Nhìn lại 1 năm thực thi UKVFTA:

Xuất khẩu sang thị trường Anh tăng trưởng ấn tượng

Thứ Hai, 21/03/2022, 08:35

Tại Hội nghị "Năm đầu tiên thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh- UKVFTA: Thành tựu nổi bật và Định hướng sắp tới" vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, năm qua là một năm vạn sự khởi đầu nan với UKVFTA.

Song những kết quả tích cực sau một năm Hiệp định có hiệu lực cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Anh, là đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư hiệu quả giữa hai nước như những tín hiệu vui trong xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Anh đầu năm nay đang hứa hẹn.

che_bien_nong_san_7bc5b.jpeg -0
Các doanh nghiệp Việt cần đảm bảo các mặt hàng được bán vào thị trường Anh phải có thương hiệu và chất lượng tốt.

Thúc đẩy trao đổi thương mại - đầu tư

Hiệp định UKVFTA được ký chính thức tại London, Vương quốc Anh ngày 29/12/2020, được áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ 1/5/2021. Theo đó, trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Mức tăng trưởng này đã giúp kim ngạch song phương chính thức phục hồi về mức kim ngạch năm 2019 sau khi bị sụt giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trong đó, Việt Nam XK sang Vương quốc Anh tăng 16,4%, còn Vương quốc Anh XK sang Việt Nam tăng 24%. “Số liệu này cho thấy UKVFTA thực sự là con đường cao tốc hai chiều, giúp thúc đẩy trao đổi thương mại song phương theo hướng ngày càng cân bằng hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, đã có 48 dự án đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam được cấp mới với số vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 53 triệu USD, tăng trưởng 157% so với cùng kỳ. Hiện nay, Vương quốc Anh đang nằm trong nhóm 12 nước có vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam.  

Nhìn nhận ở góc độ ngành hàng, ông Đinh Cao Khuê, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, DN rau quả đã tận dụng ngay cơ hội từ khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực để XK vào Anh. Năm 2021, kim ngạch XK rau quả sang Vương quốc Anh đã tăng tới 67% và dự báo trong tương lai mức độ gia tăng sẽ ngày càng mạnh hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh, đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vỏ container, cước phí vận chuyển đường biển tăng cao và kinh tế Anh chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Nghị sĩ Graham Stuart, Đặc phái viên Thương mại của Thủ tướng Anh phụ trách Việt Nam, Lào, Campuchia cũng bày tỏ sự lạc quan về hợp tác song phương giữa hai nước trong thời gian tới. Đồng thời cho rằng, UKVFTA chính là động lực để thúc đẩy thương mại dịch vụ hàng hóa tăng trưởng cao hơn nhiều so với kết quả thương mại giữa hai nước những năm trước khi có Hiệp định. Nghị sĩ Stuart cũng mong muốn hai bên tăng cường thúc đẩy chuỗi cung ứng, hiện thực hoá các mục tiêu đã đặt ra trong Hiệp định này.

Còn nhiều dư địa để khai thác

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, những kết quả tích cực như vậy cho phép chúng ta lạc quan vào tác động tích cực của UKVFTA đối với cả Việt Nam và Vương quốc Anh. Tuy nhiên, dư địa để hai nước khai thác tiềm năng của FTA này còn rất lớn. Việc Vương quốc Anh đang tích cực đẩy mạnh quá trình đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại sau khi hoàn tất Brexit cùng với việc Việt Nam đã và đang tham gia 15 FTA, trong đó có các FTA lớn như Hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA và đặc biệt là cả hai nước đang cùng thúc đẩy UKVFTA sẽ tạo ra những cơ hội hấp dẫn để cộng đồng doanh nghiệp (DN) hai nước tăng cường hợp tác, tận dụng các thế mạnh của nhau, từ đó gia tăng hơn nữa giá trị gia tăng từ hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, để biến các tiềm năng trở thành lợi ích thực sự, các cơ quan quản lý và cộng đồng DN của Việt Nam và Vương quốc Anh cần tiếp tục đánh giá, xác định những khó khăn, vấn đề còn tồn tại và tìm ra các giải pháp khắc phục một cách hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết cơ hội cho các DN XK Việt Nam rất lớn trong bối cảnh kinh tế Anh sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch, nhu cầu hàng tiêu dùng tại Anh gia tăng và chính phủ nước này dỡ bỏ mọi quy định hạn chế đi lại quốc tế từ ngày 18/3. Như về XK gạo, đây là mặt hàng có tiềm năng lớn tại thị trường Anh nhưng hiện chưa được khai thác triệt để. Trong cả năm 2021, Việt Nam chỉ XK được 5.000 tấn gạo thơm sang Anh, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của nhà nhập khẩu Anh và khả năng của DN XK Việt Nam.

Đại sứ Anh tại Việt Nam  Gareth Ward cũng cho rằng, UKVFTA đã thúc đẩy nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. “Ở Anh quốc, khi chúng tôi ăn hải sản nhập khẩu từ Việt Nam, chúng tôi phải biết loại cá này được đánh bắt một cách bền vững. Khi chúng tôi mua đồ nội thất từ Việt Nam, chúng tôi biết gỗ để sản xuất mặt hàng này được đốn theo cách bền vững. Đây chính là những ảnh hưởng tích cực của hiệp định UKVFTA. Vì vậy, để XK sản phẩm vào Anh, các DN Việt cần đảm bảo các mặt hàng được bán vào thị trường Anh phải là các mặt hàng có thương hiệu tốt và chất lượng tốt”.

Để tận dụng cơ hội, thúc đẩy XK mạnh mẽ vào Vương quốc Anh, ông Đinh Cao Khuê cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ NN&PTNT, các tỉnh chỉ đạo các vùng trồng, tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật trồng trọt làm sao đảm bảo mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đáp ứng quy định các nước nói chung và Vương quốc Anh nói riêng. Làm tốt điều này mới có thể XK hàng hoá số lượng lớn. Bên cạnh đó, nhà máy chế biến của các DN đều phải đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các hiệp hội, ngành hàng phải được củng cố vị trí, đi vào hoạt động thực chất hơn.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) cũng đánh giá, không phải cứ có hiệp định là tự nhiên sẽ có thị trường hay khách hàng mà còn thông qua nỗ lực lâu dài tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu người dùng cũng như các quy chế khác, hiểu các quy định để tuân thủ…

Theo các chuyên gia, để tận dụng hiệu quả hơn Hiệp định này, bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước thì các DN cũng cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm vững nội dung, cam kết của Hiệp định; Cần chú trọng tìm hiểu thông tin thị trường, nhu cầu tiêu dùng, và tuân thủ các quy định của nước bạn.

Đồng thời các DN cần quan tâm, chú trọng việc cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường XK cũng như tăng tính cạnh tranh với hàng hóa của các nước XK khác.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan của Việt Nam và Vương quốc Anh tổ chức các hoạt động đa dạng khác để góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực và hiệu quả nhằm giúp cộng đồng DN tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định UKVFTA.

Lưu Hiệp
.
.
.