USD tăng giảm trong biên độ cho phép

Thứ Sáu, 22/05/2015, 12:47
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá lên 1% vào ngày 7-5, đồng bạc xanh trên thị trường ngân hàng lại tiếp tục “dậy sóng” và lập “đỉnh” từ trước tới nay ở mức 21.850 đồng/USD. Dù được nhận định việc tăng giá có yếu tố bất thường, nhưng rõ ràng, công tác điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chịu nhiều áp lực.

Dấu hiệu bất thường

Trong 3 ngày giao dịch của tuần này, thị trường ngoại hối lại chứng kiến sự tăng giá trở lại của USD. Cụ thể, phiên đầu tuần mới, tỷ giá đồng USD tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh tăng nhẹ thêm khoảng 15-20 đồng. Song, chưa dừng lại ở đó, bước sang phiên giao dịch buổi chiều, đồng bạc xanh lại tiếp tục dâng cao ở hầu như tất cả các nhà băng, đưa mức tăng lên tới 25-40 đồng cả chiều mua vào - bán ra so với phiên cuối tuần trước, ở mức cao nhất là 21.840 đồng/USD.

Tỷ giá USD vẫn trong tầm kiểm soát. Ảnh minh họa: CTV.

Bước sang ngày giao dịch thứ 2, giá USD lại leo dốc, thu hẹp khoảng cách với trần cho phép, mức tỷ giá VND/USD bán ra cao nhất được ghi nhận tại ngân hàng HSBC lên tới 21.850 đồng/USD.

Tuy nhiên, sang đến ngày 20/5 thì hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần và khối ngân hàng ngoại đã đồng loạt nhập cuộc nhóm “đỉnh” 21.850 đồng, trong khi đó, 3 “ông lớn” do Nhà nước nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietcombank và Vietinbank dù có tăng nhưng dè dặt hơn, và vẫn neo ở mức 21.830 đồng/USD. Song, đáng chú ý, ở chiều mua vào, thì cả BIDV, Vietcombank và Vietinbank đều niêm yết ở mức cao nhất trên thị trường và đang niêm yết giá mua vào ở mức 21.770 đến 21.790 đồng/USD.

Như vậy, với mức “đỉnh” này, tỷ giá VND/USD ở các ngân hàng hiện chỉ còn cách trần cho phép khoảng từ 70 đến 40 đồng/USD nữa mà thôi.

Dù thực tế thị trường USD có tăng, có giảm và vẫn nằm trong biên độ trần cho phép, nhưng theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, tỷ giá tăng mạnh trong thời điểm này cho thấy có dấu hiệu bất thường. Dấu hiệu đầu tiên đó là trong tuần qua, giá USD trong nước tăng, nhưng thực tế, đồng bạc xanh trên thị trường thế giới lại giảm, và xuống đến mức thấp nhất trong vòng 4 tháng.

Một dấu hiệu bất thường khác đó là cung cầu ngoại tệ vẫn được đáp ứng bình thường, dù cầu ngoại tệ hiện có tăng lên, song không đột biến. Đáng chú ý hơn nữa, việc giá USD tăng mạnh chủ yếu trong thị trường chính thức, và USD tại các ngân hàng đã “vượt mặt” USD chợ đen.

Có thể ví dụ, ngày 14/5, tại thị trường chợ đen giao dịch ở mức 21.770 đồng/USD, trong khi giá giao dịch tại ngân hàng thương mại lên đến 21.850 đồng/USD, chênh nhau tới 80 đồng, mà “phần thắng” lại thuộc về thị trường chính thức. Sự lạ này kéo dài đến cuối giờ chiều 15/5, sau khi Sở Giao dịch NHNN công bố giá giao dịch mới mua vào – bán ra là 21.600 – 21.820 đồng/USD, giá USD tại các ngân hàng mới quay đầu giảm, kéo hai thị trường về sát nhau.

Điều hành tỷ giá linh hoạt vì thị trường

Với những yếu tố bất thường này, các chuyên gia kinh tế nhận định rất có thể tỷ giá tăng do có yếu tố đầu cơ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tỷ giá VND/USD tăng vừa qua là do tâm lý, cũng như do nhu cầu tăng ở một vài đơn vị nhập khẩu. Theo số liệu 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 3 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2014, Việt Nam xuất siêu 2 tỷ USD. Nhập siêu tăng cao cũng đồng nghĩa với nhu cầu đồng USD sẽ tăng lên, điều đó sẽ gây áp lực lên tỷ giá.

ANZ cho rằng tỷ giá sẽ tăng khoảng 3,1% trong năm 2015.

Động thái nâng giá giao dịch đồng nghĩa với việc NHNN đã phát đi tín hiệu sẵn sàng mua USD cao và bán USD thấp hơn các ngân hàng để can thiệp bình ổn thị trường. Trước đó, NHNN cam kết trong năm 2015, tỷ giá biến động không quá 2%, và cơ quan này đã sử dụng hết room đặt ra. TS Cấn Văn Lực nhận định điều này sẽ khiến NHNN phải đứng trước nhiều sức ép từ nay đến cuối năm, và nhiệm vụ của NHNN sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Song cũng phải nhìn nhận rằng câu chuyện điều hành tỷ giá năm nay phức tạp hơn, không hề dễ dàng, đặc biệt là trong bối cảnh giá dầu, giá USD khó dự đoán trước.

“Biên độ điều chỉnh tỷ giá 2% mà NHNN đặt ra đầu năm là trong bối cảnh cũ, khi USD và giá dầu chưa có nhiều biến động. Việc định hướng này có tác dụng rất tốt cho các doanh nghiệp trong lập kế hoạch kinh doanh cũng như giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc điều hành cần phải có sự linh hoạt để bám sát thị trường: theo dõi sự chuyển động khách quan bên ngoài, nhưng cũng phải chủ động trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa, đầu tư, thương mại…”- TS Lực phân tích.

Hà An
.
.
.