Tăng trưởng tín dụng phải thực chất

Thứ Năm, 11/01/2024, 07:51

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm 2024 cho các ngân hàng, tương đương với số tiền khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn sẽ được cung cấp cho nền kinh tế.

Sau nhiều năm gặp khó vì chỉ tiêu tín dụng, động thái này của NHNN được cho là sẽ giúp các tổ chức tín dụng có nhiều cơ hội cho vay, đồng nghĩa với một lượng lớn vốn sẽ được đẩy ra nền kinh tế, kích thích sản xuất kinh doanh. Trước đây, khi nền kinh tế phát triển mạnh, đã có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng trên 20%. Nhưng theo các chuyên gia, để tăng trưởng đạt chỉ tiêu này trong năm 2024 với dự báo nhiều khó khăn, sẽ là thách thức với không ít ngân hàng. Lãnh đạo một nhà băng cho biết, đối với các ngân hàng, huy động và cho vay vốn là nghiệp vụ truyền thống và đóng vai trò rất quan trọng trong kết quả kinh doanh.

Từ trước tới nay, việc hạn chế room tín dụng luôn khiến cho quá trình vay vốn của doanh nghiệp gặp ách tắc, nhất là thời điểm cuối năm, khi mà các ngân hàng đã cạn room tín dụng, trong khi doanh nghiệp lại cần vốn hơn bao giờ hết cho thời vụ theo tính chu kỳ. Tuy nhiên, với thực tế khó khăn như năm 2023, tăng trưởng tín dụng đã không còn dễ dàng, vốn ách tắc khiến cho mục tiêu đề ra từ đầu năm khó đạt. Năm 2024 được dự báo vẫn tiếp tục khó khăn, nên đối với một số ngân hàng, room tín dụng 15% như một “chiếc áo rộng”.

Tăng trưởng tín dụng phải thực chất -0
Ngân hàng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Thực tế, năm 2023, hết 11 tháng, tín dụng chỉ tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm. Tuy nhiên, chỉ trong 4 tuần cuối tháng 12, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 520.000 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 1/3 tổng mức tăng thêm của cả năm 2023. Trước sự tăng trưởng đột biến này, câu hỏi đặt ra liệu tín dụng tăng trưởng nóng có đảm bảo chất lượng?

Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, khi cho vay vốn, các tổ chức tín dụng đã quyết định chất lượng tín dụng, còn có lành mạnh hay không thì đánh giá qua nợ xấu. Mà nợ xấu thì do nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn nên không trả được nợ, cũng có thể do ý thức thẩm định kết quả đánh giá khi cho vay của các ngân hàng thương mại. “Nhưng việc tín dụng tăng trưởng cao vào cuối năm là quy luật từ trước tới nay. Hầu hết đến cuối năm, các dự án đều được giải ngân - đây là yếu tố khách quan”, ông Tú nhấn mạnh.

Trở lại câu chuyện về tăng trưởng tín dụng năm 2024, theo các chuyên gia, điều quan trọng nhất đó là tăng trưởng tín dụng cần phải thực chất. Khi cho vay, các ngân hàng sẽ phải nhắm đúng đối tượng, đúng mục đích kinh doanh có thể tạo ra giá trị để thu hồi và trả lại vốn cho ngân hàng.

Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long phân tích, muốn tăng trưởng một cách bền vững, tạo ra công ăn việc làm, doanh nghiệp tạo ra giá trị và có lợi nhuận, xuất khẩu tăng trưởng trở lại thì cần phải có sự tăng trưởng tín dụng một cách thực chất. Nghĩa là tăng trưởng tín dụng sẽ phải đi vào các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn cho các hoạt động sản xuất ra hàng hóa, xuất khẩu, cung cấp các dịch vụ như du lịch, lưu trú, ăn uống,... khi đó giá trị của tăng trưởng tín dụng mới phản ánh vào nền kinh tế và từ đó sẽ phản ánh trên thị trường tài chính. Để làm được điều này, theo ông Phạm Xuân Hoè, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), nguồn vốn của các ngân hàng thương mại phải được khơi thông hơn, trong đó có nguồn vốn giải ngân từ đầu tư công ra nền kinh tế, tạo nguồn vốn không kỳ hạn rất lớn. Ngoài ra, hỗ trợ tín dụng tiêu dùng cho người thu nhập thấp và công nhân để họ trang trải cuộc sống, đồng thời kích thích tổng cầu tăng cao.

Từ phía NHNN, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, hiện nay áp lực nợ xấu với hệ thống ngân hàng vẫn chưa vơi vì rủi ro suy thoái của nền kinh tế còn lớn, dẫn đến khả năng trả nợ của người dân, doanh nghiệp suy giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng. Các dự báo cho thấy năm 2024 tiếp tục là một năm đầy khó khăn với kinh tế thế giới. Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Đặc biệt, tổng cầu thế giới có nguy cơ suy giảm khi Mỹ và một số nền kinh tế lớn của châu Âu dự báo suy thoái nhẹ. Những yếu tố này có thể là lực cản lớn đối với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

NHNN khẳng định, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tiếp tục chỉ đạo hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Hà An
.
.
.