Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ định hướng phân vùng và liên kết vùng

Thứ Ba, 19/07/2022, 14:28

Ngày 19/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ”Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Sau quá trình phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và trên cơ sở các nội dung của Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia đã báo cáo Chính phủ vào tháng 4/2022, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện dự thảo Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo Báo cáo hiện đang được gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và xin ý kiến rộng rãi; tiến tới hoàn thành trong năm 2022 theo yêu cầu của Quốc hội.

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030:  Định hướng phân vùng và liên kết vùng -0
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh: Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch lần đầu tiên được triển khai ở nước ta theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017. Đây là nhiệm vụ rất mới, chưa có tiền lệ. Quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, với định hướng phân vùng và liên kết vùng trên lãnh thổ quốc gia.

Theo Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Trần Hồng Quang, Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch có tính chiến lược, tổng hợp và khái quát cao, đồng thời bao quát nhiều ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật Quy hoạch. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự tham gia đầy đủ, sâu sắc của các ngành, lĩnh vực cũng như tham góp ý kiến của chuyên gia bên cạnh việc chủ động đúc rút kinh nghiệm, bài học quốc tế trong suốt quá trình triển khai lập quy hoạch. 

Tại hội thảo, đại diện các chuyên gia, bộ ngành đã đưa ra các ý kiến để hoàn thiện dự thảo báo cáo, trong đó tập trung vào cách cần phải đổi mới và hoàn thiện báo cáo theo chiều sâu và toàn diện hơn nữa. Cần phải xác định cơ cấu kinh tế cho từng vùng, phù hợp để phát triển bền vững. Các kịch bản kinh tế đưa ra cũng cần có mối quan hệ với phát triển kinh tế vùng, tăng tính liên kết. Đặc biệt, quan tâm đến kinh tế biển. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh rủi ro về thiên tai, báo cáo cũng cần chú ý tới rủi ro về xu hướng, thị trường, kinh tế thế giới để có những chuẩn bị cần thiết, tránh tình trạng bị động.

Lưu Hiệp
.
.
.