số hơn 40 vụ cướp giật mà băng cướp nói trên thực hiện.
Điểm đặc biệt của băng cướp này là nhiều đối tượng mang theo cặp sách, ba lô đựng quần áo, đồ dùng cá nhân để “đóng đô” trong khách sạn mặc dù nhà của chúng chỉ cách khách sạn Tân Lộc Thành vài trăm mét.
Lúc khai với cơ quan điều tra, nhiều đối tượng trong số này cho biết, hằng tháng chúng đều được gia đình chu cấp từ 5-10 triệu đồng gọi là “tiền tiêu vặt” nhưng cũng chẳng thấm vào đâu.
Để qua mặt cha mẹ, các đối tượng thường ở khách sạn từ 3-4 ngày trong tuần và nói dối với cha mẹ là đi làm nên ở lại luôn trong cơ quan. Những đứa trong độ tuổi đi học thì viện cớ sang nhà bạn để cùng học bài hay trường tổ chức đi du lịch…
Đáng buồn là các bậc phụ huynh, vì bận bịu lo chuyện kiếm tiền làm giàu đã không quan tâm tìm hiểu. Nhưng thực tế chúng đã bị dụ dỗ bởi kẻ cướp chuyên nghiệp Đoàn Lê Hậu mà con đường ngắn nhất để Hậu chinh phục chúng chính là ma túy.
Để đưa các trẻ “vào nghề”, Hậu chỉ đạo một đàn em thân tính là Lê Tâm Khải Huy (tức Tí “điện”, 31 tuổi) “huấn luyện” cho các em đi cướp giật.
Sau khi các em thuần thục, Hậu phân công chia thành nhóm nhỏ từ 1-3 đối tượng đi rảo khắp các tuyến đường ở quận 5, 6, 10, 11 để tìm “con mồi” và đã gây ra hơn 40 vụ cướp giật dây chuyền, túi xách. Số tài sản cướp được chúng đem bán cho các tiệm vàng ở khu vực Chợ Lớn và sử dụng sạch vào mục đích ăn chơi và mua ma túy đá cùng sử dụng.
Có cả những đứa trẻ ở ngoại thành, con đường sa ngã của chúng có phần khác hơn nhưng chung quy lại cũng từ chơi bời lêu lỏng, hút chích ma túy mà ra. Nhiều gia đình ngoại thành giàu lên trở thành tỷ phú nhờ bán đất đai.
Bỗng dưng “lên đời” làm trỗi dậy khát khao được ăn sung sướng mà quan trọng nhất là thiếu định hướng trong chi tiêu đã khiến không ít nông dân lao vào cuộc chơi vô bổ. Con cái họ cũng tập tành đua đòi ăn diện và trở thành những tên tội phạm lúc nào không hay biết.
Bên cạnh việc bán đất, quá trình đô thị hóa, người nông dân mất đất để nhường chỗ cho các dự án đô thị. Hàng trăm ngàn hộ dân có tiền đền bù giải tỏa nhưng do không biết quản lý tiền bạc, không biết tính toán làm ăn mà tập tành sống đua đòi dẫn đến tan nát cửa nhà, con cái nghiện ngập.
Đó là chưa kể bao hệ lụy phát sinh từ chuyện tranh chấp đất đai trong dòng tộc, hàng xóm dẫn đến những vụ thưa kiện gay gắt kéo dài; những vụ ẩu đả, giết chóc giữa những người ruột thịt.
Sự xuống cấp đạo đức của các đấng sinh thành đã kéo theo một lớp trẻ sống thiếu nghĩa tình, không kính trên nhường dưới và lao vào xã hội như những con thiêu thân, vướng vào ma túy, gây án… Đây là mặt trái của quá trình đô thị hóa xảy ra như một quy luật tất yếu ở bất cứ đô thị nào.
Bởi lẽ, khi người nông dân không còn đất để sản xuất mà chưa sẵn sàng để chuyển đổi ngành nghề thì rất dễ mất phương hướng, cộng với trình độ văn hóa thấp, chưa có tay nghề, lực lượng lao động ở vùng đô thị hóa dễ bị thất nghiệp mà bần cùng sinh đạo tặc…
Rõ ràng những hệ lụy đó, để giải quyết phải huy động cả hệ thống chính trị chứ không thể chỉ trông chờ mỗi lực lượng Công an …