Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ Ba, 26/07/2022, 21:11

Chiều 26/7, tại Nam Định, đã diễn ra Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, những thành tựu đạt được; các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như cơ hội và thách thức trong phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước.

Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54 và Kết luận số 13 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để vùng đồng bằng sông Hồng phát triển mạnh mẽ, đi đầu cả nước và là cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng -0
Đồng chí Phạm Gia Túc- Bí thư Tỉnh ủy Nam Định phát biểu ý kiến

Đến nay, sự phát triển của 11 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của cả nước; quy mô kinh tế của vùng đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, vùng đồng bằng sông Hồng có đầy đủ 5 loại hình giao thông với 8 tuyến cao tốc, chiều dài 496 km (chủ yếu là các các tuyến hướng tâm Thủ đô Hà Nội), 25 tuyến quốc lộ, chiều dài 2.066 km, 6 tuyến đường sắt quốc gia, 37 tuyến đường thủy nội địa, 4 cảng biển, 3 cảng hàng không quốc tế.

Tuy nhiên, dù hệ thống giao thông có sự phát triển mạnh trong giai đoạn vừa qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn, thách thức lớn như tính liên kết vùng còn hạn chế, kết nối hạn chế giữa các tuyến hành lang kinh tế, vùng động lực và các cực tăng trưởng của vùng, hoạt động kết nối đa phương thức vận tải chưa hiệu quả, nguy cơ ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thủ đô, phát triển giao thông công cộng tại đô thị chưa có đột phá…

 “Khi bàn về kết nối hạ tầng, tôi thấy cách nối thông phát triển của các tỉnh trong khu vực chưa được tốt, tính liên kết chưa cao. Cấu trúc kinh tế xã hội quyết định cách chúng ta tư duy về hạ tầng và quy hoạch phát triển vùng như thế nào, quy hoạch từng tỉnh thế nào thì quyết định hạ tầng như vậy. Chúng ta không nên vì bức xúc hạ tầng hiện nay mà giải quyết hạ tầng tương lai, đó chỉ đúng một phần. Phải thay đổi cách nghĩ về phát triển vùng bắc bộ, hạ tầng số phải đặt vào sự phát triển của hạ tầng hôm nay”, TS. Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm.

Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng -0
Toàn cảnh hội thảo

Tham luận tại hội thảo, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để thực hiện các mục tiêu trên của vùng, việc phát triển các nguồn lực tài chính là yếu tố quan trọng.

Cùng với việc nắm bắt các xu hướng phát triển thị trường tài chính thế giới; bám sát các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính về phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần chú trọng những yếu tố đặc thù của vùng đồng bằng sông Hồng để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, vừa phòng ngừa rủi ro, phát triển bền vững các nguồn lực tài chính, chú trọng xu hướng phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng tài chính số và tài chính xanh, hội nhập sâu rộng với thị trường tài chính khu vực và toàn cầu; phù hợp với điều kiện tài chính của địa bàn.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết ghi nhận và đánh giá cao tham luận, trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học.

Hội thảo thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình và giai đoạn phát triển mới.

Hà An
.
.
.