Vì sao nông sản khó về nhà máy?

Thứ Tư, 18/08/2021, 10:55

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nêu thực tế: “Tỉnh, huyện áp dụng 4 tại chỗ, đường làng cũng áp dụng 4 tại chỗ mới dẫn đến tình trạng quốc lộ, tỉnh lộ thông mà đường xã, đường làng không thông. Các địa phương cần tập hợp đội ngũ thương lái, coi họ như đối tác để thúc đẩy thu mua lúa gạo, nông sản, bởi không có họ, nông sản cũng khó về nhà máy của doanh nghiệp”.

 

Chiều 17/8, báo cáo tại cuộc họp của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan với Tổ công tác phía Nam của Bộ và lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, nông sản, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích lúa hè thu đã thu hoạch được 820.000ha; năng suất đạt 56,7 tạ/ha; sản lượng 4,645 triệu tấn.

ns.png -0
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị nên coi thương lái như một đối tác đồng hành trong thu mua nông sản cho nông dân.

"Tình hình tiêu thụ lúa gạo có khá hơn do việc tích cực tháo gỡ của địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh hơn công tác thu mua", ông Tùng nhấn mạnh. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cũng cho biết, giá lúa tuần qua sau khi lên 200-500 đồng/kg tuỳ giống thì đầu tuần này đã chững lại, có giống lại giảm 100-200 đồng/kg.

Số lượng doanh nghiệp vào thu mua lúa vẫn chưa đủ dù UBND tỉnh An Giang đã gửi nhiều văn bản đến doanh nghiệp (giảm 50% so với cùng kỳ vụ hè thu năm trước). Tỉnh cũng đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyển.

"UBND tỉnh họp thường xuyên, liên tục để tháo gỡ; có họp với các địa phương như Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang thành lập đường dây nóng chung giữa các tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp thu mua còn ở nhiều tỉnh khác nhau, phải di chuyển khắp các tỉnh ĐBSCL, cần sự thống nhất cho cả khu vực, thậm chí là toàn bộ 19 tỉnh phía Nam đang giãn cách theo Chỉ thị 16", ông Lâm nói. Vì vậy, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh An Giang đề xuất Bộ NN&PTNT có chiến lược để liên kết tiêu thụ trong toàn vùng ĐBSCL chứ không riêng lẻ một vài địa phương.

Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh mới có 40 máy gặt đập liên hợp, đang thiếu hụt nghiêm trọng số lượng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa hè thu, rất cần sự hỗ trợ từ các tỉnh đưa máy sang.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, dù đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng nhờ sự giúp đỡ của Tổ công tác 970, tỉnh cũng tạo điều kiện trong lưu thông nên Cà Mau không gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Ước tính mỗi tháng Cà Mau cung cấp cho thị trường 15.000 - 20.000 tấn tôm, hiện việc tiêu thụ ổn định, dù giá giảm khoảng 10 - 30%; giá lúa hè thu ổn định ở mức 5.500 - 6.200 đồng/kg.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 3 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm với 38 nhà máy, thời gian đầu các nhà máy thực hiện "3 tại chỗ", sau đó có nhiều doanh nghiệp không đáp ứng, phải dừng hoạt động hoặc giảm 30 - 50% công suất. Sau đó, các doanh nghiệp xử lý quyết liệt, tỉnh tổ chức tiêm vaccine cho hầu hết công nhân, tổ chức xét nghiệm định kỳ nên nhiều doanh nghiệp đã phục hồi công suất hoạt động từ 80 - 100%.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nên tập hợp các thương lái đi thu mua lúa, nông sản, coi họ như đối tác. Đánh giá cao sáng kiến của Tổ Công tác 970, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, qua việc kết nối, tiêu thụ nông sản thời gian qua, Bộ NN&PTNT cũng phải có những đổi mới trong hoạt động, không chỉ tập trung sản xuất mà còn tăng tính kết nối.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị các địa phương linh hoạt hơn trong việc kiểm soát lưu thông, vận chuyển; nên tập hợp đội ngũ thương lái địa phương, về lâu dài đưa vào quản lý như một đối tác đồng hành trong thu mua nông sản cho nông dân vì không có thương lái vận chuyển thì nông sản cũng khó về nhà máy.

C.Linh
.
.
.