Tăng cường kiểm tra, xử lý tàu cá khai thác hải sản vi phạm

Thứ Sáu, 02/09/2022, 19:04

Sau 5 năm Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang EU, với lý do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), ngoài tăng cường phối hợp với các lượng kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác IUU, lực lượng Cảnh sát biển còn đồng hành với ngư dân tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam, vận động ngư dân không đánh bắt trái phép, tuân thủ pháp luật khi khai thác thuỷ sản để sớm gỡ “thẻ vàng”.

Mặc dù được phổ biến, tuyên truyền, nhưng một số ngư dân, chủ tàu vẫn ra vùng biển nước ngoài để khai thác thuỷ sản. Theo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, từ đầu năm đến tháng 6/2022, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU bị bắt giữ, xử lý có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn các tàu này vi phạm sâu vào vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; sử dụng nhiều thủ đoạn để né tránh các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình, từ đầu năm 2022, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các nhiệm vụ phòng chống khai thác IUU.

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và lực lượng bảo vệ biển các nước bắt giữ, xử lý 29 vụ, 48 tàu, 326 ngư dân vi phạm IUU; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 178 tàu, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 382 triệu đồng. Đặc biệt, đã ngăn chặn kịp thời 4 vụ với 7 tàu cá ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ ở khu vực biển giáp ranh.

Tăng cường kiểm tra, xử lý tàu cá khai thác hải sản vi phạm -0
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tuyên truyền cho ngư dân đang đánh bắt thuỷ sản trên vùng biển Cồn Cỏ (Quảng Trị) không vi phạm IUU.

Phân tích lượng tàu cá vi phạm trên các vùng biển này chủ yếu là tàu cá ở các địa phương: Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Vùng biển vi phạm chủ yếu giáp ranh với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia. Trong số tàu vi phạm có nhiều tàu và ngư dân chưa xác định rõ địa phương nào.

Theo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, qua quá trình tuần tra đơn vị phát hiện một số tàu cá vượt vùng biển giáp để đánh bắt hải sản trái phép. Điển hình tại vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam – Malaysia, phát hiện một tàu cá của tỉnh Cà Mau tự ý tháo thiết bị giám sát hành trình, sang vùng biển Malaysia cách đường phân định khoảng 3 hải lý đánh bắt hải sản trái quy định IUU. Tàu của Cảnh sát biển Vùng 4 đã tiếp cận tàu cá, tuyên truyền, vận động ngư dân trên tàu di chuyển về vùng biển Việt Nam để kiểm tra hành chính.

Cà Mau có khoảng 4.600 tàu cá, xếp thứ 2 ở Đồng bằng song Cửu Long với sản lượng khai thác khoảng 230.000 tấn/năm. Năm 2021, Cà Mau có 7 tàu với 36 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; trong 5 tháng đầu năm 2022 có 1 tàu với 7 ngư dân bị bắt giữ, xử lý. Dù tỉnh Cà Mau có nhiều biện pháp ngăn chặn, song tình hình này vẫn là vấn đề nan giải. 

Tại vùng biển Tây Nam, lực lượng Cảnh sát biển Vùng 4 đã tập trung tuyên truyền trực tiếp cho 55 chủ tàu có nguy cơ cao tại huyện Châu Thành (Kiên Giang), yêu cầu ký cam kết không vi phạm khai thác IUU. Trước đó, đơn vị đã bắt giữ 1 tàu cá tỉnh Kiên Giang có hành vi che biển số, tháo thiết bị hành trình sang vùng biển Malaysia đánh bắt hải sản. Khi bị phát hiện đã không chấp hành điều lệnh dừng tàu và có hành vi bỏ chạy, chống đối lực lượng chức năng khi tiếp cận tàu.

Lực lượng Cánh sát biển luôn duy trì từ 7-8 tàu tuần tra, kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU và tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển giáp ranh với Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Campuchia. Qua công tác kiểm soát, phát hiện thủ đoạn vi phạm trong khai thác IUU càng ngày càng tinh vi. Để đưa tàu cá ra nước ngoài khai thác, các chủ tàu sử dụng các tàu hết hạn đăng kiểm, bị xoá đăng ký; lợi dụng thời tiết tắt giám sát hành trình, tắt VMS để trốn lực lượng tuần tra, thậm chí còn tháo thiết bị VMS gửi tàu khác, gửi trong bờ để duy trì tín hiệu; hợp thức hoá thủ tục tàu Việt Nam thành tàu nước ngoài. Những thủ đoạn này gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện.

Để nâng cao nhận thức của ngư dân trong quá trình đánh bắt, khai thác hải sản trên biển, thời gian tới, lực lượng lực lượng Cảnh sát biển phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành ven biển và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam; phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân về việc thực thi chống khai thác IUU, về những điều không được làm để đảm bảo tuân thủ các quy định của IUU, để các ngư dân tự giác chấp hành pháp luật khi hoạt động trên biển.

Trần Hằng
.
.
.