Ra khơi mùa “mặt trời xuống biển như hòn lửa”

Thứ Hai, 09/05/2022, 08:35

Những ngày này, khi thời tiết thuận lợi, trời yên biển lặng, ngư dân các tỉnh miền Trung và tỉnh Quảng Nam nói riêng, lại hối hả vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của Trung Quốc trên biển Đông. Đặc biệt, các ngư dân khi vươn khơi đều thực hiện tốt các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp...

Tại âu thuyền Hồng Triều, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam), ngư dân Nguyễn Văn Châu (trú xã Bình Minh, Thăng Bình), chủ tàu cá số hiệu QNa-95979TS có công suất 700CV, chuyên hành nghề chụp mực đang tất bật cùng các thuyền viên chuẩn bị nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ để bắt đầu chuyến vươn khơi xa. Từ đầu năm 2022, tàu ông Châu đã có 3 chuyến vươn khơi xa, đánh bắt tại các ngư trường truyền thống thuộc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam với thời gian mỗi chuyến đi biển trung bình khoảng 20 ngày.

“Thời điểm này, giá nhiên liệu tăng cao cộng với việc sản lượng đánh bắt sụt giảm đã gây không ít khó khăn cho ngư dân chúng tôi. Nhưng với tình yêu biển, gắn bó với biển đã giúp chúng tôi tiếp tục nỗ lực vươn khơi xa bám biển để hoạt động đánh bắt hải sản”, ông Châu chia sẻ.

Khi được hỏi về việc có lo lắng trước lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, dự kiến trong thời gian 3 tháng (tính từ ngày 1/5), bao gồm một phần vùng biển Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Châu nói rằng, khi tàu vươn khơi đều có thiết bị giám sát hành trình và hoạt động theo đúng quy định, hoàn toàn trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nên rất yên tâm.

Bên cạnh tàu cá của ông Châu, tàu cá số hiệu QNa-95717TS có công suất hơn 700CV, hành nghề chụp mực của ông Nguyễn Văn Tám (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cũng đang hối hả chuẩn bị vươn khơi. Sau khi tập kết đầy đủ nhiên liệu và nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến biển khơi kéo dài trong nhiều ngày, 2 tàu cá nổ máy, rẽ sóng nước vươn thẳng về phía biển Đông mang theo hy vọng một chuyến biển mới bội thu, thuận buồm xuôi gió.

vuon khoi.jpg -0
Tàu cá của ngư dân Quảng Nam nhổ neo vươn khơi bám biển.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, đến nay, số lượng tàu cá đã đăng ký trên địa bàn tỉnh là 2.742 chiếc, trong đó vùng khơi 676 chiếc, vùng lộng 728 chiếc, vùng bờ và nội đồng 1.338 chiếc. Hiện nay tất cả các tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã thực hiện sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định. Số lượng tàu cá từ 15m trở lên phải lắp giám sát hành trình theo quy định là 676 tàu, trong đó số tàu cá đã lắp là 651 tàu (đạt tỷ lệ 96,3%); số tàu cá chưa lắp chỉ 25 tàu (đạt tỷ lệ 3,7%) gồm 9 tàu được đóng theo Nghị định 67 đang nằm bờ, ngân hàng đang làm thủ tục thanh lý; 7 tàu cá có chiều dài hơn 15m chưa làm thủ tục cấp giấy phép kỹ thuật, các tàu này tùy thuộc vào tình trạng an toàn kỹ thuật của tàu, đặc điểm nghề, chủ tàu sẽ làm thủ tục cải hoán tàu cá xuống vùng lộng, hoặc lắp thiết bị giám sát hành trình để khai thác vùng khơi; 9 tàu có công suất dưới 90CV, các tàu này không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để hoạt động khai thác vùng khơi, chủ tàu đang làm thủ tục cải hoán giảm chiều dài để khai thác vùng lộng.

Trong năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã tổ chức thẩm định và cấp 199 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (riêng năm 2021 là 163 Giấy chứng nhận). Tại Quảng Nam, phương pháp bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch chủ yếu là bảo quản bằng đá và phơi khô. Cơ quan chức năng chưa phát hiện các trường hợp ngư dân sử dụng thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm theo quy định của Bộ NN&PTNT để bảo quản sản phẩm thủy sản.

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua, đơn vị này đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại tỉnh Quảng Nam; kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, hỗ trợ kinh phí hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chủ động tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đúng quy định (như hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, công bố hạn ngạch giấy phép...).

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cũng đã ban hành Quy chế làm việc của Văn phòng Kiểm soát nghề cá tại Quảng Nam nhằm mục đích tăng cường công tác giám sát tàu cá và ngăn ngừa các hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài đối với tàu cá Quảng Nam có chiều dài từ 15m đến dưới 24m.

Đã thực hiện phân quyền quản lý khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá cho các đơn vị liên quan để phục vụ công tác theo dõi hoạt động tàu cá, xác nhận thủy sản, phòng chống thiên tai, xử lý tranh chấp trên biển và ngăn ngừa tàu vi phạm vùng biển nước ngoài... Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã phân công phòng chuyên môn tổ chức trực theo dõi, giám sát, phối hợp xử lý thông tin tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, tàu cá vi phạm vùng khai thác hải sản theo quy định. 

Ngọc Thi
.
.
.