Nông dân miền Tây với nỗi lo hạn, mặn dịp Tết

Thứ Năm, 25/01/2024, 08:14

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 1 đến tháng 2, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Từ tháng 3 đến tháng 5, hiện tượng này giảm xuống mức từ 60-85%. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn cục bộ tại các khu vực dọc theo sông Tiền và sông Hậu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), do ảnh hưởng hạn mặn đến sớm, khoảng 56.260 ha lúa Đông Xuân 2023 - 2024 có nguy cơ thiếu nước và 43.300 ha cây ăn trái ở ĐBSCL bị ảnh hưởng.

Tại tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn trong mùa khô dự báo ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân vùng dự án ngọt hóa Gò Công và diện tích vườn cây ăn trái các huyện phía Tây và gây tình trạng thiếu nước ngọt.

mien tay 1.jpeg -0
Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long trữ nước ngọt để tưới tiêu trong mùa hạn, mặn.

Tỉnh Tiền Giang đã ban hành phương án số 447, một trong những nội dung quan trọng của phương án là đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt đủ nước tưới tiêu khoảng 124.214 ha sản xuất nông nghiệp trong Dự án Bảo Định mở rộng thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Long An; đặc biệt là diện tích cây ăn trái của Tiền Giang với hơn 65.000 ha. Tiền Giang hiện có 188 cống ngăn mặn do tỉnh quản lý, trong đó có 4 cống lớn, 20 cống vừa và 164 cống nhỏ. Việc đầu tư các cống đã phát huy tốt hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt. Trường hợp xâm nhập mặn nghiêm trọng như năm 2019-2020, tỉnh Tiền Giang cơ bản bảo đảm nguồn nước phục vụ tưới tiêu và nguồn nước ngọt sinh hoạt của người dân.

Huyện Cai Lậy có 2 xã cù lao (Ngũ Hiệp và Tân Phong) nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ phía sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre). Để bảo vệ cho hơn 2.700 ha vườn cây ăn trái, ngoài các giải pháp phi công trình, huyện Cai Lậy cho tiến hành nạo vét các tuyến kênh, đắp các đập tạm ngăn mặn và vận hành 15 giếng khoan (xã Tân Phong 8 giếng, Ngũ Hiệp 7 giếng) để bổ sung nguồn nước tưới khi bị nhiễm mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất. Huyện Cái Bè cũng chủ động đề ra nhiều giải pháp để bảo vệ gần 24.500 ha cây ăn trái và hơn 7.100 ha lúa.

Đối với diện tích vườn cây ăn trái (vùng ven sông Tiền), huyện Cái Bè đề xuất đầu tư 5 đập thép để ngăn mặn, sửa chữa hệ thống thủy lợi nội đồng và nạo vét 25 tuyến kinh với chiều dài 24 km… Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, nếu không có phương án chủ động phòng, chống hạn mặn từ sớm, từ xa thì sẽ bị thiệt hại rất lớn cho vùng cây ăn trái các huyện phía Tây, đặc biệt là cây sầu riêng.

Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) là vùng trồng hoa kiểng lớn nhất nhì tại ĐBSCL. Những ngày qua, ngành nông nghiệp thường xuyên cập nhật độ mặn trên sông và thông báo rộng rãi đến người dân để chủ động, đồng thời cấp máy đo mặn cho các xã để theo dõi, cập nhập thông tin thường xuyên.

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết, độ mặn đang mấp mé, còn cách xã Hưng Khánh Trung B khoảng 5-7 km. Mùa này đang có gió chướng nhưng chưa mạnh, nếu gió chướng mạnh sẽ đẩy mặn vào nhanh và sâu hơn. Ông Nguyễn Văn Liệt (ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách) cho biết, gia đình ông trồng 1.000 chậu hoa các loại để bán trong dịp Tết Nguyên đán. “Gia đình đã trữ khoảng 1.000m3 nước ngọt trong hồ để phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt”, ông Liệt nói.

Ông Lê Văn Mười (ngụ xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm) trồng dưa hấu vỏ vàng, loại dùng để chưng Tết. Đây là loại cây ưa nước nên trước khi tưới nhà vườn phải kiểm tra độ mặn trên sông. “Nếu nước bị nhiễm mặn mà tưới cho loại cây này thì năng suất không cao, dưa cho trái không đồng đều. Hy vọng mặn sẽ không vào sâu để trúng mùa dưa dịp Tết”.

Tại Vĩnh Long, xâm nhập mặn xuất hiện nửa đầu tháng 1/2024, ảnh hưởng đến các sông chính và kênh, rạch nội đồng trong tỉnh, ranh giới mặn không vượt qua 1‰, đến gần cuối tháng 1/2024 độ mặn bắt đầu tăng dần xấp xỉ 3‰. Tỉnh Vĩnh Long xây dựng 3 kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra, nhằm đảm bảo nhu cầu nước cho hoạt động sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân. Trường hợp xâm nhập mặn rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019-2020, toàn tỉnh sẽ có 6/8 địa phương bị ảnh hưởng.

Với tình huống trên, tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình, hạn chế thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân. Theo ông Trần Nguyễn Anh Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Vĩnh Long, hạn mặn có khả năng cao hơn năm 2015-2016, bằng năm 2022 nhưng không khắc nghiệt bằng năm 2019-2020. Một số thời điểm có khả năng cao như năm 2020 nhưng nếu xảy ra kịch bản này, thời gian mặn xuất hiện sẽ không kéo dài.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh đã hình thành hệ thống công trình thủy lợi với trên 400 tuyến đê bao dài hơn 3.600 km, trên 6.000 cống, đập, 19 trạm bơm điện, 16 tuyến kè bảo vệ bờ các sông, kênh, rạch lớn dài gần 14 km và gần 4.400 tuyến kênh, rạch dài trên 5.300 km. Hệ thống thủy lợi đã khép kín chủ động tưới tiêu trên 94% diện tích canh tác, đồng thời tạo nền cho hệ thống giao thông bộ phát triển.

Trà Vinh đã xây dựng các kịch bản với ranh giới độ mặn 4‰, xâm nhập vào sâu hơn 50 km tính từ cửa sông để triển khai giải pháp ứng phó. Theo ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, tỉnh khuyến khích người dân lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp mùa vụ và ứng phó được với biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng tăng cường công tác đo kiểm tra độ mặn trên các sông, rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình thủy lợi lấy, trữ nước hợp lý, hiệu quả.

Văn Vĩnh
.
.
.