Ưu tiên hợp tác công-tư trong phát triển hạ tầng giao thông vận tải

Thứ Sáu, 20/05/2016, 09:30
Ngày 19-5, Phó Thủ tướng Trinh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Bộ GTVT về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác giai đoạn 2011–2015, phương hướng công tác giai đoạn 2016–2020. Theo báo cáo từ Bộ GTVT, trong 4 năm tới, dự kiến cần tới 950 nghìn tỷ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông.


Sẽ có thêm khoảng 1.500km đường cao tốc vào năm 2020

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định 5 năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao. Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua (2011 - 2015).

Liên quan đến việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Thứ trưởng Trường cho biết giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến sẽ đầu tư phát triển thêm khoảng 1.524km để đến hết năm 2020 sẽ có khoảng 2.270km đường cao tốc. 

Để có thể triển khai được các dự án và hoàn thành được mục tiêu phát triển hệ thống đường bộ cao tốc quốc gia như trên, giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 5.150 tỷ đồng để đối ứng cho các dự án ODA và tối thiểu 25.000 tỷ đồng vốn góp từ NSNN cho các dự án BOT, PPP. Về hệ thống quốc lộ, báo cáo nêu rõ, do nguồn lực còn hạn chế nên giai đoạn tới chỉ nghiên cứu đưa vào danh mục đầu tư các tuyến quốc lộ quan trọng, có nhu cầu giao thông lớn, có vai trò trong đảm bảo an ninh quốc phòng với chiều dài khoảng 3.600km.

Một số công trình quan trọng khác như: Hệ thống đường ven biển ưu tiên đầu tư hành lang ven biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến Vũng Áng (Hà Tĩnh) dài khoảng 342km và đường hành lang ven biển phía Nam dài khoảng 102km; đề án Cầu dân sinh, Dự án kiểm soát giao thông thông minh cho đường cao tốc…

Đối với đường sắt, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng chia sẻ thẳng thắn, do nhu cầu vốn để thực hiện mục tiêu như quy hoạch đến năm 2020 rất lớn, vào khoảng 227.700 tỷ đồng nên giai đoạn 2016-2020 ngành giao thông chỉ xác định nhu cầu vốn cho các dự án công trình quan trọng như: Cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh để nâng cao tốc độ chạy tàu 80-90km/h với tàu khách và 50-60km/h với tàu hàng, nâng cao năng lực thông quan, đáp ứng 25 đôi tàu ngày/đêm; cải tạo nâng cấp đường ngang, xây đường gom, xây 20 cầu đường bộ vượt đường sắt tại các nút giao cắt có mật độ giao thông lớn; xây mới các tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh; Trảng Bom - Dĩ An - Hoà Hưng; triển khai các dự án huy động xã hội hoá kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn…

Về hàng không, Bộ GTVT sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cam Ranh; huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới cảng hàng không quốc tế Long Thành. Các lĩnh vực khác như đường thủy nội địa, hàng hải cũng sẽ được Bộ GTVT tập trung đầu tư.

Mạng lưới cao tốc đang được nối dài bằng mô hình BOT kết hợp ngân sách nhà nước. Ảnh: CTV

Cần sớm xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP

“Với những mục tiêu trên, Bộ GTVT ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 955.448 tỷ đồng. Trong đó, 347.917 tỷ đồng dự kiến huy động ngoài NSNN và 607.531 tỷ đồng cần bố trí từ nguồn vốn có nguồn gốc NSNN. Tuy nhiên, Bộ GTVT chỉ cân đối được khoảng 116.952 tỷ đồng, gồm 44.835 tỷ đồng vốn trong nước và 72.117 tỷ đồng vốn nước ngoài.

Mức này chỉ đáp ứng khoảng 11,6% nhu cầu vốn trong nước và 32,6% vốn nước ngoài”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói. Nhận định nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016-2020 rất lớn, Bộ GTVT không cân đối được theo dự kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã thông báo, do vậy Bộ GTVT đề nghị Chính phủ ưu tiên bố trí khoảng 150.000 tỷ đồng từ nguồn phát hành TPCP giai đoạn 2017-2020 cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển quan trọng. Mặt khác, lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận, thời gian qua Bộ GTVT đã huy động nguồn lực rất lớn ngoài NSNN cho hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quá trình huy động vốn ngoài NSNN này đã nảy sinh một số vấn đề bất cập như: mức phí sử dụng hạ tầng, vốn của nhà đầu tư…

“Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh thể chế, chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP). Đặc biệt, đề nghị quan tâm sớm xây dựng, trình Quốc hội Luật Đầu tư theo hình thức PPP”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế để huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trong đó cần đặc biệt chú trọng các cơ chế chính sách cho hình thức hợp tác công-tư (PPP).

Trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, trong đó ưu tiên cao nhất là xây dựng những chính sách hiệu quả để thu hút nguồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng GTVT.

“Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật”, Phó Thủ tướng nói.

Với đề xuất về hoàn thiện chính sách đầu tư PPP của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ GTVT sớm hoàn thành các thông tư hướng dẫn; nghiên cứu ban hành mẫu hồ sơ mời sơ tuyển, mời thầu lựa chọn nhà đầu tư, hợp đồng dự án PPP; hướng dẫn giải ngân vốn góp Nhà nước; nghiên cứu quy định về bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cơ chế bảo hành vốn vay nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính rà soát mức phí BOT đường bộ ở mức hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và khả năng chi trả của người sử dụng.

Phạm Huyền
.
.
.