Ưu đãi thuế sẽ không còn là công cụ chủ đạo để thu hút FDI

Thứ Năm, 30/03/2023, 07:27

Năm 2024, các nước lớn đồng thời là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… dự kiến sẽ áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới chính sách thu hút FDI và môi trường đầu tư của Việt Nam.

Liên quan vấn đề này, ngày 29/3, Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP Hồ Chí Minh (CIIS) phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tọa đàm “Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - Triển vọng và thách thức trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”, nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp (DN)… nhìn nhận, đánh giá những tác động, cơ hội và thách thức khi thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu.

Ưu đãi thuế sẽ không còn là công cụ chủ đạo để thu hút FDI -0

Hiện nay, Việt Nam đang thu hút FDI đầu tư vào Việt Nam thông qua các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Một trong những chính sách trở thành công cụ chủ đạo để thu hút nhiều FDI, đó là các chính sách ưu đãi miễn giảm về thuế đối với các dự án đầu tư mới, kể cả các dự án đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới sẽ gây nhiều tác động đến việc thu hút đầu tư FDI cũng như hoạt động cuả các DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam.

Tại tọa đàm, TS. Trần Du lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Phó Chủ tịch VIAC cho rằng, với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam hiện nay đang áp dụng sẽ kém hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn, DN FDI lớn. Các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập DN hiện đang áp dụng sẽ không còn giá trị. Vì vậy, Việt Nam cần sớm có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, cùng với đó là ban hành những chính sách mới trong thu hút FDI. Và để thích ứng với cơ chế mới này, các kiến nghị, giải pháp cần phải được thực hiện đồng bộ, theo đó việc ưu tiên trước nhất là phải thúc đẩy nội luật hoá khung pháp luật tại Việt Nam. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hoặc điều chỉnh hoạt động đầu tư cần được xem xét để hiệu chỉnh cho đồng bộ với nguyên tắc thuế mới.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Trọng tài viên VIAC, từ năm 2024 một số quốc gia sẽ áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu. Quy tắc thuế suất tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, đã được 141 quốc gia, trong đó có Việt Nam đồng thuận. Theo quy tắc này, các DN đa quốc gia có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro trong ít nhất hai năm ở giai đoạn 4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận.

Khái niệm thuế DN tối thiểu toàn vẫn còn khá mới mẻ đối với các DN FDI đang hoạt động, cũng như một số các đơn vị, sở ngành. Để hiểu rõ hơn, ông Hiếu lấy ví dụ: Samsung có trụ sở chính Hàn Quốc. Samsung đầu tư ở Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan. Tổng doanh thu hợp nhất năm 2022 đạt trên 750 triệu euro, tổng các mức thuế họ nộp ở các quốc gia 7%, vậy thì 8% còn lại họ phải nộp cho Chính phủ Hàn Quốc.

Thực tế đó cũng cho thấy, nếu Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư FDI bằng chính sách ưu đãi thuế, có lẽ sẽ không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư FDI mới chất lượng cao, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Chúng ta cần sớm đưa ra tuyên bố chính thức về những nguyên tắc cơ bản ứng phó trong việc này để các nhà đầu tư có thông tin để quyết định đầu tư.

Ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cũng cho biết, nếu Việt Nam không có những hành động kịp thời và phù hợp thì có thể không giữ được quyền đánh thuế tại nước chủ nhà khi các quốc gia đi đầu tư sẽ thực hiện thu thuế bổ sung, ngoài ra Việt Nam cũng không thu được phần thuế bổ sung từ đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn có trụ sở đặt tại Việt Nam. Hiện nay, một số nước như Singapore, Malaysia, Hong Kong, Thái Lan đã lên kế hoạch, tuyên bố sẽ áp dụng Thuế tối thiểu nội địa đạt yêu cầu nhằm giành quyền đánh thuế bổ sung, không để “chảy” sang các quốc gia khác, đây là điểm Việt Nam cần học hỏi.

Thúy Hà
.
.
.